6 lỗi startup thường mắc khi gặp nhà đầu tư

15/09/2015 01:54

6 lỗi startup thường mắc khi gặp nhà đầu tư

Bất cứ startup nào cũng cần trình bày kế hoạch trước nhà đầu tư (NĐT) để huy động vốn. Mọi sai lầm trong lúc này đều khiến bạn đánh mất cơ hội quý giá này. 


Buổi trình bày kế hoạch kinh doanh rất giống với việc bạn đang chào bán sản phẩm với khách hàng. Vì thế, bạn cần thể hiện như một nhà bán hàng chuyên nghiệp, trình bày thu hút và thuyết phục NĐT tin tưởng vào sản phẩm, công ty và bản thân bạn để quyết định rót vốn. Dưới đây là 6 sai lầm bạn cần tránh để buổi trình bày đề án kinh doanh hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. 

 

1. Bạn không biết gì về NĐT

 

Nhiều startup đến với buổi trình bày mà không có thông tin gì về NĐT. Bạn không biết vì sao NĐT cảm thấy hứng thú với các sản phẩm của bạn, tính tình họ như thế nào, sở thích, mối quan tâm của NĐT. Bạn không thể cung cấp những thông tin hữu ích cho ai đó khi bạn không biết gì về họ.

 

Sự hiểu biết về NĐT giúp bạn biết cách làm “mát lòng” họ, khiến việc gọi vốn có nhiều cơ hội thành công hơn.

 

2. Gửi kế hoạch mà không có bất cứ lời giới thiệu nào

 

Một NĐT lý tưởng sẽ nhận được rất nhiều những lời đề nghị cấp vốn từ mọi ngõ ngách của thế giới. Vì vậy, nếu bạn chỉ đơn thuần gửi về một bản kế hoạch kinh doanh mà không có bất cứ lời giới thiệu, hay một cách gây ấn tượng nào khác, bản kế hoạch của bạn dù hoành tráng đến đâu thì NĐT cũng không “để mắt” đến.

 

Muốn tiếp cận NĐT, các startup cần hiểu rõ tâm lý này. Bằng mọi cách, bạn cần để NĐT thấy công ty, dự án, sản phẩm của bạn có mối liên hệ với họ, cho họ biết vì sao cần đầu tư vào công ty startup của bạn.

 

3. Không chuẩn bị cho một cuộc trò chuyện bình thường

 

Bạn tập trung để trình bày kế hoạch, số liệu, bản vẽ… khiến buổi gặp NĐT rất khô khan, nặng nề. Bạn không hề chuẩn bị tinh thần cho một buổi trò chuyện bình thường, trình bày bản kế hoạch bằng sự tâm huyết, chân thành.

 

Đôi khi, NĐT muốn gặp startup chỉ để xem cách họ nói chuyện, ứng xử và đánh giá thái độ, cách làm việc của bạn. Đó là yếu tố quan trọng để NĐT quyết định có "rót vốn" cho một startup hay không. Khi quá sa đà vào trình bày các vấn đề chuyên môn, bạn không giao tiếp được với NĐT. Bạn nên nhớ, máy tính và tài liệu chỉ là công cụ để củng cố cho các buổi nói chuyện của bạn và đừng quá tập trung vào nó.

 

4. Bài thuyết trình quá dài

 

Chắc chắn NĐT sẽ cố gắng lắng nghe cho đến khi bạn trình bày xong, tuy nhiên một bài trình bày dài dòng sẽ khiến người nghe mệt mỏi và không thể biết được đâu là điều bạn muốn nhấn mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc NĐT có thể bỏ qua rất nhiều thông tin hay, mang tính quyết định xem họ có nên đầu tư cho dự án của bạn hay không. Bạn nên chọn lọc những thông tin cần thiết nhất và bài trình bày của bạn chỉ nên kéo dài 10 – 15 phút.

 

5. Không đầy đủ dữ liệu

 

Bạn không thể "nói suông" với NĐT rằng dự án của bạn rất hay, đáp ứng nhu cầu thị trường mà không có bất kỳ con số nào chứng minh cho điều đó.

 

Bạn cần tính toán thật cẩn thận những yếu tố như: tuổi thọ của sản phẩm/dịch vụ, quy mô thị trường, doanh thu, chi phí dự kiến… Đây là những dữ liệu rất cần thiết để NĐT đánh giá dự án của bạn có khả thi không và bạn thấu hiểu lĩnh vực của mình đến mức nào. Bạn hãy chắc chắn những con số giả định chi tiết và dựa trên nền tảng thực tế.

 

6. Không nghe lời gợi ý

 

Bạn cần giữ sự cởi mở khi tiếp cận NĐT, nhất là khi họ góp ý và chỉ ra những khuyết điểm của bạn. NĐT có thể yêu cầu bạn thay đổi một số yếu tố và bạn không nên cố chấp từ chối ngay những lời đề nghị này.

 

NĐT là những người rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ, trải nghiệm trên thương trường cũng khiến họ nhìn thấy nhiều nguy cơ hay tiềm năng phát triển của sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, thay vì bác bỏ, bạn hãy tiếp nhận những lời đề nghị như một bài học quý và xem xét kỹ lưỡng xem có thể áp dụng cho doanh nghiệp startup của mình không. Biết lắng nghe, bạn sẽ có nhiều cơ hội để nhận được đầu tư hơn. 

 

Theo DNSG