Đường lớn, ngách nhỏ
Không chỉ có các công ty trong nước, khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đẩy mạnh việc cung ứng công nghệ (bo mạch, con chíp...) phục vụ việc sản xuất thiết bị SmartHome tại thị trường Việt Nam.
Nếu như thời gian qua, Công ty Bkav, Công ty CP Công nghệ thông tin truyền thông Thạch Anh, Công ty CP Lumi... được xem là những đơn vị tiên phong cung cấp các sản phẩm SmartHome "made in Vietnam", thì nay, cùng với sự du nhập của các DN FDI, lĩnh vực này dự báo sẽ ngày càng sôi động.
Với năng lực công nghệ lẫn tiềm lực tài chính hạn hẹp, liệu rằng các DN Việt Nam có cơ hội cạnh tranh?
Chia sẻ tại buổi giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực kết nối mọi vật (Internet of Things - IoT) áp dụng trên hệ thống chiếu sáng, hệ thống an ninh, an toàn cho tòa nhà (cao ốc văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, căn hộ...), ông Nguyễn Hùng - Nhà sáng lập Greenvity, cho hay, thị trường SmartHome tại Việt Nam còn khá mới, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực xây dựng sẽ kéo theo sự phát triển sản phẩm SmartHome.
"Chúng tôi rất háo hức khi mang đến Việt Nam các sản phẩm IoT mới nhất trong lĩnh vực nhà thông minh, an ninh và an toàn. Sản phẩm IoT của Greenvity có phạm vi ứng dụng rộng rãi từ thương mại, công nghiệp đến nông nghiệp; và công nghệ của Greenvity sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí lắp đặt và tăng cường an ninh cho các khu thương mại, văn phòng, nhà máy, bệnh viện, trường học, khu dân cư...", ông Nguyễn Hùng cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Hùng, hiện nay các ứng dụng nhà thông minh của Greenvity đang được phân phối thông qua OnSky, DN chuyên về hệ thống tích hợp và quản lý đám mây. Tuy nhiên, Greenvity vẫn có thể hợp tác với các nhà sản xuất như Samsung, Bkav...
Hiện DN này đang liên hệ và đặt vấn đề đàm phán với chủ đầu tư cao ốc, bệnh viện, trường học, khách sạn và thời gian tới sẽ nhắm đến phân khúc thị trường căn hộ chung cư.
Cuộc đua đã bắt đầu
Theo dự báo của các chuyên gia của Businessinsider Intelligence, IoT sẽ là thị trường thiết bị lớn nhất trên thế giới. Ước tính vào năm 2019, số lượng thiết bị IoT sẽ gấp đôi tổng số smartphone, PC, tablet, thiết bị đeo thông minh wearable cộng lại.
Những con số khả quan vừa nêu phần nào hứa hẹn "đường đua mới" cho các công ty có thế mạnh về công nghệ trong việc bắt tay cùng các nhà sản xuất công nghiệp, mà cụ thể là trong lĩnh vực điện lạnh, điện tử, điện gia dụng... tại thị trường Việt Nam.
Khảo sát của các DN cung cấp giải pháp SmartHome cho thấy, công nghệ tạo nên nhà thông minh chủ yếu xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc với các thương hiệu nổi tiếng như: Crestron, Honeywell, Kocom, AV Tech...
Công nghệ này tuy không phải là quá mới nhưng còn nhiều lý do nên vẫn chưa áp dụng được nhiều tại Việt Nam.
Chia sẻ điều này, một đại diện của Công ty CP Lumi, đơn vị cung cấp các thiết bị điện thông minh, nhà thông minh made in Việt Nam, cho hay, các sản phẩm do Lumi sản xuất hiện nay đã có mặt tại các chung cư, biệt thự, như Time City, Royal City, Madarin, Hoàng Thành Tower, khu đô thị An Khánh, Hòa Bình Green City...
Tuy nhiên, các sản phẩm này không phải xuất phát từ 100% công nghệ do Lumi phát triển. "Để tiết giảm giá thành cũng như đảm bảo sự cạnh tranh, có những chi tiết (bo mạch, con chíp) chúng tôi phải nhập khẩu từ các nhà phát triển công nghệ nước ngoài," đại diện Lumi cho biết.
Cũng theo vị này, hầu hết các DN công nghệ Việt Nam, chưa có đơn vị nào có thể tự chủ được từ khâu đầu đến khâu cuối trong việc phát triển các sản phẩm SmartHome.
Vì lý do này, tháng 7/2015 vừa qua, Lumi đã có cuộc đàm phán với ông Takuro - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Toshiba tại Việt Nam. Theo đó, Toshiba Việt Nam đã đưa ra đề nghị hợp tác cùng Lumi phát triển ứng dụng nhà thông minh Lumi Home Plus trên các sản phẩm của Toshiba.
Cũng như trước đó, tháng 5/2015, Lumi đã làm việc với nhà phân phối linh kiện AVNET, cùng đại diện hãng bán dẫn Cypress về sự hỗ trợ của Hãng Cypress trong việc phát triển sản phẩm mới liên quan đến các IC PSOC và IC Bluetooth trong chuỗi sản phẩm đang phát triển của Lumi. Ngoài Lumi, Bkav cũng là nhà phát triển các sản phẩm SmartHome.
Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có gần 3 năm phát triển các sản phẩm SmartHome nhưng hầu hết đều thuộc về DN nước ngoài. "DN Việt Nam rất khó để có thể cạnh tranh với DN nước ngoài về giá cũng như về công nghệ SmartHome" đại diện Lumi cho hay.
Theo DNSG