Argentina vỡ nợ - Vì đâu nên nỗi?

25/08/2014 12:31

Argentina vỡ nợ - Vì đâu nên nỗi?


So sánh với đợt vỡ nợ năm 2001, Argentina hiện nay hoàn toàn có đủ nội lực để không bị gọi là “vỡ nợ”. Tuy nhiên, họ đang đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy như cách đây 13 năm.


Quỹ "kền kền"
 
Vụ việc bắt đầu từ hôm 30/7 khi những cuộc thương lượng với một nhóm chủ nợ yêu cầu nước này trả toàn bộ 1,3 tỷ USD mệnh giá trái phiếu họ nắm giữ thất bại. Sau đó, một tòa án ở New York theo dõi vụ việc đã tuyên bố Argentina vỡ nợ vì không thanh toán khoản lợi tức trái phiếu đến hạn hồi tuần đầu tháng 8.
 
Nhóm chủ nợ nói trên là một số quỹ đầu cơ ở New York đã mua lượng trái phiếu này với giá rẻ mạt vào thời điểm nền kinh tế Argentina rơi vào khủng hoảng năm 2002. Lúc đó, chính phủ Argentina buộc phải phá giá đồng peso vì đã cạn kiệt dự trữ ngoại hối và tuyên bố không chi trả được khoản nợ trái phiếu nước ngoài lên tới 105 tỷ USD. Đây là khoản vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới và chỉ mới bị vượt mặt gần đây trong cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp.
 
Vài năm sau khi vỡ nợ khoản nợ trái phiếu 105 tỷ USD, trong giai đoạn 2005 - 2010, Argentina đã đạt được thỏa thuận với 93% chủ nợ nắm giữ lượng trái phiếu này đồng ý nhận lại 33 xu cho mỗi USD mệnh giá trái phiếu họ nắm giữ. Số chủ nợ còn lại không chấp nhận thỏa thuận này và cuối cùng đã bán lại lượng trái phiếu này cho một quỹ đầu cơ và những nhà đầu tư khác với giá chiết khấu lớn chỉ bằng phần nhỏ mệnh giá trái phiếu. Các quỹ đầu cơ nói trên chỉ phải trả 48 triệu USD để mua lượng trái phiếu có mệnh giá 1,3 tỷ USD với hy vọng rằng họ sẽ buộc Argentina trả đủ theo mệnh giá thông qua con đường pháp lý (kiện cáo ra tòa) dù có thể mất nhiều năm.
 
Argentina đã nhanh chóng từ chối chi trả theo mệnh giá cho khoản trái phiếu còn lại. Nhưng dù có muốn chi trả thì họ vấp phải một vấn đề lớn: trong thỏa thuận với 93% chủ nợ có điều khoản quy định rằng nếu chính phủ đồng ý trả cho nhóm 7% chủ nợ còn lại với số tiền cao hơn số đã trả cho nhóm 93% chủ nợ thì chính phủ cũng phải trả số tiền tương ứng cho mọi chủ nợ khác. Như thế, thỏa thuận về giá chiết khẩu 33 xu cho 1 USD mệnh giá sẽ không còn giá trị nữa.
 
Và vừa rồi tòa án ở New York đã ra phán quyết rằng Argentina không được chi trả lợi tức thông thường định kỳ cho 93% chủ nợ trừ khi nước này chi trả toàn bộ theo mệnh giá cho nhóm chủ nợ còn lại. Bất chấp phán quyết này, Argentina vẫn cố gắng chi trả lợi tức định kỳ - việc đã thực hiện nhiều năm nay – cho một nhóm chủ nợ với số tiền 563 triệu USD vào tuần đầu tháng 8. Cuối cùng, các tòa án Mỹ đã ngăn cản việc này, và Argentina bị tuyên bố vỡ nợ.
 
Argentina phản đối, cho rằng họ không vỡ nợ vì đã cố gắng chuyển 563 triệu USD lợi tức cho nhóm chủ nợ đã đồng ý nhận lại một phần trong số mệnh giá trái phiếu họ nắm giữ trong các đợt thương lượng hồi 2005 và 2010. Nhưng một số hãng xếp hạng tín dụng quốc tế thì không nghĩ thế, ít nhất là về mặt kỹ thuật, và bởi vậy đã đánh tụt hạng trái phiếu của nước này xuống hạng mất khả năng thanh toán (vỡ nợ). 
 
Argentina đã "khỏe mạnh" hơn
 
So sánh với đợt vỡ nợ năm 2001, Argentina hiện nay hoàn toàn có đủ nội lực để không bị gọi là “vỡ nợ”. Năm 2001, Argentina không đủ khả năng chi trả 81 tỷ USD nợ nước ngoài. Hiện nay, nợ của nước này là chỉ là 29 tỷ USD, hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của họ. Ngược lại, dự trữ ngoại hối của Argentina năm 2001 chỉ đạt 14,5 tỷ USD so với mức 29,7 tỷ USD hiện nay. 
 
Argentina hiện nay cũng đang trong điều kiện kinh tế và chính trị tốt hơn nhiều so với 2001 là năm thứ 3 liên tục nước này có tăng trưởng GDP âm. Nhờ phá giá và cải cách kinh tế, nền kinh tế Argentina đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình trên 8%/năm trong giai đoạn 2003-2011, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7% so với mức trên 20% năm 2001. Về chính trị, nếu năm 2001 nước này đã chứng kiến 2 tổng thống phải ra đi thì tổng thống hiện nay, Cristina Fernandez de Kirchner, đã ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
 
Tuy vậy, đợt vỡ nợ mang tính kỹ thuật lần này làm chi phí bảo hiểm cho trái phiếu của Argentina vì thế mà tăng vọt, đồng thời gây tổn hại nặng nề lên nền kinh tế nước này và triển vọng tái cơ cấu nợ nước ngoài của Argentina. Với tuyên bố bị vỡ nợ, Argentina sẽ bị nhà đầu tư nước ngoài xa lánh hoặc phải đi vay với lợi suất tăng vọt, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, suy giảm nhanh chóng dự trữ ngoại hối, lạm phát tăng vọt (vốn đã cao nhất thế giới). 
 
Mặc dù Argentina đã phá giá đồng peso tới 20% hồi tháng 1 năm nay, nhưng trước áp lực tỷ giá đang gia tăng, thể hiện ở khoảng cách chênh lệch lớn giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên chợ đen, và áp lực từ phía doanh nghiệp đòi phải phá giá thêm nữa vì peso đã lên giá thực quá lớn (do lạm phát cao) làm suy giảm tính cạnh tranh xuất khẩu của họ, thị trường đang kỳ vọng Argentina sẽ phải tiếp tục phá giá thêm hàng chục % nữa. Và một vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục được lặp lại khi sẽ có thêm nhiều cuộc biểu tình gây áp lực tăng lương, làm tăng lạm phát, dẫn đến tăng áp lực phá giá, nâng lãi suất, tăng trưởng kinh tế suy giảm, thất nghiệp gia tăng, vỡ nợ, chảy máu ngoại tệ, tiếp tục phá giá... 
 
Cho dù chính phủ Argentina mới hôm 21/8 tuyên bố chủ trương không phá giá trong năm nay, thị trường vẫn có những lý do của nó để đặt cược vào một tương lai tiếp tục bất ổn ở Argentina trong một vài năm tới.
 
 
 
Tiến sĩ Phan Minh Ngọc

Nguồn Infonet