CEO Lê Hoàng Uyên Vy: Từ Thế giới ăn vặt đến Chọn.vn

19/07/2014 02:50

CEO Lê Hoàng Uyên Vy: Từ Thế giới ăn vặt đến Chọn.vn


Đang sở hữu chuỗi 3 nhà hàng có tên là Aiya! Thế giới ăn vặt, khá thành công, bà chủ 8X Lê Hoàng Uyên Vy vẫn kinh doanh thêm lĩnh vực bán hàng trực tuyến, với tham vọng trở thành doanh nghiệp số 1 trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam.


1. Tại buổi tọa đàm với chủ đề khá thời sự mới đây “Liên kết để không lệ thuộc”, thu hút nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn phía Nam tham dự, có một cô gái trẻ xung phong phát biểu, hiến kế cho các “doanh nhân già” làm sao để giảm lệ thuộc vào thị trường bên ngoài. Đó là việc tìm đầu ra sản phẩm, một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết, cần được đảm bảo thực thi.

Để chứng minh quan điểm của mình, cô gái trẻ lập luận rằng, ở các nước phát triển, loại hình mô hình trung tâm thương mại trực tuyến có xu hướng phát triển hơn hẳn các trung tâm/siêu thị bán lẻ truyền thống. Thống kê các năm 2012-2013, trên thế giới, lượng hàng hóa bán lẻ qua kênh online dù chỉ chiếm 6-8% tổng lượng hàng hóa bán lẻ, nhưng bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi tình hình thị trường có nhiều biến động, sức mua hàng tại các cửa hàng kinh doanh truyền thống giảm, giá thuê mặt bằng vẫn cao gây áp lực với những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, thì hình kinh doanh trực tuyến có cơ hội lên ngôi.

Cần sự liên kết giữa nhà sản xuất với nhà bán lẻ, trong đó có bán lẻ trực tuyến để tăng sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Theo Vy, chỉ có thể tránh lệ thuộc khi doanh nghiệp nội mạnh lên và liên kết trở thành một khối vững chắc. Và trong khối liên kết đó, mô hình kinh doanh trực tuyến với sự trợ giúp đắc lực cho doanh nghiệp sản xuất sẽ là sợi dây nối các doanh nghiệp từ hai khối sản xuất - dịch vụ với nhau.

Để minh chứng cho giá trị của “sợi dây” đó, Vy cho biết: khi doanh nghiệp vừa tung ra một mẫu sản phẩm mới (khoảng 100 chiếc quần/áo thời trang) lên gian hàng trực tuyến, thì chỉ trong vòng 1-2 ngày là biết được có bán được hay không. Không chỉ hoàn thành khâu “thăm dò dư luận”… miễn phí, mà với những phản hồi trên website về sự hài lòng, không hài lòng sẽ là những tư vấn vô giá cho nhà sản xuất. Thậm chí, khách hàng là ai, ở đâu, tên gì… người quản trị trang web cũng có thể biết hết. Đó là những thông tin chính xác để doanh nghiệp đưa ra quyết định điều chỉnh cho phù hợp trong sản xuất.

Điều này hoàn toàn khác với việc, doanh nghiệp tung sản phẩm mới ở những cửa hàng truyền thống, bởi thông thường phải mất khoảng một tháng mới có đủ số liệu thống kê.  

Đây cũng là lợi thế để Vy thuyết phục các thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường truyền thống tham gia gian hàng trên “Trung tâm thương mại trực tuyến” của mình.

Với những phân tích mang tính khác biệt, cô gái trẻ thu hút sự chú ý của nhiều “doanh nhân già” tham dự buổi tọa đàm hôm đó. Cô gái trẻ có giọng nói trong trẻo đó chính là Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty cổ phần Thương mại Chọn. Hiện Vy cũng đang nắm giữ cương vị Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp 2030, với vài trăm doanh nghiệp hội viên.

 

2. Tốt nghiệp đại học ngành tài chính tại Mỹ, xác định khi về Việt Nam sẽ kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng phải đến năm 2009 (sau một thời gian kinh doanh nhà hàng để chuẩn bị nguồn nhân), Lê Hoàng Uyên Vy mới chính thức bước chân vào kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thời trang là lĩnh vực được Vy lựa chọn, bởi cô đã có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực này.

“Nghiên cứu thị trường, tôi thấy rằng, ngành thương mại điện tử về thời trang là ngành phát triển rất nhanh ở nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam thời điểm năm 2009, chưa có một website nào chuyên về thời trang, mà chủ yếu là các website hỗn hợp nhiều ngành hàng”, Vy nói.

Cùng lúc đó, Vy phát hiện ra một cơ hội là, vào cuối năm 2009 lúc bắt đầu làm, rất nhiều nhà cung cấp sản phẩm thời trang ở Việt Nam, là những công ty lớn, doanh thu cao, có thương hiệu khá tốt, nhưng một số công ty trong số này chưa có website và nếu có cũng chỉ như một “card visit”, chứ không cập nhật thông tin về sản phẩm; trong khi lĩnh vực thời trang lại có đặc thù là có xu hướng, có phong cách và có những yếu tố rất đặc trưng.

Nghĩ đi đôi với làm, Chon.vn đã nhanh chóng ra đời. Tên công ty cũng được Vy đặt tên là Chọn với mong muốn nhắn gửi thông điệp: “Hàng hóa có sự chọn lọc”. “Khách hàng mà Công ty hướng tới phần lớn là dân văn phòng, bận rộn, không có nhiều thời gian. Mình tiết kiệm thời gian cho họ bằng cách chọn sẵn hàng hóa, giúp người mua ra quyết định nhanh hơn”, Vy giải thích thêm.   

Thực ra, mô hình kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn rất mới tại Việt Nam và do mới thành lập, nên Vy thừa nhận, cái khó nhất ban đầu là làm sao thuyết phục được những thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường truyền thống tham gia “Trung tâm Thương mại thời trang và làm đẹp” của mình.

“Trong thời gian đầu, chúng tôi phải nghĩ cách đem lại cho đối tác một số lợi ích, mà những lợi ích này phải  rất cụ thể, thiết thực”, Vy nói và cho biết, trang website của Vy sẽ giúp doanh nghiệp chưa có website, hoặc đã có nhưng không thường xuyên cập nhật thông tin, đưa lên những sản phẩm mới để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Năm 2009 - 2010, Vy mới chỉ đi bước sơ khởi, chưa bán hàng nhiều trên trang Chon.vn, mà chỉ đưa lên đó hầu hết các bộ sưu tập thời trang của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sản xuất không tốn nhiều chi phí, mà vẫn có thể tiếp cận nhiều người dùng trên Internet.

“Chúng tôi quan điểm là gian hàng online với gian hàng thực tế của doanh nghiệp là một. Cửa hàng online mà giới thiệu được nhiều mẫu mã, hình ảnh sản phẩm mới thì sẽ giúp bán được nhiều hàng hóa hơn ở kênh truyền thống. Và ngược lại, nếu thương hiệu của doanh nghiệp là thương hiệu mạnh ở kênh truyền thống, thì người tiêu dùng mới tin tưởng mua sắm trên kênh online”, Vy nói.

Với quan điểm như vậy, cộng với cách làm chuyên nghiệp học hỏi từ nước ngoài, Công ty Chọn nhanh chóng thuyết phục được những “ông lớn” trong làng thời trang tham gia Trung tâm Thương mại trực tuyến. Có thương hiệu thời trang nước ngoài khá nổi tiếng với các cửa hàng tại các trung tâm thương mại tại Việt Nam là G2000, sau khi tham gia Chon.vn đã đạt doanh thu vài chục triệu đồng/tháng. Thương hiệu này hiện đã quyết định dành riêng những sản phẩm cho online và Công ty Chọn là nhà phân phối độc quyền.

Hay như có thương hiệu lớn, trước đây là doanh nghiệp nhà nước - có phần khó thuyết phục như Viettien, cũng đã tham gia một gian hàng trên website của Công ty Chọn, trưng bày toàn bộ sản phẩm, áp dụng chính sách giá, quảng bá hình ảnh trên trang online này.

Giờ đây, Chon.vn đã trở thành trang web bán hàng thời trang dẫn đầu thị trường về cả số lượng sản phẩm, cũng như số lượng thương hiệu nổi tiếng tham gia bán hàng trên website. Tuy nhiên, Lê Hoàng Uyên Vy nói rằng, điều quan trọng hơn cả là, cô đã thuyết phục được 220 thương hiệu nổi tiếng có hàng hàng hóa đang được bày bán tại các cửa hàng ở trung tâm thương mại lớn Vincom, Parkson… cùng tham gia gian hàng trên Chon.vn. Điều này giúp Vy thực hiện ước mơ trở thành công ty số 1 Việt Nam về kinh doanh thương mại điện tử.

Để thực hiện điều này, Vy đề ra hai chiến lược.

Một là, làm sao để lượng khách hàng tham gia kinh doanh trên trang web lớn lên. Mục tiêu đến năm 2016, sẽ có khoảng 500 cửa hàng thương hiệu nổi tiếng, có chọn lọc kỹ tham gia bán hàng trên Chon.vn.

Hai là, cuối năm nay, đầu năm sau, Công ty sẽ mở rộng văn phòng đại diện tại Hà Nội và Đà Nẵng, phục vụ vận chuyển nhanh hơn và có thêm nhà cung cấp ở khu vực này.

 

3. Kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam và nước ngoài hiện vẫn có sự khác biệt nhất định về tâm lý tiêu dùng. Chẳng hạn, ở nước ngoài mua hàng trực tuyến đã khá phổ thông, nên có rất ít câu hỏi doanh nghiệp phải trả lời cho người tiêu dùng, nên dễ dàng chiếm được lòng tin của khách hàng. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp ngành này phải tốn nhiều công sức hơn để thuyết phục khách hàng, bởi tâm lý nhìn tận mắt, thấy ưng, mới ra quyết định mua, không thì trả về. Có khi doanh nghiệp gửi đi 3 sản phẩm cho khách mua, nếu 1 trong số đó bị trả về, thì tiền chi phí vận chuyển của hàng trả về sẽ phải tính chung với 2 sản phẩm giao dịch thành công… Chính vì vậy, về lý thuyết, kinh doanh trực tuyến tiết kiệm chi phí hơn kinh doanh truyền thống, cạnh tranh hơn, nhưng thực tế là tương đương nếu trừ các khoản chi phí quản trị rủi ro.

Nhận diện rõ hai rủi ro trên, Vy bảo, kinh doanh phải có tầm nhìn xa. “Đến một lúc nào đó, hạ tầng của Việt Nam sẽ được cải thiện, tâm lý người tiêu dùng dần chuyển từ hình thức giao hàng trả tiền, sang hình thức thanh toán bằng thẻ, họ có những thay đổi về thói quen tiêu dùng, mua nhiều sản phẩm trong một đơn hàng…, thì khi đó, chi phí bán hàng online sẽ rẻ hơn bán hàng truyền thống”, Vy nói.

 

Theo Báo Đầu Tư