Apple, Starbucks bị điều tra trốn thuế hàng tỷ USD

13/06/2014 09:18

Apple, Starbucks bị điều tra trốn thuế hàng tỷ USD


Apple, Starbucks và Fiat hiện đang là đối tượng điều tra trốn thuế nghiêm trọng của Ủy ban châu Âu (EC) với số tiền thiệt hại được cho là "khổng lồ"...


Cuộc điều tra trốn thuế chống lại Apple, Starbucks và Fiat là một phần của những nỗ lực chống trốn thuế đối với các công ty lớn gồm cả Google và Amazon được các nước EU đặc biệt thúc đẩy trong những năm gần đây.

Hôm 10/6, các chuyên gia đã cảnh báo rằng những gã khổng lồ đa quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với các hóa đơn "khủng khiếp" nếu họ bị kết tội. Các đại diện cấp cao của EU cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ việc, gây áp lực với cuộc điều tra.

Joaquin Almunia, phó chủ tịch EC phụ trách chính sách cạnh tranh cho biết: "Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu ngân sách công hiện nay, việc các công ty đa quốc gia lớn phải đóng thuế một cách đầy đủ là đặc biệt quan trọng".

Algirdas Semeta, Ủy viên hội đồng cho thuế của EU nói thêm rằng, "sự cạnh tranh công bằng về thuế là cần thiết cho sự toàn vẹn của thị trường".

Richard Murphy, một nhà nghiên cứu Thuế Vương quốc Anh cho biết: "Các công ty này trốn thuế trắng trợn làm suy yếu đối thủ cạnh tranh của địa phương. Họ có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khủng khiếp".

Cuộc điều tra này của EU là phần mở rộng của cuộc điều tra hồi năm ngoái do Thượng viện Mỹ tiến hành, trong đó tiết lộ rằng Apple đã trốn hàng tỷ đô la tiền thuế bằng cách sử dụng "công ty con" đăng ký tại Cork (Ireland), nhưng thực tế không hoạt động tại đây, làm bình phong che giấu lợi nhuận thật.

Theo cách thức trốn thuế bị phát hiện hồi năm ngoái, Apple đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho các chi nhánh ở những quốc gia có thuế suất thấp, đặc biệt là Ireland, để giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD tiền thuế. 

Trong đó, chi nhánh của Apple có tên gọi Apple Operations International (AOI) tại Ireland là có vai trò đáng kể nhất trong hoạt động trốn thuế của Apple. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2012, AOI có doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tuy nhiên lại không hề khai báo thuế ở Ireland, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Điều này cho phép họ không phải trả ít nhất là 74 triệu USD tiền thuế đối với những thu nhập ở nước ngoài.

Tương tự, Starbucks và Fiat cũng sử dụng các chi nhánh ảo tương tự tại Luxembourg và Hà Lan để thực hiện hành vi trên với khoản thu lên tới 24 tỷ USD.

Starbucks trước đó cũng trở thành trung tâm của bê bối trốn thuế khi các nhà điều tra Anh phát hiện ra cách thức trốn thuế tinh vi của họ tại nước này trong 15 năm với doanh thu 4,5 tỷ USD. Năm 2012, dưới sức ép của dư luận, Starbucks đã phải nộp cho chính quyền Anh 20 triệu USD trốn thuế trong 15 năm hoạt động kinh doanh tại quốc gia này mà không đóng cho chính phủ một xu nào.

EC còn bày tỏ lo ngại và hứa sẽ tiến hành điều tra cách thức chính quyền Ireland, Hà Lan và Luxembourg áp dụng luật thuế của mình để hỗ trợ chuyển giá cho những gã khổng lồ này, vi phạm quy định của ủy ban. 

Ireland, Hà Lan và Luxembourg là các thành viên EU, nhưng lại có mức thuế thấp hơn các thành viên còn lại. Trong khi đó, các quốc gia này lại đang nhận cứu trợ kinh tế từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. 

Starbucks nói trong một cuộc điều tra của Quốc hội Anh trong một cuộc điều tra trốn thuế vào năm 2012 rằng họ đã đạt được một thỏa thuận thuế ở Hà Lan cho phép họ phải trả mức thuế "rất thấp".  

Các thành viên châu Âu khác như Pháp, quốc gia có mức thuế suất cao, cũng đã lên tiếng yêu cầu các thành viên trên phải tăng thuế suất doanh nghiệp như một cam kết cải cách để nhận hỗ trợ kinh tế từ EU. 

Phản ứng trước các cáo buộc trên, một phát ngôn viên của Apple từ chối các cáo buộc đó trên và cho rằng Apple tự hào đã và đang làm kinh doanh tại Cork, Ireland từ năm 1980 tới nay với hơn 4.000 nhân viên địa phương.

Một phát ngôn viên của Starbucks cho biết, tập đoàn này tuân thủ tất cả các quy tắc liên quan tới thuế và đang nghiên cứu cáo buộc trên của EC.

 

Theo GDVN/New York Times/Telegraph