Teleseminar: kênh tiếp thị mới mẻ

15/09/2014 12:19

Teleseminar: kênh tiếp thị mới mẻ


Trước sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp tiếp thị trực tuyến, một hình thức tiếp thị mới đã được ra đời đi cùng nhiều tiềm năng mới mang tên teleseminar (hội nghị trực tuyến).


Trên lý thuyết, teleseminar là một hình thức trình bày sản phẩm trên internet thông qua các đoạn clip ngắn dành cho các khách hàng tiềm năng có hứng thú tìm hiểu. Một trong những phiên bản đầu tiên của teleseminar có thể được xem là cách Apple giải thích về cách sử dụng các sản phẩm máy tính Macbook của mình thông qua các clip ngắn chỉ kéo dài vài phút.

Nghe thì đơn giản nhưng kỹ năng trình bày là rất quan trọng để tạo nên teleseminar có tính gắn kết và cuốn hút cao, nhằm giúp mọi người tìm đến xem và muốn nhiều hơn ở doanh nghiệp. Sau đây là những gì nên làm để giúp khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp hài lòng hơn với teleseminar.

 

A. Truyền tải nội dung thú vị 

Đây là kỹ năng trình bày quan trọng nhất, bất kể trực tuyến, thu hình hay trực tiếp. Đối với nghệ thuật tiếp thị truyền thống, doanh nghiệp hứa với khách hàng những gì sẽ mang đến cho họ và thực hiện đúng hoặc nhiều hơn thế để tuân thủ lời cam kết của mình.

Còn trong suốt teleseminar, cần chứng tỏ với người xem rằng bạn đang giúp đỡ họ giải quyết vấn đề theo một cách rất độc đáo và dễ dàng để họứng dụng vào đời sống hằng ngày. Dưới đây là năm yếu tố nên làm:

 

1. Tập trung vào chi tiết

Mục đích chính là cung cấp những giải pháp và thông tin cặn kẽ, minh bạch để người theo dõi có thể thấu hiểu dễ dàng và hành động theo. Nếu đại diện doanh nghiệp đang phỏng vấn một chuyên gia và ông ta nói rằng “Chúng ta cần phải làm X, Y, Z…”, ngay lập tức hãy hỏi họ: “Chính xác phải làm X, Y, Z như thế nào?”. Doanh nghiệp không chỉ muốn kể cho người nghe những gì nên làm mà còn hướng dẫn cách thực hiện các bước ấy, vì chỉ như thế họ mới đạt đến giải pháp doanh nghiệp hứa hẹn ban đầu.

 

2. Tỏ ra phù hợp

Đừng đi xa vấn đề và nói đến những điều không liên quan. Tập trung vào mối quan tâm chính của doanh nghiệp và sự chú ý của người xem.

 

3 Giúp giải pháp trở nên dễ dàng ứng dụng

Trình bày nội dung thật đơn giản để mọi người làm theo và đạt được kết quả như mong muốn. Đừng quên nhấn mạnh ở những chỗ dễ gây khó hiểu và tóm tắt lại ở phía cuối đoạn clip.

 

4 Thực tế

Giữ thông tin đơn giản để học hỏi và làm theo. Thông báo với người xem rằng họ không cần nhiều kỹ năng hay trình độ chuyên biệt để hiểu rõ những gì đang trình bày.

 

5 Tạo dấu ấn khó phai

Một trong những cách hay nhất để tạo ra ấn tượng lâu dài chính là thông qua nghệ thuật kể chuyện. Những câu chuyện ngắn gọn về cách bắt đầu, hay cách một người học tập từ lời khuyên của doanh nghiệp hay chuyện một ngôi sao tên tuổi nào đó ứng dụng những sản phẩm hay giải pháp của doanh nghiệp sẽ giúp câu chuyện đi sâu vào lòng người hơn.

 

B. Bắt lấy sự chú ý của người xem

Nên bắt đầu telesemniar bằng một câu hỏi, chẳng hạn: “Bạn có đang bức xúc với kết quả kinh doanh hiện tại của công ty?”, hay “Bạn có sợ con cái mình lái xe không an toàn trên đường phố?”. Sử dụng câu hỏi như một chiêu thức tạo nên cảm xúc trong lòng người xem và họ sẽ chú ý đến người dẫn nhiều hơn. Mục đích chính là thu hút được người nghe từ phút đầu, khiến họ tập trung vào những gì người dẫn sắp trình bày.

 

C.Tiếp đến, “chinh phục” họ bằng một lời hứa

Ví dụ, nếu người dẫn bắt đầu với câu hỏi: “Con của bạn đã quen với tình trạng giao thông đông đúc hiện nay chưa?”, hãy đi tiếp với lời cam kết: “Nếu chưa, với chương trình đào tạo hiện nay, chúng tôi sẽ chỉ dẫn con bạn cách lái xe an toàn nhất. Con của bạn sẽ trở nên tự tin và sẵn sàng xử trí với mọi tình huống xảy ra trên đường”.

Yếu tố nắm bắt sự chú ý tiếp theo chính là một câu chuyện ngắn, giới thiệu về một nhân vật đi cùng vấn đề mà doanh nghiệp sau đó đã giúp họ giải quyết vấn đề đó. Cách kể chuyện sẽ mang đến một chút sự tò mò và thôi thúc sự quan tâm đối với người nghe.

Mô phỏng nội dung bằng câu chuyện và ví dụ. Trong lúc trình bày, bất cứ khi nào có thể, hãy sử dụng chuyện kể để giải thích. Không chỉ đơn giản, mà chúng còn mang đến nội dung hấp dẫn giúp người nghe cảm thấy thú vị và gắn kết hơn.

 

D.Sử dụng đoạn giới thiệu cho kỳ tới

Vào cuối chương trình, doanh nghiệp nên cung cấp một đoạn quảng cáo nhỏ dành cho chương trình lần sau. Chẳng hạn, nếu đang tiến hành một teleseminar về đề tài giao thông với kỹ năng lái xe của thanh niên, doanh nghiệp có thể quảng bá cho chương trình lần tới như sau: “Kỳ sau, trong series này chúng ta sẽ cùng cải thiện kỹ năng đậu xe trên phố xá đông đúc”. Nhiệm vụ của người dẫn chính là đảm bảo nội dung của teleseminar thực sự hấp dẫn để người xem chủ động tìm đến sau này.

 

Hà Lam (Theo DNSGCT/Entrepreneur)