Anh có thể nói gì về những người sáng lập Terra Motors tại Nhật Bản?
CEO của Terra Motors - Toru Tokushige khởi nghiệp việc kinh doanh tại Thung lũng Sillicon sau khi làm việc tại một công ty lớn của Nhật Bản. Ông có được sự phối hợp giữa văn hóa Nhật và kinh nghiệm từ Thung lũng Sillicon trong công việc. Các cổ đông của Terra Motors là những người kiệt xuất ở Nhật Bản, cụ thể là Idei - cựu Chủ tịch của Sony, Yamamoto - cựu phó Chủ tịch của Apple và Tsujino - cựu Chủ tịch của Google Nhật Bản. Nhiều kỹ sư chuyên nghiệp từ công ty Toyota, Honda, và Yamaha đã gia nhập vào Terra Motors.
Với tất cả các thành viên này, sứ mệnh của Terra Motors là đưa ra thị trường loại xe điện với chất lượng và dịch vụ cao cấp nhất. Ngoài ra, Terra Motors sẽ dẫn đầu việc cải tiến xe điện ở châu Á với ý tưởng từ Thung lũng Sillicon.
Động lực nào để anh tham gia nhóm sáng lập Terra Motors ở độ tuổi rất trẻ khi vừa tốt nghiệp đại học năm 2010?
Tôi tham gia sáng lập Terra Motors Nhật Bản ngay khi vừa tốt nghiệp Đại học Waseda năm 2010 với động lực lớn nhất là niềm tin rằng xe điện là phương tiện vận tải của tương lai và nó sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Việc chuyển sang Việt Nam làm việc là đề xuất của tôi với tư cách người trẻ nhất trong nhóm sáng lập, đồng thời đây cũng là cơ hội để tôi thử thách bản thân mình.
Mặc dù xe máy điện bình thường được xem có kỹ thuật đơn giản, nhưng nó đòi hỏi có trình độ kỹ thuật tiên tiến và tính chuyên nghiệp trong sản xuất. Hiện nay xe điện Trung Quốc (xe máy và xe đạp) trở nên phổ biến phần lớn ở khu vực các quốc gia Châu Á trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy, khi sử dụng sản phẩm Trung Quốc người tiêu dùng phải đối mặt với vấn đề bảo trì và nguồn cung cấp phụ tùng cộng với chất lượng sản phẩm. Do đó, danh tiếng xe điện vẫn còn thấp. Mục tiêu của Terra Motors Việt Nam và của chính tôi là sẽ cải tiến thị trường Việt Nam bằng xe máy điện với chất lượng sản phẩm Nhật Bản và dịch vụ hậu mãi tốt.
Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường xe điện Việt Nam trong tương lai cũng như cơ hội cho Terra Motors?
Đây là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển lớn nhất vì xe điện đang là xu hướng của người dùng toàn cầu và trên thế giới có nhiều loại xe điện đã được sử dụng như xe máy, bus, xe tải, xe hơi thể thao…
Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường xe điện sẽ phụ thuộc lớn vào chính sách của chính phủ, nếu chính phủ không hỗ trợ ngành công nghiệp và kinh doanh xe điện như công nghệ sản xuất pin, hạ tầng hỗ trợ, chính sách tài chính… thì sự tăng trưởng không thể đến sớm.
Kinh nghiệm của Nhật Bản là chính phủ đã bỏ tiền xây các trạm sạc pin trên khắp đất nước để kích thích người dân sử dụng xe điện. Còn tại Hoa Kỳ, chính sách là cho các công ty công nghệ như Tesla vay ưu đãi để nghiên cứu và sản xuất xe điện với giá cạnh tranh được xe chạy nhiên liệu khác.
Doanh số Terra Motors trong năm 2014 là bao nhiêu và dự báo mức tăng trưởng năm 2015, thưa ông?
Tính đến nay Terra Motor đã mở 10 cửa hàng tại Việt Nam và giới thiệu ra thị trường 3 sản phẩm gồm: 2 dòng xe máy điện và 1 dòng xe đạp điện. Thị trường Việt Nam vẫn còn sơ khai và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để cải thiện tình hình từng ngày.
Năm 2014 doanh số của chúng tôi là 1.000 xe nhưng mục tiêu năm nay là tăng gấp 10 lần số đó. Chúng tôi tập trung vào chất lượng, dịch vụ nhiều hơn là doanh số bán vào thời điểm này. Nghiên cứu thị trường tôi thấy các hãng xe đạp điện Trung Quốc bán rất nhiều sản phẩm nhưng chất lượng hậu mãi kém. Chúng tôi sẽ làm theo cách của người Nhật là không chỉ có xe tốt mà dịch vụ đi kèm cũng phải ở mức tương đương.
Để làm được điều này, Terra Motor Việt Nam đang xây dựng các showroom chuẩn 3S (sales, service và spare-parts). Chúng tôi cũng không nói dối về các con số như cách một số công ty đối thủ đưa ra những thông tin sai lệch là xe có thể chạy 100km với phải sạc lại pin và đó là điều "không thể tin được".
Hơn 4 năm sống và làm việc ở Việt Nam, anh có nhận xét gì về các bạn trẻ đang start-up trong lĩnh vực công nghệ?
Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ có ý định khởi nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ. Họ có thừa khát vọng và ước mơ trở thành Google hay Facebook. Tôi cũng biết nhiều người trong số đó học ở nước ngoài, giỏi ngoại ngữ và có các mối quan hệ cộng đồng rất tốt.
Nhưng thật không may, Việt Nam không có đủ những điều kiện để hỗ trợ cho các start-up trở thành Google hay Facebook trong thời điểm này, vì thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm, pháp luật bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa hoàn thiện và những hạn chế của nhà nước như trong lĩnh vực media và game. Tuy nhiên, tôi cũng thấy được nhiều tín hiệu lạc quan, vì dù thất bại, đa số các bạn trẻ khởi nghiệp vẫn giữ được khát vọng, tiềm năng và động lực. Nếu họ vẫn giữ được điều đó, chúng ta sẽ thấy được nhiều start-up thành công trong tương lai gần.
Về nhận định cá nhân, tôi thích dự án Foody.vn và rất thán phục người làm ra nó. Một lần tôi nói với anh ấy rằng có một nhà hàng truyền thống kiểu Nhật mới mở, anh ấy đã đích thân đến đó và viết 1 bài review ngay lập tức. Chứng kiến được hành động này, tôi thấy được tiềm năng của người Việt và chắc chắn thành công sẽ đến từ những bước đi nhỏ bé như vậy.
(Theo Trí Thức Trẻ)