Cách quản trị thú vị của ông chủ Air Asia

22/08/2014 04:59

Cách quản trị thú vị của ông chủ Air Asia


Xuất thân là một nhà sản xuất âm nhạc, Tony Fernandes – ông chủ của hãng Air Asia có những suy nghĩ khác thường trong việc điều hành hãng bay giá rẻ lớn nhất châu Á.


Fernandes xuất thân trong một công ty sản xuất âm nhạc Malaysia với chức vụ phó giám đốc khu vực Đông Nam Á. Khi công ty sáp nhập với đối tác Mỹ, ông quyết định nghỉ việc để bắt đầu giấc mơ sở hữu hãng máy bay riêng từ nhỏ của mình.

Fernandes mua lại Air Asia vốn đang thua lỗ từ một công ty nhà nước Malaysia chỉ với 25 cent vào tháng 9/2001. Vốn là thành viên của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và có kinh nghiệm về marketing, Fernandes đã cảm nhận được rằng, chỉ cần giảm giá vé máy bay xuống một nửa, chắc hẳn ông sẽ thu về một khoản lớn từ thị trường chưa ai khai thác.

Thời gian đầu, Fenandes phải cầm cố tài sản để mua 2 chiếc may bay Boeing 737 và thuê 200 nhân viên và nợ ngân hàng gần 11 triệu đôla. Với số tiền đó, ông định hình hãng máy bay của mình là hãng vận chuyển hành khách giá rẻ và thực hiện một cuộc cách mạng cho những chuyến bay vòng quanh châu Á. Sau 2 năm, Air Asia đã có hơn 86 chiếc máy bay với 30 triệu khách bay toàn thế giới.

Chia sẻ bí quyết kinh doanh, Fernandes chỉ gói gọn trong cụm từ “tiết kiệm tối đa chi phí”. Hình thức đặt vé qua mạng, bán thức ăn và đồ uống trên máy bay, tập trung cho các chuyến bay tầm ngắn... đã giúp Air Asia có chi phí quản lý thấp nhất thế giới, với chỉ 3,52 cent/km so với lợi nhuận lên tới 4,87 cent/km. Trong khi các chỉ số này của Thai Airways là 7,15 cent/km và 6,76 cent/km. 

Khi kinh doanh bắt đầu phát triển hơn, Fernandes đã tiến hành chia Air Asia thành hai phần riêng biệt để quản lý. Một bên là tập trung vào vé giá rẻ cho những chuyến bay đoạn đường ngắn. Một bên tập trung vào những chuyến bay dài xuyên lục địa. Với 2 sự tập trung này, ông cũng tiến hành chia tổ chức như 2 công ty riêng biệt với đội ngũ kỹ sư, phi công, nhân viên riêng.

Không có chút kinh nghiệm nào trong ngành hàng không trước đó, Fernades có cách quản lý khá thú vị. Ông trực tiếp học hỏi, trải nghiệm trên sân bay và các đường bay. Ông chia sẻ: “Nếu chỉ ngồi lì ở những tòa nhà cao tầng sang trọng và coi những bảng báo cáo tài chính, bạn sẽ mắc phải rất nhiều lỗi vì không có trải nghiệm thực tế”. Một đến hai lần trong tháng, Fernandes sẽ trong vai một nhân viên trong khoang máy bay tiến hành thủ tục check-in cho khách hàng và hướng dẫn cách bốc dỡ hàng hóa.

Nếu đối với các doanh nghiệp, khách hàng là thượng đế thì Fernandes tâm niệm nhân viên mới là thượng đế, khách hàng chỉ đứng thứ 2. Vì chỉ khi nhân viên cảm thấy thoải mái và hài lòng với công việc của mình, họ mới tạo nên tiếng tăm tốt và mang thương hiệu Air Asia đến với người khác.

“Chúng tôi có hẳn một phòng truyền thống, chuyên phụ trách và tổ chức các hoạt động vui chơi cho toàn công ty. Và khi tuyển dụng, tôi không yêu cầu họ có kinh nghiệm, chỉ cần họ có đam mê, có nhiệt huyết và tham vọng là đủ. Bạn có thể có nhiều tiền nếu bạn muốn, hoặc có tất cả các ý tưởng sáng tạo. Nhưng nếu không có con người, thì doanh nghiệp của bạn hãy quên đi hai chữ thành công”, ông chủ hãng bay giá rẻ nói.

Từ 2 máy bay cũ và chỉ sáu chặng bay vào năm 2002, giờ đây Air Asia đã có một phi đội gồm 160 chiếc máy bay, 95 điểm đến, và vận chuyển trên 250 triệu lượt khách.

 

Ngọc Trần (Theo BBC)