CEO GrabTaxi Việt Nam: "Tôi chỉ mong làm tốt những gì đang có"

17/09/2015 02:35

CEO GrabTaxi Việt Nam: "Tôi chỉ mong làm tốt những gì đang có"

Sinh năm 1982, Nguyễn Tuấn Anh khởi nghiệp năm 2013 với công việc tưởng nhàn hạ, nhưng thật ra theo anh là càng phát triển càng thấy có quá nhiều việc để làm mà chưa làm được: Điều hành GrabTaxi Việt Nam.


Từ chỗ một DN hoàn toàn mới đến quy mô phát triển với 200 nhân viên, đưa GrabTaxi Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, Nguyễn Tuấn Anh đã được TW Hội LHTN VN, TW Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, CLB Sao Đỏ bình chọn trong Top 100 doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc.

 

Nền tảng kết nối: Công nghệ

 

– Thị trường dịch vụ taxi ở Việt Nam đang ngày càng quen dần với những DN ứng dụng công nghệ làm nền tảng để cung cấp dịch vụ. Trong đó, GrabTaxi có lẽ là một trong những thương hiệu trẻ nhất?

 

GrabTaxi chính thức khởi nguồn từ Malaysia vào năm 2011. Năm 2012 bắt rục rịch vào VN và đến cuối 2013 mới triển khai. Tuy là thương hiệu trẻ nhưng GrabTaxi đã được Tập đoàn phát triển nhanh chóng, đã có mặt ở 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippine và Indonesia. Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia khởi động GrabTaxi muộn hơn so với ở những quốc gia còn lại, nhưng tính đến thời điểm hiện nay, tốc độ tăng trưởng của mỗi GrabTaxi tại 6 quốc gia đều đạt tương đương nhau. Có lẽ có cơ duyên nào đó, tôi đã được Tập đoàn GrabTaxi từ Malaysia mời hợp tác ngay từ khi họ muốn kinh doanh và có mặt ở Việt Nam.

 

– Điều gì khiến anh nhận lời “khởi nghiệp” điều hành với GrabTaxi? Và theo anh điều gì ở anh khiến GrabTaxi mong muốn anh làm đại diện quản lí?

 

Nghiên cứu mô hình kinh doanh, quản lí của GrabTaxi tại các quốc gia khác, như ở Malaysia hay Thái Lan, tôi thấy đây là một dự án kinh doanh hay, có lợi cho xã hội. Vừa hay lại vừa có ích cho nhiều người, thì tôi đương nhiên muốn làm. Còn bản thân tôi có gì và vì sao được GrabTaxi liên hệ, mời làm việc, có lẽ phải… hỏi Tập đoàn thôi (cười).

 

– Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để kết nối phương tiện và khách hàng, liệu GrabTaxi có gì khác so với các DN cùng mô hình cũng đang phát triển ở Việt Nam như Uber, Easy…?

 

So sánh mình với các DN cùng ngành hàng là điều không nên, hoặc nói cách kết quả so sánh cũng là một trong những bí quyết kinh doanh. Tôi chỉ có thể nói là GrabTaxi chỉ hiện diện ở khu vực Đông Nam Á, và ở Việt Nam thì đã được Bộ Giao thông Vận tải chính thức cấp phép hoạt động. GrabTaxi Việt Nam là DN Việt Nam, có đại diện pháp nhân Việt Nam. Chúng tôi tuân thủ mọi quy định của pháp luật, bao gồm các nghĩa vụ thuế. GrabTaxi cũng là DN đầu tiên và duy nhất được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trình Chính phủ cho thí điểm thực hiện đề án “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, sau những vấn đề mà các mô hình kinh doanh bằng công nghệ liên quan đến lĩnh vực vận tải đã “làm nóng” thị trường thời gian qua…

 

– Ngoài những kết quả so sánh thiên về tính chất “giới thiệu” như vậy, cốt lõi khác biệt của GrabTaxi VN, so với các DN khác, là?

 

Nền tảng của chúng tôi là công nghệ kết nối giữa khách hàng với lái xe. Sự kết nối bao gồm cả các xe do GrabTaxi Việt Nam kí hợp đồng (Siêu rẻ) và kết nối với chính taxi của các hãng taxi có mặt trên thị trường (GrabTaxi) . Ngoài ra, chúng tôi có GrabBike – là dịch vụ riêng mà xét trên quy mô Tập đoàn, chỉ có ở Việt Nam và Indonesia. Đồng thời chúng tôi cũng đang thí điểm triển khai dịch vụ Giao hàng, nhận giao hàng tận nơi với các sản phẩm trị giá dưới 2 triệu đồng.

 

Nền tảng phát triển: Niềm tin

 

– Nếu nền tảng để vận hành GrabTaxi là công nghệ, thì điều gì là nền tảng để dịch vụ của anh không bị “vướng” các xì-căng-đan khi thách thức của hoạt động chuyên chở người vẫn thường xuyên xảy ra chuyện khách hàng “9 người 10 ý”?

 

Niềm tin. Chúng tôi xây dựng hệ thống với các thành viên được thẩm định chất lượng, được đào tạo phục vụ dịch vụ đúng quy trình. Vận hành một hệ thống đông đảo các thành viên trực tiếp và gián tiếp như vậy bằng công nghệ, chúng tôi tiết giảm được rất nhiều chi phí và sức lực. Chi phí đó lại được dùng để đầu tư phát triển công nghệ mạnh mẽ, tối ưu hơn nữa, có lợi hơn nữa cho khách hàng và các thành viên. Hiện tại Malaysia, GrabTaxi đã đầu tư phòng phát triển công nghị với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Công nghệ và quy trình sẽ giúp chúng tôi giải quyết được một phần bài toán làm sao để dịch vụ luôn có xe và có xe nhanh cho khách hàng theo yêu cầu.

 

– Anh có thể nói đôi chút về GrabBike? Với một dịch vụ mà đối tượng làm dịch vụ trực tiếp chưa hẳn đều quan tâm đến ứng dụng công nghệ, cái khó nhất của anh khi triển khai dịch vụ này là gì?

 

Xếp sau “siêu rẻ”, GrabBike là một trong những dịch vụ có tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay. Một phần do Việt Nam là thị trường của phương tiện chuyên chở xe máy. Và đó cũng là lí do tôi đã sáng tạo ra dịch vụ, tận dụng phương tiện chính của người dân trên thị trường nhằm đáp úng trúng nhu cầu của đại đa số người dân. Một phần là ngoài suy nghĩ của nhiều người, các bác “xe ôm”, những nhà triển khai trực tiếp dịch vụ, có thể ban đầu sẽ không quan tâm nhiều đến công nghệ hoặc chịu mua sắm các thiết bị để có thể cài đặt ứng dụng và trở thành thành viên của GrabBike như điện thoại thông minh, nhưng sau khi thấy lợi ích thực sự, doanh thu của họ có thể tăng lên, họ đã rất hào hứng và chịu “đầu tư”. Hiện tại, GrabTaxi cung cấp cho mỗi người chạy GrabBike một thiết bị điện thoại thông minh với giá 1.900.000 đồng, là giá vốn của chúng tôi. Nhưng các “xe ôm” chỉ đầu tư và chạy đều một tháng là hoàn vốn. Trong năm qua, tại Hà Nội, những thành viên GrabBike có doanh thu tăng gấp đôi so với chạy xe tự phát trước đây, còn ở TP HCM mức tăng doanh thu bình quân của họ là 30%.

 

– Nếu muốn một “cuốc” xe ôm qua GrabBike, khách hàng có phải trả phí cao hơn so với “cuốc” xe ôm phổ biến theo dạng cá nhân tự phát trên thị trường? GrabTaxi thu phí góp doanh thu cho mình theo cơ chế nào?

 

Chắc chắn rẻ hơn. Theo khảo sát của chúng tôi, GrabBike đang có giá “xe ôm” rẻ nhất, với giá chỉ 3000 đồng/km. Đồng thời các dịch vụ khác cũng có giá phải chăng, ví dụ dịch vụ giao hàng cũng có giá 3.000 đồng/km. Với dịch vụ GrabTaxi, khách hàng sẽ trả tiền theo đồng hồ taxi sau khi kết thúc chuyến đi. Chúng tôi cũng tổ chức hàng loạt chương trình tri ân khách hàng hấp dẫn như đi Taxi trúng Macbook, nhận bánh Trung Thu để kích thích người tiêu dùng trải nghiệm dịch vụ

 

Đừng tìm kiếm thị trường không cạnh tranh!”

 

– Những DN công nghệ, kinh doanh dịch vụ vận chuyển chỉ đầu tư công nghệ mà không đầu tư xe như GrabTaxi, đang bị xem là đối trọng và cạnh tranh với các DN dịch vụ taxi truyền thống – những hãng taxi kinh doanh trên đầu xe và khiến các hãng này gặp khó. Anh có nghĩ như vậy?

 

Chúng tôi hợp tác với nhiều hãng xe. Nguyên tắc hợp tác của GrabTaxi với các bên là: Ứng dụng công nghệ, vào hệ thống của GrabTaxi, tài xế sẽ có nhiều khách hàng hơn, tăng doanh thu tốt hơn. Hãng xe vẫn được hưởng phần trên doanh thu tăng lên đó. Vậy có lí do gì để xem chúng tôi là đối trọng, đối thủ?

 

111.000 tài xế là thành viên của GrabTaxi tại Đông Nam Á, với app GrabTaxi đạt 6 triệu lượt tải ứng dụng. Trung bình cứ 1 giây, có 11 lượt gọi xe GrabTaxi trên toàn khu vực.

 

Tất nhiên, tôi nghĩ thị trường nào cũng cần sự cạnh tranh. Đừng mất công tìm kiếm thị trường không cạnh tranh. Ở lĩnh vực chúng tôi hoạt động, đây là sự cạnh tranh và hợp tác để nhiều bên và cộng đồng đều được hưởng lợi. Cũng có một tài hãng xe không hợp tác với chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau. Họ cũng không xem GrabTaxi là đối thủ.

 

– Kinh doanh chủ yếu dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, GrabTaxi hiện nay và tương lai chắc chắn sẽ ngày càng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi bản thân nhiều hãng taxi lớn đang có chiến lược và đầu tư ứng dụng công nghệ, ra “app” của chính mình?

 

Mỗi hãng sẽ chỉ có khách hàng và kinh doanh được trên app của riêng họ, như kiểu trước đây họ chỉ kết nối với khách hàng bằng tổng đài trực tiếp. Còn GrabTaxi là sự kết nối trung gian, kết nối được với mọi khách hàng. Thông qua app của GrabTaxi, khách hàng có thể gọi xe của nhiều hãng khác nhau. Do đó tôi nghĩ GrabTaxi sẽ không chịu nhiều áp lực.

 

– Nhưng ở các điểm mà hãng xe “thuê” bãi đỗ, đón độc quyền như sân bay, khách sạn… cơ hội cạnh tranh của GrabTaxi vẫn bị hạn chế?

 

Đúng vậy. Tuy nhiên với một thị trường còn rất rộng mở như Việt Nam, chúng tôi cũng không quá lo lắng. Điều tôi lo là trước mắt, cứ phải làm tốt nhất những gì mình đã có, đã gầy dựng được. Và sau đó, là còn rất nhiều việc phải làm, để làm, nhằm khai thác và phục vụ người tiêu dùng trên thị trường tốt hơn.

 

– Anh có dự định làm nhà điều hành chuyên nghiệp, gắn bó dài lâu với DN đã Khởi nghiệp, hoặc sẽ làm chủ một dự án khác?

 

Tôi luôn tư duy rằng: Mình muốn 1% của một cơ ngơi hàng triệu triệu đô, hay muốn 100% của một cơ ngơi chỉ vài tỷ đồng? Câu trả lời của tôi có lẽ sẽ giống câu trả lời của rất nhiều người đang làm kinh doanh khác – cái quan trọng không phải là làm chủ hay làm thuê, mà là cái mình đang làm, đang kinh doanh, có gì là mình, và mình có được tự do làm điều mình thích, mình cho là đúng hay không.

 

– Xin cảm ơn anh!

 

Theo Diễn Đàn Doanh nghiệp