Zappos: Mô hình lý tưởng cho start-up
05/09/2015 01:25
Triết lý quản trị "tự lãnh đạo bản thân" được khởi xướng bởi CEO của Zappos - công ty bán giày trực tuyến lớn nhất thế giới - đang được các start-up Mỹ ưa chuộng với mục tiêu giúp nhân viên sáng tạo, chủ động hơn.
Quản trị không cần sếp
Holacracy là mô hình quản trị không cần sếp được khởi xướng bởi CEO Tony Hsieh của Zappos. Theo đó, nhân viên sẽ không chịu sự chỉ đạo về cách làm việc từ các sếp, mà sẽ tự quyết định cần phải làm gì để công việc đạt hiệu quả tốt nhất.
Hsieh tin rằng, mô hình này trao quyền và đặt niềm tin cho các nhân viên để họ hành động và suy nghĩ như những doanh nhân chứ không phải người làm thuê. Từ đó, nhân viên được khuyến khích thử nghiệm những phương pháp mới và đem lại hiệu quả bất ngờ.
“Mới cách đây vài tháng tôi chẳng biết nhân viên đó là ai, nhưng bây giờ, với những nỗ lực phi thường, họ khiến tôi phải xem xét để giao vị trí lãnh đạo cao hơn. Tôi tin họ sẽ tiếp tục phấn đấu và hào hứng với vị trí mới”, Hsieh chia sẻ với Forbes.
Sau 2 năm, Zappos đạt được những kết quả mà lẽ ra phải thực hiện trong 5 năm và Hsieh tin tưởng sẽ tiếp tục giành được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
CEO trẻ tuổi Zappos cho biết khi nhân viên được tự quản lý, tự tổ chức theo mô hình Holacracy, họ sẽ được kích thích trí tò mò, trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence- EI) giúp phát huy được tài năng, nhanh chóng điều chỉnh bản thân để thích nghi với những yếu tố bất ngờ hoặc các yêu cầu mới từ doanh nghiệp và thị trường.
Tony Hsieh so sánh: khi một thành phố mở rộng diện tích ra gấp đôi, các thị dân sẽ có động lực đổi mới, sáng tạo, nhờ đó năng suất lao động tăng lên khoảng 15%. Tuy nhiên, nếu một công ty phát triển quy mô, đổi mới những chính sách thì lại kéo giảm năng suất làm việc của nhân viên.
Hsieh giải thích, vì thành phố là ví dụ điển hình cho mô hình tự quản lý, khi mỗi thị dân đều chủ động và có trách nhiệm với công việc mà không cần có người quản lý, kiểm soát, đốc thúc.
Forbes cho biết, mô hình tự quản lý rất phù hợp với những doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) khi những nhà sáng lập không có thời gian để động viên và nhắc nhở nhân viên. Khi được tự quản lý, tự tổ chức, nhân viên sẽ được kích thích tinh thần trách nhiệm, sự minh bạch, thẳng thắn giải quyết những mâu thuẫn.
“Vì không có ai là sếp, bạn sẽ không cần sợ hãi, giấu diếm. Khi gặp mâu thuẫn, mọi người sẽ có cuộc trò chuyện cởi mở, trung thực để giải quyết vấn đề”, nhà lãnh đạo Zappos chia sẻ với Forbes.
Đặt cược niềm tin vào nhân viên
Tuy nhiên, "mô hình lý tưởng" của Zappos cũng gặp một số khó khăn. 14% số nhân viên đã rời bỏ công ty vì không muốn áp dụng mô hình mới. Tuy nhiên, kết quả này không khiến CEO Zappos nản lòng. "Tôi có đến 86% nhân viên không rời công ty và mong muốn một sự đổi mới", Hsieh tự tin.
Holacracy cũng khiến giới chuyên môn không ít hoài nghi. "Việc trang bị cho 1.500 nhân viên tại Zappos kỹ năng quản lý bản thân, trao cho họ quyền định đoạt công việc gần như là một việc làm điên rồ, thiếu suy xét”, Alison Coleman – nhà báo có 20 năm viết về doanh nhân và các doanh nghiệp – bình luận trên Forbes hồi tháng 7/2015.
Tuy nhiên, Hsieh dẫn chứng Zappos không phải là mô hình ảo tưởng khi từ năm 1981, Ricardo Semler - CEO nổi tiếng nhất của Brazil Semco đã chuyển đổi mô hình hoạt động công ty theo mô hình này giúp năng suất lao động ngày càng cao. Sau khi tiếp quản công ty, Ricardo Semler rất mạnh mẽ trong việc đưa môi trường công ty thành “thế giới phẳng”, phá bỏ những “thành lũy” của cấp quản lý đã ăn sâu trong mô hình công ty truyền thống. Thậm chí, ông không quy định giờ làm việc cố định, không có mô tả công việc cụ thể, bỏ qua chức năng quản lý của bộ phận nhân sự. Đến nay, từ doanh nghiệp 4 triệu USD, Semco được định giá 1 tỷ USD và tỷ lệ biến động nhân sự luôn dưới 1% mỗi năm.
Như vậy, xây dựng môi trường làm việc lý tưởng là điều hoàn toàn có thể. Khó khăn nhất là phải thay đổi tư duy của chính mình và nhân viên. Thế nhưng, Hsieh cũng chia sẻ: "Việc học điều mới không vất vả mà chính việc từ chối tiếp nhận cái mới, bảo thủ mới mang đến những khó khăn”.
CEO Zappos chia sẻ thêm, các start-up nên áp dụng mô hình tự quản lý để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, đồng thời có thể tham khảo thêm những bài học quản trị từ Zappos.
“Việc tự quản lý, tự tổ chức thường gắn liền với sự minh bạch và sẵn sàng chia sẻ thông tin. Vì thế chúng tôi rất sẵn lòng chia sẻ những bài học, cố gắng tìm thêm những chuyên gia để cung cấp kiến thức cho các nhà quản lý doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho hội nghị vào năm 2016 về đề tài này”, Hsieh cho biết.
Theo DNSG