Kết luận trên được đưa ra cũng một phần là do những nỗ lực từ phía Apple, như việc tuyển những chuyên gia thời trang đến từ Burberry, Nike, Yves St. Laurent ..., hay thuê một công ty thời trang nổi tiếng đến góp vui trong sự kiện hôm 10/9 vừa qua. Tuy nhiên những cố gắng đó có vẻ đã được đặt không đúng chỗ, vì ít nhất ba lý do sau:
Thứ nhất, thời trang hay thay đổi, và sự không ổn định đó là mối đe dọa tới những kế hoạch phát triển dài hơi dành cho các sản phẩm công nghệ cao. Sẽ rất khó để dự đoán được một xu hướng thời trang, và càng khó để giữ được lợi thế hơn khi các đối thủ quyết định theo kịp xu hướng đó.
Thứ hai, thời trang rất nhạy cảm về giá. Trong lĩnh vực này, khách hàng đang ngày càng có xu hướng chuyển sang các dòng sản phẩm giá rẻ hơn thay vì vung tiền cho sở thích và đẳng cấp. Khi mà nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trì trệ, mọi người định nghĩa "nhu cầu" dựa trên lợi ích thực sự. Họ muốn đưa ra tuyên ngôn thời trang bằng những cách ít tốn kém hơn thay vì một chiếc đồng hồ "điện tử" có giá 349 USD (7,4 triệu VND).
Thứ ba, thời trang là độc nhất, theo đúng nghĩa đen, vậy nhưng Apple vẫn cần phải bán ra hàng triệu đơn vị của mỗi dòng sản phẩm mà họ sản xuất. Do vậy sẽ thật khó để người dùng của Apple nghĩ rằng sản phẩm họ đang cầm trên tay là "độc", là ít ai có được. Bên cạnh đó, chỉ xét riêng thị trường đồng hồ đeo tay hiện nay, với sự thống trị của các nhãn hiệu đồng hồ được đánh giá cao vì chất lượng cũng như tính truyền thống, thì một món đồ công nghệ sẽ trở nên lỗi thời chỉ sau 2 năm liệu có cạnh tranh được không?
Ngoài ra còn có lý do thứ tư, và có lẽ là lời giải thích thuyết phục nhất cho câu hỏi tại sao Apple không nên trở thành một thương hiệu thời trang: "Quả táo cắn dở" chưa bao giờ là một thương hiệu thời trang cả, và những gì mà hãng đang cố gắng làm chỉ là đi chệch khỏi mục đích kinh doanh ban đầu của mình mà thôi.
Theo Forbes