Bay về đâu hỡi drone?
18/08/2015 06:54
Mấy năm trước, người ta dùng thuật ngữ "drone" để chỉ những chiếc máy bay không người lái được CIA Mỹ sử dụng trong các cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, Pakistan, Iraq… Còn bây giờ, drone đã được thương mại hóa và đại chúng hóa, dùng để chỉ những thiết bị bay tự động được điều khiển từ xa. Và đây là một món đồ chơi công nghệ đang ngày càng "hot" trên thế giới.
Thật ra, drone được phát triển không phải để cho người ta chơi. Đó là một công cụ phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau có liên quan tới cái chuyện bay trên trời.
Giới quân sự và tình báo Mỹ đã tốn rất nhiều ngân sách đầu tư cho các drone làm nhiệm vụ trinh sát, dọ thám và thậm chí tấn công tiêu diệt các mục tiêu - kể cả ám sát những đối tượng phiến quân, khủng bố. Sau chiến tranh Afghanistan, quân đội Mỹ có trong tay một đạo quân drone khổng lồ với hơn 8.000 chiếc bay trên trời và hơn 12.000 chiếc nằm sẵn dưới đất. Chỉ riêng Bộ Quốc phòng Mỹ trong thập niên 1990 đã chi hơn 3 tỉ USD để nghiên cứu phát triển drone.
Giới quay phim, nhiếp ảnh - đặc biệt là giới làm quảng cáo và tài liệu - mê drone như mê những người mẫu chân dài. Khi được gắn thêm hệ thống máy ảnh hay máy quay phim, drone trở thành công cụ flycam trên cả tuyệt vời để thực hiện những cảnh quay từ trên trời. Không chỉ cho những góc quay, cảnh quay độc đáo, flycam còn giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí rất lớn thay vì trước đây phải thuê trực thăng hay máy bay để quay. Từ ngày có flycam, những cảnh quay trên không đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những bộ phim. Ngày 13.5.2015, Kênh truyền hình thời sự Mỹ ABC News đã thực hiện chương trình thường kỳ Good Morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ) một cách khác thường do được trực tiếp ghi hình và phát từ danh thắng hang Sơn Đoòng ở tỉnh Quảng Bình (Việt Nam). Đây là hang động lớn nhất thế giới và có vẻ đẹp thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan. Và những cảnh quay đẹp ngất ngây được thực hiện bằng những chiếc flycam.
Phổ biến nhất là drone được dùng để vận chuyển hàng hóa. Nó đặc biệt hữu dụng trong những trường hợp thiên tai, thảm họa mà đường sá, cầu cống bị cắt đứt. Drone có thể đem lương thực, thuốc men tới cho những nạn nhân ở những nơi mà người ta không thể tới được hay phải mất nhiều thời gian để tiếp cận.
Ấn tượng nhất là dự án Amazon Prime Air của Amazon, hệ thống bán lẻ dựa trên internet lớn nhất nước Mỹ và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới. Được chính thức công bố hồi tháng 12.2013, dự án này là một hệ thống giao chuyển hàng hóa bằng phương tiện drone. Amazon đã phát triển công nghệ thiết bị vận chuyển trên không không người lái thu nhỏ có nhiều cánh quạt Miniature UAV khai thác công nghệ GPS để có thể tự động giao chuyển hàng hóa tới khách hàng chỉ trong vòng 30 phút sau khi đặt hàng. Các drone của Amazon có khả năng vận chuyển những kiện hàng dưới 5 cân Anh (2,26 kg) - vốn chiếm tới 86% tổng số kiện hàng mà Amazon đang bán ra. Mỗi chuyến bay, drone có thể chở tối đa 25 kg hàng và hoạt động trong bán kính 16 km chung quanh nhà kho. Điều này cho thấy đội bay drone của Amazon hùng hậu tới mức nào và hữu dụng ra sao.
Chẳng ai dám nghi ngờ đây là một "dự án nổ" của Amazon. Chắc chắn nhiều bạn đã được xem trên YouTube những video quay cảnh hoạt động của những đạo quân robot chuyên làm nhiệm vụ sắp xếp và vận chuyển hàng hóa trong các nhà kho của Amazon. Họ hiện có hơn 15.000 robot đang làm việc bên cạnh hơn 50.000 người lao động.
Tuy nhiên, Amazon đã vấp phải trở ngại lớn nhất khiến cho toàn bộ đội bay drone phải nằm chết dí dưới đất. Đó là luật pháp Mỹ chưa cho phép sử dụng drone vào mục đích thương mại. Đặc biệt là Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) kiên quyết không cấp phép cho Amazon vì lo ngại đạo quân drone này sẽ chiếm dụng bầu trời, vừa có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng không truyền thống, vừa có nguy cơ gây những mối nguy hiểm cho cộng đồng. Phải sau thời gian dài kiên trì vận động, tới tháng 3.2015, Amazon mới được FAA cho phép bắt đầu thử nghiệm một nguyên mẫu thiết bị drone của họ và tới tháng sau đó được phép thử nghiệm các mẫu drone đã chế tạo.
FAA đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt buộc Amazon phải tuân thủ. Các chiếc drone của Amazon chỉ được bay không cao hơn 400 feet (122 mét), không bay nhanh hơn 161 km/giờ, và luôn bay trong tầm quan sát bằng mắt của người điều khiển.
Nhưng cho dù đã được FAA bật đèn xanh, tuy cũng mới le lói, Amazon vẫn còn phải đương đầu với nhiều trở ngại ở phía trước. Chẳng hạn công chúng lo ngại với mật độ drone hoạt động dày đặc như vậy sẽ làm gia tăng những bất trắc từ trên trời rơi xuống. Thí dụ drone gãy cánh, drone làm rơi những kiện hàng… Và phổ biến nhất là những nỗi lo ngại nói chung đối với thiết bị drone khi chúng có thể bị sử dụng để xâm phạm tự do cá nhân, bí mật đời tư của mọi người.
Thiết bị Prime Air của Amazon - Ảnh: AFP
Thật vậy, chính những ưu thế của drone lại là những thứ khiến nó bị không ít người sợ và ghét. Chỉ cần gắn lên drone một camera tí hon là kẻ xấu có thể dùng nó để rình mò, ghi hình lén lút người khác, cho dù họ có ở trong phòng, trong nhà hay trong sân vườn. Đã từng xảy ra vụ một thanh niên ở Mỹ gắn súng lên drone để rồi điều khiển nó bắn từ xa.
Bất luận thế nào, drone cũng chỉ là một công cụ công nghệ cao được phát triển để trợ giúp con người thực hiện những tác vụ đặc trưng. Và việc lợi dụng drone để làm những việc phi pháp là tội lỗi của người điều khiển nó. Cứ chiếu theo pháp luật mà trị thôi.
Đó là lý do drone được xếp vào loại công cụ sử dụng có điều kiện. Nhà chức trách không cấm drone, nhưng bắt buộc phải quản lý việc sử dụng nó. Ngay từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã lường trước về công cụ này nên đã ban hành Nghị định số 36/2008/NĐ-CP và tới năm 2011 lại có thêm Nghị định số 79/2011/NĐ-CP về việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Như vậy, quy định sử dụng drone phải có giấy phép của cơ quan chức năng đã được đưa ra từ lâu. Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản nhắc nhở các địa phương tổ chức thực hiện các nghị định này. Động thái này là để đối phó với thực trạng drone đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam.
Chắc chắn giới chơi drone như một thú vui sẽ không vui chút nào với việc bắt buộc phải có giấy phép mới được sử dụng drone. Với những người, những đơn vị sử dụng drone cho công việc chuyên môn của mình, việc phải xin phép tuy có thêm phiền loái nhưng cũng… là công việc thôi. Còn với những người chơi drone thật sự, cách chơi cũng tương tự như với thú chơi máy bay mô hình trước nay thôi. Chơi drone cũng phải có nơi, có chỗ. Theo ý tôi, nhà chức trách có thể cấp phép chung cho những dịch vụ chơi drone ở những khu vực thích hợp để mọi người có nhu cầu giải trí có thể tới đó chơi drone mà không cần phải xin cấp phép. Tất nhiên, không thể chơi drone ở trong khu dân cư hay ở những nơi nhạy cảm (nhất là những khu vực vốn đã có bảng cấm quay phim, chụp ảnh).
Rõ ràng có những thiết bị công nghệ cao không thể sử dụng bừa bãi. Ngay cả chiếc kính Google Glass "thần thánh" cũng phải chịu nhiều nỗi đoạn trường do gây ra những lo ngại không phải là "lo bò trắng răng" về bí mật riêng tư bị xâm phạm. Đặc biệt là ở môi trường Việt Nam, những nguy cơ bị lạm dụng càng cao hơn do vấn đề ý thức nhìn chung có nhiều bất cập.
Chắc chắn nhà chức trách sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế khi thực hiện các quy định quản lý drone. Còn với những người chơi drone, vấn đề quan trọng nhất là vẫn còn được chơi bởi lẽ "nghề chơi nào cũng lắm công phu".
(Theo Thanh Niên)