Cơ hội tỷ đô từ TPP của Johnathan Hạnh Nguyễn

15/10/2015 02:17

Cơ hội tỷ đô từ TPP của Johnathan Hạnh Nguyễn

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thuế nhập khẩu với hàng xa xỉ sẽ giảm mạnh, Johnathan Hạnh Nguyễn dự kiến mở những Factory Outlet lớn ở các thành phố.


Không giống như vẻ bên ngoài hoành tráng và sang trọng của những trung tâm hàng hiệu, việc kinh doanh sản phẩm xa xỉ vô cùng khốc liệt. Chi phí lớn, kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn, cạnh tranh dữ dội giữa các nhà phân phối, rồi hàng giả, hàng nhái… là những vấn đề mà tất cả công ty hàng hiệu ở Việt Nam phải đối mặt hằng ngày.

 

Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: “Ở Việt Nam, thuế hàng xa xỉ vẫn ở mức 30-40%, kinh doanh hàng hiệu nghiêm túc, hàng hóa chuẩn, không trốn thuế thì không lỗ là may rồi”.

 

“Ông trùm” hàng hiệu tiết lộ, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp IPP tồn tại được trong bối cảnh khó khăn là sự hỗ trợ của các thương hiệu lớn: “Tôi đã đồng hành cùng họ 20 năm trước đó, khi người mua còn rất ít và mình là người đầu tiên đưa họ vào Việt Nam. Giờ phát triển hơn, doanh thu tăng trưởng tốt nên các thương hiệu chấp nhận chia sẻ chi phí với IPP”.

 

Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin thêm, việc có được những món hàng “độc” (chỉ sản xuất với số lượng hạn chế) từ những thương hiệu như Channel, Cartier… cũng giúp IPP khẳng định vị thế với những tín đồ hàng hiệu trong nước.

 

“Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng giám đốc IPP, là người đi chọn và nhập hàng từ nước ngoài. Cùng một xu hướng thời trang nhưng việc lựa màu sắc, kích cỡ với tỷ lệ ra sao là một nhân tố quan trọng, có thể quyết định lãi hay lỗ. Và chúng tôi có thế mạnh ở điểm này”, Johnathan Hạnh Nguyễn tự tin nói.

 

Ông giải thích, hàng hiệu có 2 nhóm người mua là khách quốc tế và trong nước. Nhờ kinh doanh cửa hàng miễn thuế nhiều năm ở sân bay, cùng kinh nghiệm phân phối hàng hiệu trong nước, IPP có nhiều dữ liệu để phân tích nhu cầu, tính toán tỷ lệ hàng hóa theo kích cỡ, xu hướng màu sắc ra sao cho phù hợp và hiệu quả.

 

Thêm vào đó, để kinh doanh thành công thì mọi cửa hàng phải thỏa mãn nhóm khách “tín đồ hàng hiệu”. Họ là những người thích đi đầu về xu thế, mua hàng mới sớm nhất và không quan tâm nhiều đến giảm giá. Nếu bán được 30-40% hàng mới cho nhóm này thì thương vụ sẽ thành công. Nguồn hàng sớm, dồi dào, với nhiều mẫu “độc”… là ưu thế của IPP với những tín đồ hàng hiệu.

 

Sau khoảng 6 tháng, các cửa hàng của IPP sẽ giảm giá để bán cho những người yêu thích hàng hiệu nhưng không “máu” như các tín đồ. Những chương trình giảm giá thành công giúp công ty nhanh chóng thu hồi vốn, đồng thời mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng có thể trở thành tín đồ. Chương trình được tổ chức đầu tháng 10 này tại khách sạn Tân Sơn Nhất của IPP là một ví dụ điển hình với sự tham gia của cả chục nghìn người mua.

 

Trao đổi với PV, bà chủ của một chuỗi cửa hàng phân phối đồ hiệu lớn tại Hà Nội cho biết, IPP có thế mạnh về uy tín và địa điểm. Điều này cộng với quy mô lớn và mối quan hệ lâu năm cũng giúp IPP tiếp cận với các thương hiệu lớn dễ hơn.

 

Tuy nhiên, các mẫu hàng “độc” cũng không tạo nên nhiều ảnh hưởng bởi số lượng khách này quá ít. Bên cạnh đó, nhu cầu về hàng xa xỉ cũng như tính toán, dự báo về tỷ lệ màu sắc, kích cỡ ra sao cho hiệu quả tối ưu sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô và còn do độ nhạy cảm của người kinh doanh.

 

“Ngoài ra, những đơn vị nhỏ hơn cũng có những chiêu riêng để cạnh tranh, chứ nếu chỉ căn cứ về lợi thế uy tín, quy mô, địa điểm… thì các công ty phân phối hàng hiệu nhỏ hơn đã không còn”, bà chủ này bình luận.

 

Ông trùm hàng hiệu dùng hàng hiệu ra sao?

 

Khi được hỏi về việc sử dụng hàng hiệu của cá nhân và gia đình, ông trùm hàng hiệu chỉ vào chiếc áo sơ mi đang mặc và đôi dép dưới chân, nói: “Cái này chỉ là đồ bình thường thôi, không phải hàng hiệu hoành tráng gì đâu. Tôi thích mặc đồ đơn giản, thoải mái khi đi làm và ở nhà chứ không nhất thiết phải là hàng hiệu đắt tiền”.

 

Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết thêm, vợ chồng ông cũng như các con chỉ mặc đồ hiệu đắt tiền khi đi sự kiện, vì đó là yêu cầu của ngành kinh doanh này. Đặc biệt, khi tiếp đối tác, ông và vợ luôn có sẵn các bộ đồ mang thương hiệu của họ để bày tỏ sự tôn trọng và yêu thích sản phẩm.

 

Tuy nhiên, Johnathan Hạnh Nguyễn từ chối chụp ảnh với logo của một thương hiệu thời trang nào đó ở phía sau với lý do: “Tôi không mốn những đối tác khác phiền lòng. Dù vậy, gia đình tôi vẫn có thể chụp ảnh với các sản phẩm yêu thích trong sự kiện hay khi xuất hiện trước công chúng”.

 

Ngay cả khi vào phòng làm việc để giới thiệu với phóng viên một món quà đặc biệt mà ông rất thích từ đối tác, Chủ tịch IPP cũng không nêu tên hãng tặng. Đây là bộ cờ vua cỡ lớn được đúc bằng đồng, tinh xảo, nặng hơn trăm cân, đối tác đặt hàng một nghệ nhân nổi tiếng người Ý làm để tặng Johnathan Hạnh Nguyễn.

 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn bên bộ cờ vua đúc bằng đồng mạ vàng tinh xảo.

Trong ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng quận 2, TP HCM, ông trùm hàng hiệu Việt có nhiều siêu xe trong garage như Rolls Royce, Maybach… Thế nhưng, không một ai trong gia đình sử dụng để đi làm.

 

“Tôi chỉ dùng siêu xe để đưa đón, phục vụ đối tác hoặc đi sự kiện mà thôi. Họ đến Việt Nam bằng chuyên cơ mà mình lại đi xe bình thường ra đón thì khó thể hiện được vị thế của một công ty phân phối hàng hiệu lớn nhất Việt Nam”, Chủ tịch IPP chia sẻ.

 

Cơ hội tỷ đô từ TPP

 

Hôm ông chủ IPP trả lời phỏng vấn tại văn phòng trùng với ngày hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trao đổi với phóng viên, Johnathan Hạnh Nguyễn khá phấn khích: “Tôi là người vui mừng nhất khi TPP được thông qua”.

 

Ông chủ của công ty hàng hiệu lớn nhất Việt Nam phân tích, khi TPP và FTA (hiệp định thương mại tự do) với châu Âu có hiệu lực, thuế với các mặt hàng xa xỉ giảm mạnh hoặc bằng 0. Lúc đó, IPP có cơ hội để mở 2-3 Factory Outlet bán hàng hiệu giảm giá quy mô lớn tại Việt Nam, đưa tập đoàn này lên một mức phát triển mới.

 

“Tuy nhiên, để làm được thì ngoài ý muốn chủ quan của tôi còn phải chờ các thủ tục của Nhà nước nữa, như Quốc hội phải thông qua TPP, rồi lộ trình giảm thuế có hiệu lực... Lúc đó, mục tiêu của tôi không phải 1 tỷ USD doanh thu mà đó là mức tối thiểu. Hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội sở hữu hàng hiệu nhưng giá mềm”, ông chủ IPP khẳng định.

 

Johnathan Hạn Nguyễn tiết lộ, IPP dự kiến mở một trung tâm chuyên kinh doanh hàng hiệu tại TP HCM với quy mô lớn gấp 3 lần so với Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ địa điểm cũng như thời gian khai trương dự án đặc biệt này.

 

Khi được hỏi về việc đưa IPP lên sàn chứng khoán, Johnathan Hạnh Nguyễn nói: “Tương lai thì chưa biết được nhưng giờ cứ để công ty gia đình tôi quyết dễ hơn. Lên sàn chứng khoán có cái khó là người vào với mình họ thường nhìn vào giá cổ phiếu, với những mục tiêu ngắn hạn mà như vậy thì phá vỡ hết kế hoạch của IPP. Từ trước đến nay, tôi thành công là nhờ đầu tư dài hạn”.

 

Người đứng đầu tập đoàn hàng hiệu lớn nhất Việt Nam cũng bổ sung thêm: “Nhưng đến lúc tôi thấy đủ điều kiện thì tại sao không nhỉ? Có khi tôi bán một phần lấy trăm triệu đô cùng bà Thủy Tiên (vợ) đi chơi, dưỡng già… còn lại để mấy đứa nhỏ lo chuyện công ty” (cười).

 

Theo Zing News