Tỷ phú Thái Lan: Thâu tóm Metro chỉ là bước đầu
15/09/2014 12:47
Thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với Metro Cash & Carry Việt Nam đã làm thay đổi đáng kể quy mô và hình ảnh của Berli Jucker Public Company Limited (BJC) tại Việt Nam. Thêm một bước chiến lược trong câu chuyện kinh doanh dài hơi của tỷ phú người Thái Lan trên đất Việt.
BJC là ai?
BJC đang là cái tên được giới truyền thông Việt Nam chú ý. Dường như điều này chỉ rộ lên sau khi thương vụ M&A trị giá tới 655 triệu EUR (tương đương 879 triệu USD) với Metro Cash & Carry Việt Nam được tung ra. Cùng với đó là hàng loạt đồn đoán giật gân về dự định của BJC tại Việt Nam.
Nhưng với giới đầu tư khu vực và thế giới, BJC là một thương hiệu quen thuộc và danh tiếng.
Trong lần trao đổi đầu tiên về thương vụ này với báo chí Việt Nam, ông Aswin Techajareonvikul, Giám đốc điều hành, Chủ tịch BJC cho biết, BJC được thành lập cách đây 132 năm tại Thái Lan, với người chủ đầu tiên là hai gia đình người Thụy Sỹ, Berli và Jucker.
“Đây là thương hiệu đã đem đến cho Thái Lan công nghệ sản xuất chai thủy tinh công nghiệp, các sản phẩm gia dụng, sản phẩm ăn liền, công nghệ sản xuất giấy vệ sinh… thông qua các liên doanh đầu tiên giữa doanh nghiệp của Thái Lan với Australia. Hiện BJC là một trong 5 công ty con dưới quyền Tập đoàn TCC của gia đình tỷ phú Charoen và vợ là bà Khunying Wanna Sirivadhanabhakdi. Ông bà là những người được hoàng gia phong tặng họ và tước hiệu vì những đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước Thái Lan”, ông Aswin Techajareonviku trả lời những câu hỏi về BJC là ai của phóng viên báo Đầu tư.
Ngay cả tại Việt Nam, BJC cũng không hoàn toàn là người mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các loại bao bì.
Tháng 12/1995, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam, BJC đã nhận Giấy phép đầu tư 1455/GP cho công ty con đầu tiên tại Việt Nam với cái tên Vina Glass Industries Ltd (VGI). Nhà máy sản xuất chai thủy tinh đặt tại Bình Dương ngay sau đó đã được xây dựng, đánh dấu sự có mặt của dòng sản phẩm bao bì thủy tinh của BJC tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á mà Thái Lan là một tâm điểm đã tác động tiêu cực tới các kế hoạch sản xuất của BJC tại Việt Nam. Nhà máy tại Bình Dương tạm ngưng hoạt động. Vào thời điểm đó, giấy phép đầu tư dành cho VGI liên tục được gia hạn theo đề nghị của BJC.
“Chúng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm các kế hoạch khả thi để tiếp tục đầu tư. Năm 2007, BJC khởi động lại với các hoạt động thương mại, phân phối nguyên liệu chuyên dùng trong lĩnh vực thực phẩm, hóa mỹ phẩm”, ông Aswin Techajareonvikul nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Đây cũng là thời điểm ông Aswin Techajareonvikul đảm nhận vai trò Chủ tịch, CEO của BJC.
Nhưng phải tính từ năm 2010, với sự kết hợp thành công với Owen Illinois, một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bao bì của Mỹ, trong thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Fraser and Neave (công ty chuyên sản xuất thực phẩm và nước giải khát có trụ sở tại Singapore), để trở thành đối tác của Sabeco trong Công ty Bao bì thủy tinh Malaya Việt Nam (MVG), BJC chính thức trở lại thị trường Việt Nam bằng việc sản xuất các loại bao bì thủy tinh.
Năm 2011, cùng với Tập đoàn Ball (một trong những nhà sản xuất vỏ lon lớn nhất thế giới), BJC tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất lon nhôm phục vụ thị trường nước ngọt, bia. Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam được thành lập với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD tại VSIP II Bình Dương với công suất thiết kế 750 triệu lon/năm. Cuối tháng 3/2012, Nhà máy này đã đi vào hoạt động.
Hơn 1 năm trước khi thương vụ M&A với Metro Cash & Carry chính thức được HĐQT của BJC thông qua (vào 7/8/2014), BJC cũng tuyên bố mua lại 75% phần vốn tại ICHIBAN, nhà sản xuất và phân phối đậu phụ tại Việt Nam.
Ngoài các thương vụ M&A, BJC còn đầu tư thành lập nhà máy sản xuất giấy vệ sinh BJC Cellox vào năm 2011. Quý I/2014, doanh thu của BJC tại Việt Nam đạt khoảng 45 triệu USD, chiếm 70% doanh thu nước ngoài của BJC.
Metro mới chỉ là sự khởi đầu
Ông Aswin Techajareonvikul, Giám đốc điều hành, Chủ tịch BJC vừa có chuyến gặp gỡ cán bộ quản lý và nhân viên Metro Cash & Carry Việt Nam để trao đổi về hướng phát triển sau thương vụ thâu tóm.
Chuyến đi làm việc của ông Aswin Techajareonvikul tới TP.HCM vào đầu tuần trước nhằm tham gia chương trình gặp gỡ với các cán bộ quản lý và nhân viên của Metro Cash & Carry tại TP.HCM.
Ông Techajareonvikul nói, ông muốn tiếp cận các nhân viên tương lai của BJC, lên tới 4.000 người, cũng như các nhà cung cấp của Metro hiện tại, những đối tác của BJC trong thời gian tới.
“Chúng tôi muốn chia sẻ với họ quan điểm của BJC trong thương vụ này. Chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu hay thay đổi nhà cung cấp, cũng như người lao động, mà công bố tiêu chí của mình, đó là chất lượng và nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam sẽ quyết định sự lựa chọn nhà cung cấp cho chúng tôi trong tương lai. Suốt 132 năm qua, BJC đã tuân thủ 2 tiêu chí này tại thị trường Thái Lan và đây cũng sẽ là cơ sở để BJC làm việc với các nhà cung cấp của Metro Việt Nam”, ông Aswin Techajareonvikul nói.
Theo kế hoạch, hồ sơ pháp lý thương vụ M&A giữa Metro Cash & Carry Việt Nam và BJC sẽ được trình các cơ quan chức năng vào tháng 10/2014. Dự kiến, thương vụ này có thể sẽ đóng lại trong khoảng nửa đầu năm 2015.
Như vậy, BJC hoàn toàn có thể kỷ niệm 20 năm đặt chân tại Việt Nam bằng sự ra mắt chính thức trong vai trò là chủ đầu tư mới của Metro Việt Nam và là một trong những đại gia trong lĩnh vực phân phối, bán buôn, bán lẻ của Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả vẫn đang nằm trên bàn. Ngay cả việc sẽ phát triển Metro theo hướng nào, mở rộng tiếp ra sao, kỳ vọng doanh số hay việc lựa chọn thương hiệu nào để thay thế sau thời gian 18 tháng sử dụng thương hiệu Metro như hai bên thỏa thuận cũng vẫn đang được bàn thảo và chưa thể nói trước điều gì, ông Aswin Techajareonvikul thẳng thắn trước các câu hỏi về kế hoạch tiếp theo của BJC với Metro Việt Nam.
“Điều có thể khẳng định vào lúc này là chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội tại thị trường Việt Nam, về sự tin tưởng vào chất lượng hàng hóa của Việt Nam và thương vụ với Metro là một thương vụ hợp lý để chúng tôi bắt đầu các bước đầu tư tiếp theo tại đây”, ông Aswin chia sẻ.
Thực ra, những bước đi đầu tiên của BJC trong lĩnh vực phân phối bán lẻ tại Việt Nam phải kể tới từ việc mua lại 75% cổ phần tại Thai Corp, một trong những doanh nghiệp phân phối hàng đầu của Việt Nam với mạng lưới bao phủ tới 314 nhà phân phối, 1.800 đại lý, 220 siêu thị và cửa hàng liên lợi và hơn 50.000 cửa hàng bán lẻ.
“Chính khi đi làm việc với Metro về việc phân phối hàng Thái Lan tại Metro, chúng tôi đã phát hiện cơ hội của thương vụ M&A với Metro. Việc bàn thảo diễn ra hơn 1 năm, trước khi mọi việc chính thức được thông qua với sự tư vấn của Lazard, một ngân hàng đầu tư toàn cầu nổi tiếng trong lĩnh vực tư vấn M&A”, ông Aswin Techajareonvikul kể lại.
Tiếp tục tìm cơ hội
Phải nói thêm, 4.000 nhân viên và hệ thống 19 địa điểm trên khắp cả nước của Metro chính là điều thu hút sự quan tâm lớn nhất của BJC, thậm chí là yếu tố quyết định tới thương vụ này. Ngay ông Aswin cũng thừa nhận, khó có thể có được hệ thống này nếu đầu tư từ đầu vào lúc này. Điều này khiến ông Aswin nhấn mạnh rằng, con số 655 triệu EUR trong thương vụ với Metro là mức giá phù hợp, chứ không thể nói là đắt hay rẻ.
“Sau khi sáp nhập, chúng tôi sẽ có một đội ngũ 14.000 người, trong đó 7.000 là người Việt Nam. Đây là đội ngũ có năng lực và có khả năng cạnh tranh rất tốt. BJC sẽ có một hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp. Đây là con đường để chúng tôi đưa hàng Việt Nam vào hệ thống của mình, cũng như đưa hàng Thái Lan tới người tiêu dùng Việt Nam”, ông Aswin nói.
Về cơ cấu hàng hóa, ông Aswin cho rằng, phương án tối ưu vẫn là hàng hóa tại chỗ. BJC cũng sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm tiêu dùng tại Việt Nam để phân phối trong hệ thống của mình.
Đặc biệt, kế hoạch đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng được vị CEO của BJC dự kiến hợp tác với chính các đối tác cung cấp hàng cho Metro hiện tại.
“Tôi tin hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ tiêu thụ được. Hiện tại, môi trường đầu tư của Việt Nam đang phù hợp với các kế hoạch kinh doanh của chúng tôi”, Chủ tịch và CEO của BJC khẳng định.
Điều này có nghĩa là, sau thương vụ đình đám M&A với Metro Cash & Carry Việt Nam, việc BJC xuất hiện tiếp tục trong những liên doanh, hoặc các thương vụ M&A mới với các đối tác sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam đều đã nằm trong kế hoạch.
Theo Báo Đầu Tư