6 sự thật phũ phàng khi làm chủ doanh nghiệp
10/11/2015 01:09
Trong thế giới khởi nghiệp, không hiếm khi người chủ doanh nghiệp phải đưa ra một quyết định mang tính sống còn và có ảnh hưởng đến mọi thứ về sau này, kể cả vận mệnh của doanh nghiệp. Nó có thể là quyết định để một đối tác đầu tư ra đi hay đầu tư vào một công nghệ mới.
Một chút sơ suất do không xem xét kỹ mọi lựa chọn, thậm chí là gạt bỏ phương án mà ai cũng cho là đúng đắn nhất sẽ khiến doanh nghiệp chệch choạc một thời gian và sau đó là sụp đổ hoàn toàn.
Trong 10 năm qua, tôi đã từng làm giám đốc sản phẩm và tư vấn thiết kế trải nghiệm người dùng cho nhiều doanh nghiệp trẻ - cả thành công lẫn thất bại. Theo thời gian, tôi bắt đầu nhận thấy một khuôn thức trong bản thân mình và những người khác: doanh nghiệp/sản phẩm không phát huy được tiềm năng vốn có chủ yếu là do chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật hay đương đầu với những lựa chọn khó khăn. Vấn đề của chúng ta nằm ở sự yếu kém của bản thân chứ không hoặc không hẳn là các kế hoạch kinh doanh. Và sau đây là 6 ‘sự thật mất lòng’ mà các chủ doanh nghiệp cần phải lưu tâm nhất.
1. Tâm điểm không phải là bạn
Bạn có thể không nhận ra nhưng cái tôi của bạn có thể đang cản trở bạn. Mở một công ty mới không phải lúc nào cũng khiến bạn cảm thấy mình tài giỏi và quan trọng. Đôi khi nó làm cho bạn cảm thấy dốt nát và nhỏ bé. Nó sẽ không củng cố lòng tin của bạn vào con người và thế giới. Trái lại, nó sẽ thử thách lòng tin ấy mọi nơi, mọi lúc. Đôi khi thật khó để đưa ra quyết định đúng. Cảm giác rời bỏ một đối tác, một khách hàng lớn, hay một sản phẩm mà bạn đã đầu tư rất nhiều đôi khi thật đau đớn và đáng hổ thẹn. Nhưng vì thành công của công ty và vì công ăn việc làm của những người nhân viên, bạn bắt buộc phải có những quyết định như vậy.
2. Có thể ý tưởng ‘mới’ của bạn không có gì hấp dẫn hay độc đáo
Không biết bao nhiêu doanh nhân đã đến gặp tôi với một ý tưởng mà với họ là ‘mang tính cách mạng’ nhưng trên thực tế đã có người làm và đã có sản phẩm (nếu chưa thì chỉ là vấn đề thời gian). Vì vậy, trừ khi bạn là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực của bạn, khả năng lớn là nhiều người đã có ý tưởng tương tự và một số trong đó đang bắt tay vào triển khai rồi. Vậy thì sao? Hãy thực tế hơn và tập trung vào khâu thực hiện: thiết kế, phân phối, tổ chức đội ngũ và trông chừng các đối thủ cạnh tranh. Còn ý tưởng ư? Ngoài đời chẳng thiếu.
3. Ai cũng là sếp của bạn
Bạn nghĩ bạn sẽ được làm chủ khi mở công ty riêng? Vớ vẩn. Là một doanh nhân, bạn sẽ chịu sự sai bảo của ty tỷ các ông chủ: khách hàng của bạn, các nhà đầu tư của bạn, thậm chí cả nhân viên của bạn. Và bạn sẽ phải lắng nghe họ vì bạn cần có người cùng hội cùng thuyền với mình. Vai trò của bạn là vận động, trao quyền và bảo vệ người của mình. . . chứ không phải ra lệnh họ làm cái này, cái kia. Với những người không muốn bị người khác ‘bảo ban’, chắc chắn họ không phải là dân kinh doanh.
4. Kế hoạch hiện tại của bạn dở ẹc
Vị tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower đã từng nói: “Để chuẩn bị cho cuộc chiến, tôi luôn thấy rằng các kế hoạch là vô dụng, nhưng việc lên kế hoạch là không thể thiếu”. Cũng giống như chiến trường, thế giới của các doanh nghiệp mới vô cùng hỗn độn và thiếu chắc chắn. Đối thủ cạnh tranh thường có những bước tiến bất ngờ, các quy định của chính phủ liên tục thay đổi, những thách thức kỹ thuật phút chốc lại nảy sinh. Tệ hơn cả, thứ mà các doanh nghiệp đang xây dựng không có tiền lệ, vì thế họ phải dựa trên những giả định mà các giả định đó đúng hay sai chỉ có thể chứng minh qua thực tiễn triển khai. Thế cho nên thành công chỉ dảnh cho công ty nào nhạy bén với thông tin mới và có khả năng thích ứng nhanh chứ không phải những người một mực trung thành với bản kế hoạch đã lỗi thời.
5. Không có thời gian cho những thứ viển vông
Doanh nhân là những người có tầm nhìn và vì thế, họ có thể hình dung chi tiết về sản phẩm của họ trong tương lai. Nhưng thử nghĩ xem, bản thiết kế 3 tháng của bạn sẽ mất cả năm trời để hoàn thiện. Vậy tại sao không bắt đầu từ một số những thứ cốt yếu bạn có thể thực sự làm và sau đó cho chạy thử? Có định hướng trọng tâm - và biết làm thế nào để nói không - là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của một doanh nhân thành đạt.
6. Bạn có thể gặp hạn
Có thể có những vấn đề không lường trước được liên quan đến ý tưởng sản phẩm, khách hàng, thị trường hay đối thủ cạnh tranh của bạn. Có thể có những hồ nghi về động cơ của chính bạn hoặc đối tác của bạn hệ quả tất yếu sẽ là sự đổ vỡ của doanh nghiệp. Những thứ đó có thể đang hiện hữu nhưng bạn chưa phát hiện ra nó. Bạn chỉ có cách tiếp tục với kế hoạch của mình cho đến khi nó xuất đầu lộ diện. Đây là lý do tại sao một doanh nhân giỏi không né tránh những tin xấu. Ngược lại, anh ta nhìn thẳng vào thực tế và rút ra những bài học sáng suốt chứ không cố chấp đến mù quáng.
Doanh nhân cũng là con người. Họ cũng có những định kiến, những quan điểm bất hợp lý và những ràng buộc về tình cảm như tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trẻ với môi trường thiếu ổn định và lệ thuộc nhiều vào một nhóm nhỏ những người ra quyết định khiến cho những yếu điểm đó bị khuếch đại và chỉ cần một sai lầm rất nhỏ có thể để lại hậu quả khôn lường về lâu dài và thậm chí đánh sập cả doanh nghiệp. Thế nên điều quan trọng là doanh nghiệp phải thật sát sao với bản thân họ, phải biết mình có đủ quyết tâm và năng lực để đối phó với những bất ổn và thất bại khi bước vào cuộc phiêu lưu có tên ‘khởi nghiệp’. Nếu họ làm được điều đó, cơ hội thành công của họ chắc chắn sẽ tăng.
Theo Hoc Lam Giau