Sử dụng tiền lương như thế nào trong thời bão giá?

18/04/2014 11:49

Sử dụng tiền lương như thế nào trong thời bão giá? Có lẽ khi nhắc đến cụm từ “khủng hoảng kinh tế”, nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng, đó là chuyện “đâu đâu”, chuyện của “cấp cao” hơn, không liên quan đến mình. Nhưng có một thực tế là những “hậu quả” của khủng hoảng kinh tế thì lại là “chuyện không của riêng ai”. Vật giá leo thang, mọi thứ đều tăng giá, chỉ trừ mỗi… tiền lương, đang là nỗi lo của nhiều người. Làm thế nào để đảm bảo cuộc sống khi mà chi phí tăng cao trong khi thu nhập là không đổi? Có lẽ đây đang là một bài toán khó mà tìm đáp số “hoàn hảo”, và việc thực hiện cũng không hề là dễ dàng.

1. Cắt giảm, cắt giảm và cắt giảm…

Lược bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết là điều bắt buộc để đảm bảo cho cuộc sống. Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là cắt giảm ở tất cả các khoản chi, bởi vì có những nhu cầu là thiết yếu, và bạn cần phải đảm bảo cho chúng, cho dù có khó khăn đến đâu. Việc cắt giảm nên được tập trung ở những khoản “không cần thiết” hoặc “chưa cần thiết”. Bạn có thể sẽ bất ngờ vì danh sách này nếu liệt kê chúng ra giấy! Tiếp tục làm một phép tính trừ cho những khoản này, bài toán của bạn sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

2. Ghi chép thận trọng

Một quyển sổ dùng để ghi chép, tính toán các khoản thu nhập, chi tiêu là cần thiết để bạn chắc chắn rằng sẽ không có những trường hợp như “Sao mình chỉ còn lại bao nhiêu đây tiền?”, “Mình đã mua cái gì với số tiền ấy?”, “Bây giờ làm sao với chỉ bao nhiêu đây tiền trong ví?”… Việc các con số hiện ra rõ ràng giúp bạn tránh các câu hỏi “vì sao”, và kiểm soát được tiền lương của mình đang đi đâu. Tập ghi chép thành thói quen cũng sẽ giúp bạn cẩn trọng hơn và suy nghĩ nhiều hơn khi sử dụng tiền. Tất nhiên là việc ghi chép nên ở một mức độ “chấp nhận được”, đừng nên quá nhỏ nhặt và chi tiết để tránh lãng phí thời gian của chính bạn.

3. Đừng quên các chương trình khuyến mãi

Để tiết kiệm hơn thì bạn đừng bỏ qua các chương trình này nhé. Tuy nhiên một lưu ý là khuyến mãi chính là con dao hai lưỡi. Rẻ hơn khuyến khích bạn mua nhiều hơn, và vô tình bạn lại chi ra cho những khoản “chưa cần thiết”, kết quả là lại không kiểm soát được chi tiêu của mình. Một lần nữa nên chú ý tính toán cẩn thận hơn cho các khoản chi của mình.

4. Lập kế hoạch chi tiêu hợp lí nhất

Bất kể điều gì muốn thành công cũng nên được chuẩn bị từ trước và nên có một kế hoạch cụ thể. Chi tiêu cũng không ngoại lệ. Bạn nên lập kế hoạch cụ thể, đặc biệt là khi cần chi ra những khoản tiền lớn, ảnh hưởng đến các khoản mục chi tiêu khác. Nếu chúng là quá lớn, thì bạn nên chia nhỏ ra, ví dụ như thay vì sẽ mua ngay tháng này thì có thể trì hoãn lại vào tháng sau, như vậy khoản chi của bạn sẽ tạm thời được “chia đôi”.

5. Quỹ dự phòng là bắt buộc

Không phải là kiểu “quỹ đen” cho các mục đích “không trong sáng” đâu nhé! Quỹ dự phòng là cần thiết cho các khoản chi bất ngờ, ngoài dự kiến và kế hoạch của bạn, để tránh trường hợp “không biết làm sao”, “không biết mượn ai”. Tốt nhất bạn nên giữ quỹ này ở khoảng từ 5-10% tiền lương của mình là hợp lí để tránh những lo lắng không cần thiết. Đây cũng là cách bạn tạo sự an tâm cho chính mình khi đứng trước những khó khăn về tài chính.

Lê Hoài Phương - CareerLink.vn