"Điểm trừ" của công ty gia đình

19/12/2015 11:14

"Điểm trừ" của công ty gia đình

Bên cạnh những thế mạnh công ty gia đình mang lại cũng có nhiều vấn đề về mô hình này cần phải khắc phục.


Những ngày qua, thông tin về sự rạn nứt của gia đình Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên tràn ngập trên truyền thông. Chưa biết câu chuyện sẽ có kết cục như thế nào nhưng những thông tin hiện tại cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu Trung Nguyên đã tồn tại mấy chục năm nay. Và đây cũng là một trong những điểm bất lợi của mô hình công ty gia đình vốn rất phổ biến tại Việt Nam.

 

Sự việc bắt đầu từ lá thư của Giám đốc Phát triển kinh doanh Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp - đại diện Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên gửi các nhà phân phối, khách hàng ngày 20/11 thông báo tạm ngưng cung cấp các sản phẩm thuộc nhóm hàng hòa tan do "nhu cầu bảo trì máy móc, thiết bị, dây chuyền của các nhà máy trực thuộc Công ty". Nhưng thông tin ngoài lề cho rằng đang có mâu thuẫn trong nội bộ Công ty mà cụ thể là vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang trong quá trình ly hôn và tranh chấp về quyền kiểm soát doanh nghiệp.

 

Ngày 2/12, Trung Nguyên phát thông báo thứ 2 cho biết, "việc bảo trì máy móc, thiết bị và nâng cấp dây chuyền sản xuất tại các nhà máy sản xuất cà phê hòa tan G7 đã hoàn thành sớm trước thời gian dự kiến". Vì thế, "khách hàng yên tâm tiếp tục đặt hàng và tin dùng các sản phẩm cà phê hòa tan G7 để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của thị trường".

 

Chưa biết thực hư thế nào và kết quả câu chuyện gia đình của "cặp đôi quyền lực" của Trung Nguyên sẽ đi đến đâu nhưng hiện tại, những thông tin về sự việc này đã lan truyền nhanh chóng trên truyền thông. Và dĩ nhiên, đi kèm với những thông tin về sự đổ vỡ của gia đình ông Vũ là những bình luận không tốt về Trung Nguyên.

 

Chưa hết, những thông tin xấu của đối thủ đánh vào Trung Nguyên cũng nhân dịp này "tung hoành" trên các kênh truyền thông không chính thống. Đây là những điều bất lợi mà không doanh nhân nào muốn xảy ra với doanh nghiệp của mình, nhất là đối với thương hiệu cà phê được coi là đại diện của cà phê Việt Nam hiện nay.

 

Trước Trung Nguyên nhiều năm, câu chuyện gia đình của doanh nghiệp tư nhân Đức Phát cũng khiến dư luận tiếc nuối. Khi Đức Phát đang ở đỉnh cao phát triển thì vợ chồng ông Cao Siêu Lực "đường ai nấy đi". Ông Lực đã để Đức Phát cho vợ quản lý và bắt đầu một hành trình mới cùng với các con.

 

May mắn và cũng là người có bản lĩnh nên sau khi chia tay, ông Cao Siêu Lực đã gầy dựng lại cơ nghiệp với thương hiệu bánh ngọt ABC. Và hiện nay, không chỉ vượt qua thời điểm hoàng kim của Đức Phát khi xưa, ABC đã phát triển không chỉ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Bên cạnh hệ thống cửa hàng trong nước, ABC đã mở các cửa hàng ở Campuchia.

 

Hiện tại, Đức Phát là một trong những nhà cung cấp bánh ngọt cho những thương hiệu thức ăn nhanh lớn đang có mặt tại Việt Nam. Không chỉ vậy, cơ sở bánh ngọt của ABC cũng là vệ tinh cho nhiều thương hiệu bánh Trung thu có tiếng tại TP.HCM trong những năm qua.

 

Không ai phủ nhận vai trò của các công ty gia đình đối với nền kinh tế Việt Nam vì mô hình này đang chiếm đến hơn phân nửa số doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh công ty gia đình mang lại cũng có nhiều vấn đề về mô hình này cần phải khắc phục.

 

Trong một cuộc gặp gỡ của các thành viên Câu lạc bộ LBC, ông Huỳnh Phước Nghĩa - chuyên gia tư vấn cao cấp của GIBC cho rằng, có 7 vấn đề các công ty gia đình cần giải quyết. Đó là: hoạch định đội ngũ kế thừa, sự ảnh hưởng của cái bóng người sáng lập, xung đột trong công ty gia đình, sử dụng nhà quản lý chuyên nghiệp ngoài gia đình, vai trò của nữ giới trong kế thừa - lãnh đạo doanh nghiệp, giá trị công ty và giá trị gia đình, quản trị và kiến tạo doanh nghiệp.

 

Cũng theo ông Nghĩa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột như quan hệ cha - con, thế hệ con cháu tranh giành quyền lực, thành viên trong gia đình không cùng mục tiêu, sự can thiệp hoặc rủi ro của người ngoài gia đình...

 

Nguồn gốc của những xung đột này là do sự phân chia trách nhiệm và vai trò không rõ ràng, không công bằng trong hoạch định kế thừa, phân biệt nam - nữ, không minh bạch trong chính sách... Nghiêm trọng nhất của sự xung đột trong các công ty gia đình là xung đột lợi ích giữa các thành viên trong gia đình.

 

Để giải quyết các xung đột trong các công ty gia đình nhất thiết phải xây dựng bộ hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình có liên quan đến công ty về quyền hạn, lợi ích, kế hoạch phát triển cá nhân...

 

Các công ty gia đình cần thực hiện các chương trình chuyển đổi về quản trị con người như thay đổi văn hóa, phát triển bền vững... "Quan trọng nhất là các công ty gia đình nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử liên quan đến công ty và quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau", chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa tư vấn.

 

Theo DNSG