Vì sao sinh viên thất nghiệp nhiều?

20/08/2014 10:51

Vì sao sinh viên thất nghiệp nhiều?


Theo các số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có trên 72 nghìn lao động có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp; ¼ thanh niên lứa tuổi 20- 24 không có việc làm ổn định. Trong khi đó, tình trạng thiếu nhân lực ở một số ngành nghề vẫn diễn ra.


Theo quan điểm của tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là dự báo nhu cầu việc làm chưa chính xác, sự lệch chuẩn giữa cơ cấu đào tạo và nhu cầu thực tiễn; việc lựa chọn ngành học của hầu hết sinh viên hiện nay là theo cảm tính - chưa có đầy đủ thông tin khi chọn ngành học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, nhiều em học theo phong trào mà chưa có trang bị về nhu cầu thị trường.

Đi sâu vào vấn đề này thì theo tôi, với tình hình kinh tế như hiện nay, DN đối mặt với không ít khó khăn. Mặt khác, mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là lợi nhuận, vì vậy họ thường chọn những người có kinh nghiệm làm việc hơn là những người chưa có kinh nghiệm làm việc, những sinh viên mới ra trường. Vì đối với những sinh viên mới ra trường, để họ có thể hòa nhập với công việc cũng như tạo ra giá trị cho DN thì DN cần phải được đào tạo lại tốn không ít nguồn lực. Điều này làm tốn rất nhiều chi phí thời gian và tiền của của DN. Vì thế, xã hội không thể đổ trách nhiệm cho DN là không tuyển dụng những sinh viên mới ra trường vì cơ bản những sinh viên này không đáp ứng được yêu cầu của công việc thì tuyển vào để làm gì?

Để giải quyết bài toán này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, của các bên có liên quan. Cụ thể, về phía sinh viên, trước khi bước vào thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ cần có một kế hoạch cho việc tích lũy kiến thức chuyên môn về lý thuyết lẫn thực tiễn, nâng cao các kỹ năng mềm, xây dựng các mối quan hệ, hiểu biết về xã hội cũng là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, học cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội và nắm bắt các chính sách liên kết giữa nhà trường-DN, điều đó sẽ tạo cho sinh viên tính chủ động cũng như xây dựng các mối quan hệ với DN, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm trong tương lai.  Đối với cơ sơ đào tạo, họ cần cải tiến để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như có định hướng nghề nghiệp khi tuyển sinh để đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên theo xu hướng thị trường. Về phía DN thì DN cần thay đổi cách nhìn nhận, tạo điều kiện cho sinh viên sóm hòa nhập với thị trường lao động ngay từ khi họ còn ngồi trên ghê nhà trường thông qua các chính sách liên kế với cơ sở đào tạo.

Nói tóm lại là cần có sự bắt tay hợp tác giữa Nhà nước, DN và nhà trường, cần có nhiều hơn nữa các chính sách hướng nghiệp-khởi nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên, cần định hướng phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu của các ngành nghề trong nền kinh tế thị trường hiện nay, tránh tình trạng thất nghiệp tràn lan cũng như tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” mà xã hội đang đối mặt.

 

Lý Đình Quân
TGĐ Cty SQ Việt Nam

Theo DĐDN