Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp chưa nhiều

24/05/2014 10:27

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp chưa nhiều


Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là một nhiệm vụ quan trọng trong Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết những yêu cầu cũng như lợi thế của Đề án đem lại.


Doanh nghiệp chưa quen sử dụng công nghệ thông tin

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết tháng 5/2013, Việt Nam có khoảng trên 60.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đăng ký kinh doanh, trong đó TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng có số doanh nghiệp (DN) nhiều nhất, chiếm khoảng 95%. Tuy nhiên, hầu hết những DN này chưa quan tâm hoặc có chăng cũng rất “mơ màng” về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý. Đây thực sự là khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. 

Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp Lê Văn Lợi cho biết: hiện Việt Nam là nước có mức độ kết nối internet trong top 10 thế giới, trong đó khoảng 50.000 DN đã kết nối internet. Tuy nhiên, điều đáng nói trong số đó, chỉ có khoảng 15% DN sử dụng dịch vụ tư vấn về CNTT, chưa đầy 20% DN có website riêng. Nhiều DN lập các website ra chủ yếu để giới thiệu hình ảnh sản phẩm dịch vụ của DN mà chưa trở thành nơi để giao dịch hàng hóa. Nhiều DN sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra đề đầu tư cả dàn máy tính, nhưng hiệu quả sử dụng vẫn thấp, máy tính vẫn chủ yếu sử dụng để gõ văn bản, lưu tài liệu, thậm chí để cho “oai”. 

Theo một cuộc điều tra mới nhất của nhóm nghiên cứu về ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì chỉ có 50/100 doanh nghiệp ứng dụng CNTT- TT, trong đó, TP Hồ Chí Minh đạt chỉ số cao nhất là 67/100. Phần lớn các DN đều có sử dụng soạn thảo văn bản và bảng tính (khoảng 91%) nhưng chỉ có 46%, DN có sử dụng email tức là chưa đến một nửa. Một số các phần mềm như quản lý nhân sự, tiền lương, quản lý bán hàng thì chỉ có 1/3 DN trả lời có sử dụng và khoảng 50% trả lời không có nhu cầu. Còn các phần mền CRM và ERP thì đa số DN không sử dụng.

Giải pháp thúc đẩy

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia cao cấp về CNTT Christine Zhenwei Qiang cho biết: CNTT có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra cơ hội kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hầu hết các nước đang phát triển vẫn còn chậm chạp trong việc ứng dụng CNTT. Một số lý do đó là nhiều nước đang phát triển vẫn còn có cơ sở hạ tầng truyền thông chưa tốt, trang thiết bị lạc hậu và thiếu tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, là sự hiểu biết hạn chế về CNTT của chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Cách phổ biến nhất cho các chính phủ để khuyến khích ứng dụng CNTT của doanh nghiệp nhỏ và vừa là thông qua các hội thảo, đào tạo và cần phải điều chỉnh nội dung hội thảo, đào tạo cho các loại đối tượng khác nhau, tập trung vào những lợi ích cụ thể, bà Christine Zhenwei Qiang cho biết thêm. 

Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH và ĐT Bùi Anh Tuấn cho biết, hiện nay Chính phủ đang thực hiện Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hợn cho các DN. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là việc xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia (NBRS) bao gồm Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Việc ứng dụng hệ thống này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho các DN như giảm chi phí và thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh, cho phép DN đăng ký qua mạng điện tử… Những kết quả đạt được đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường đăng ký kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua. Trong khi đó, Trưởng phòng KHCN và hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Kiêm Dũng cũng đưa ra những giải pháp triệt để đối với việc quản lý đất đai. Theo đó thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ gấp rút hoàn thành việc xây dựng Hệ thống thông tin đất đai và môi trường ELIS. Hệ thống này sẽ cho phép lồng ghép được vấn đề quản lý đất đai và môi trường trong một hệ thống duy nhất, được quản lý bằng CNTT.

Trong chiến lược phát triển CNTT quốc gia, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến năm 2015 sẽ chuyển đổi 100% hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam thành hộ chiếu điện tử; khoảng 30% công dân Việt Nam được cấp CMND sản xuất theo dây chuyền hiện đại...
 
Box 1: Giám đốc công ty cổ phần Kỹ Thuật Mới TP Hồ Chí Minh Huỳnh Anh Khánh

Đầu tư lớn vào CNTT, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do đây là hướng đi hết sức táo bạo. Giai đoạn đầu, chúng tôi gặp thất bại khi vốn pháp định ban đầu là 600 triệu đồng, hoạt động 6 tháng đầu năm, chúng tôi lỗ 700 triệu do hư hao, hư hỏng. Đó là cái trả giá ban đầu nhưng chúng tôi vẫn tin sẽ đạt hiệu quả. Sau khi tập trung bàn giải pháp phát triển và nhất quyết bám sát vào CNTT đi lên, từ một nhà xưởng nhỏ bé ở quận 6 với số vốn 600 triệu, bây giờ vốn của công ty đã trên 20 tỷ và công ty đã trang bị được nhà xưởng riêng. CNTT đã góp phần không nhỏ vào thành quả này.
 
Box 2: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà

Việc phát triển chính phủ điện tử cũng là động lực để cho DN ứng dụng CNTT. Ngoài việc xử lý thông tin trong nội bộ, DN ứng dụng CNTT còn phải có những công cụ giao tiếp khách hàng qua mạng và "nói chuyện" được với cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ, hay nói cách khác, phát triển các dịch vụ trực tuyến qua mạng.

 
Theo Tiểu Vũ (Sưu tầm)