Thương mại điện tử: 3 lưu ý khi tạo ứng dụng di động
15/09/2015 02:03
Có rất nhiều báo cáo đã cho thấy việc sử dụng ứng dụng di động để mua sắm đang ngày càng gia tăng.
Công ty phân tích dữ liệu Flurry cho biết, lượng người dùng ứng dụng đã lên đến 76% trong năm 2014, trong đó, phổ biến nhất vẫn là các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Cũng trong năm 2014, 68% thời gian người dùng trải nghiệm các dịch vụ di động là trên ứng dụng (tăng từ 21% vào năm 2013), theo báo cáo của Công ty Comscore.
Rahul Varshneya – nhà đồng sáng lập Arkenea (công ty chuyên phát triển ứng dụng di động cho các dự án khởi nghiệp), tác giả quyểnAppreneurship: How To Build A Mobile App Business With No Technical Background – cho rằng, để tối đa hóa lượng khách hàng, các DN nên lưu ý 3 yếu tố dưới đây trước khi xây dựng một ứng dụng di động thương mại điện tử:
1. Cung cấp sản phẩm độc đáo
Các sản phẩm bạn cung cấp có gì khác biệt so với các trang thương mại điện tử khác hay cũng na ná như thế?
Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu bạn bán những thứ giống như các trang khác, bạn chỉ có thể thu hút khách hàng nhờ mức giá rẻ hơn đối thủ, nghĩa là bạn phải mất một chi phí nhất định thay vì kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Và thêm nữa, bạn cũng khó thể có được khách hàng trung thành.
Nhiều thương hiệu có xu hướng xây dựng ứng dụng cho đại trà chứ không chú trọng xác định phân khúc thị trường mục tiêu. Chiến lược này rất kém hiệu quả vì bạn dễ dàng bỏ qua nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng – những người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn mức nhu cầu thông thường.
Nếu bạn cung cấp những mặt hàng độc đáo cho đại chúng hoặc bán các loại sản phẩm mới lạ cho một phân khúc thị trường nhất định, mức lợi nhuận bạn đạt được sẽ cao hơn nhiều so với các thương hiệu thương mại điện tử kiếm lợi nhuận dựa trên số lượng hàng hóa bán ra.
2. Gắn kết khách hàng
Những loại sản phẩm bạn bán sẽ quyết định việc khách hàng có muốn sử dụng ứng dụng của bạn lần thứ hai hay không. Nếu không, bạn sẽ luôn phải tìm kiếm khách hàng mới để duy trì việc kinh doanh.
Sau khi (hoặc trong khi) khách hàng mua sản phẩm, hãy cung cấp thêm nhiều tiện ích khác để họ tiếp tục ở lại ứng dụng của bạn. Đó có thể là việc bán thêm (up-sell: làm cho khách hàng trả tiền nhiều hơn để mua sản phẩm hay dịch vụ đắt tiền hơn của cùng loại sản phẩm/dịch vụ vừa mua), bán chéo (cross-sell: làm cho khách hàng trả tiền nhiều hơn để mua thêm các sản phẩm hay dịch vụ khác loại với sản phẩm/dịch vụ vừa lựa chọn), hay cung cấp cho họ thông tin về các loại sản phẩm mới lạ...
Nói chung, hãy sáng tạo ra cách làm gia tăng giá trị vòng đời của khách hàng càng nhiều càng tốt (tổng giá trị vòng đời của một khách hàng được tính thông qua tổng các lần giao dịch mà khách hàng đó mua sắm tại “cửa hàng” của bạn).
3. Tận dụng liên kết sâu
Liên kết sâu (deep linking: các liên kết dẫn đến các trang có cấp độ thấp hơn trang chủ của ứng dụng, chẳng hạn như thông tin cụ thể của sản phẩm) là một tài nguyên chưa được tận dụng triệt để trong việc xây dựng các ứng dụng cho thương mại điện tử.
Liên kết sâu sẽ trở thành yếu tố không thể thiếu trong tương lai của ứng dụng thương mại điện tử và bạn có thể tận dụng nó ngay từ bây giờ, khi chưa có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ, nếu bán mặt hàng phô mai thủ công hương kẹo trên ứng dụng của mình, bạn có thể “dẫn dắt” khách hàng đến một đường dẫn để quảng cáo cụ thể hơn cho loại phô mai này, trái với cách tiếp cận phổ biến trước đây là khách hàng chỉ cần tải ứng dụng về rồi chọn mua một sản phẩm cụ thể mà mình đã xác định trước.
Tận dụng liên kết sâu sẽ mang đến hiệu quả cao hơn cho các chiến dịch bán hàng và góp phần làm tăng tỷ lệ chuyển đổi cho ứng dụng thương mại điện tử của bạn.
Theo Inc.