Startup nhà công-ten-nơ ở Mỹ: Dù còn khó khăn nhưng vẫn... sống khỏe

11/08/2015 02:50

Startup nhà công-ten-nơ ở Mỹ: Dù còn khó khăn nhưng vẫn... sống khỏe

Montainer là một startup trong phong trào “nhà tí hon”. Phong trào này được ủng hộ mạnh mẽ bởi những người muốn sống trong các nơi nhỏ gọn hơn, đơn giản hơn và cũng ít bị môi trường tác động hơn.


Sống trong các công-ten-nơ vận chuyển hàng hóa? Đó quả là điều mà trước đây Scott Crosby chưa hề tưởng tượng được cho gia đình năm người của anh.

 

Nhưng nó sẽ trở thành hiện thực trong tháng này khi gia đình của anh sẽ chuyển từ San Francisco đến quê nhà trước đây là San Diego. Hiện gia đình anh đang sống trong ngôi nhà gỗ một tầng nhỏ cạnh bờ biển với 3 phòng ngủ và 1 phòng tắm, diện tích tổng cộng là 1.100 foot vuông — tính ra không nhiều lắm.

 

Điều đó đã khiến Crosby, 45 tuổi, người từng có một công ty phần mềm được Google mua lại, quyết định chọn sống trong công-ten-nơ. Việc này cũng xảy ra hết sức tình cờ: trong lúc tìm kiếm một nơi ở hợp túi tiền mà lại có thêm không gian cho cả gia đình, anh thấy trên tạp chí mình vẫn đọc có một tấm hình về một ngôi nhà nhỏ làm từ công-ten-nơ. Nó được sản xuất bởi công ty Montainer ở Missoula, bang Montana. “Tôi nghĩ nó sẽ hoàn hảo cho gia đình chúng tôi. Vì thế tôi vào website của họ và đặt hàng. Cực kì đơn giản,” anh nói.

 

Thế là Crosby liền đặt cọc 2.500 USD cho một “căn hộ” có giá 65.000 USD, dài 24 foot, rộng 8 foot với đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, phòng tắm và nhà bếp. “Căn hộ” được làm bằng thép Corten, có tính năng chống rỉ sét, rất cứng và thường được sử dụng trong việc xây cầu hay đóng tàu.

 

Montainer là một startup trong phong trào “nhà tí hon”. Phong trào này được ủng hộ mạnh mẽ bởi những người muốn sống trong các nơi nhỏ gọn hơn, đơn giản hơn và cũng ít bị môi trường tác động hơn. Ryan Mitchell, nhà sáng lập của trang TheTinyLife.com và sự kiện Tiny House (nhà tí hon), cho rằng sự phổ biến của những “căn hộ” như thế là do mọi người cần những nơi ở hợp túi tiền hơn. Theo trung tâm nghiên cứu nhà ở của đại học Harvard, gần phân nửa những người đi thuê nhà ở Mỹ hiện phải mất đến 30% thu nhập của họ cho tiền thuê nhà. Tỉ lệ sở hữu nhà trên toàn nước Mỹ hiện là 64,5% và năm 2014 là năm thứ 8 liên tiếp tỉ lệ này bị giảm.

 

Sự kiệnTiny House bắt đầu từ năm 2014 và trong năm nay đã thu hút được 400 người, gấp đôi số lượng tham gia hồi năm ngoái. “Kể từ cuộc suy thoái đến nay, số lượng người vào website của chúng tôi tăng gấp 4 lần. Mỗi năm chúng tôi có hàng triệu khách,” Mitchell cho nói.

 

Ở thành phố Jackson Hole, bang Wyoming cũng có công ty Wheelhaus chuyên sản xuất “nhà tí hon” từ năm 2007, và doanh thu của họ đã tăng gấp ba lần trong 3 năm qua. Nhà của họ cung cấp thường có diện tích từ 400 đến 1.500 foot vuông và có giá từ 89.000 đến 295.000 USD.

 

Montainer được thành lập vào năm 2013 khi CEO Patrick Collins cùng những nhà sáng lập khác là Thomas Finch, Joel Egan và Matt Duguid tạo ra một trang Facebook và một website. Chỉ trong năm đầu tiên, website của họ đã nhận được 1.200 câu hỏi từ những khách mua nhà tiềm năng. “Kể từ đó mỗi tháng chúng tôi tiếp khoảng 12.000 khách và hiện có hơn 50.000 người dõi theo chúng tôi trên Facebook,” Collins cho biết.

 

Nhà do Montainer xây dựng thường gồm có một hoặc vài công-ten-nơ, thường được gọi là các module, và có khoảng 10 cách lắp ghép khác nhau. Các module có nhiều kích thước, nhưng thường dài khoảng từ 20 hay 40 foot, cao 9,5 foot và rộng 8 foot, bên trong được thiết kế như là một ngôi nhà hoàn chỉnh hoặc là một phần của ngôi nhà (chẳng hạn như mỗi module là một phòng ngủ hoặc phòng khách). Nếu khách hàng muốn có một ngôi nhà rộng hơn thì họ có thể ráp nhiều module lại với nhau. Trong năm nay Montainer sẽ cung cấp 15 ngôi nhà và năm tới sẽ là30 đến 50 căn. Đơn hàng phổ biến nhất là nhà một module. Hầu hết khách hàng của Montainer là từ West Coast, nơi mà giá nhà hiện rất đắt, giống như ở Seattle và Bay Area.

 

Vì phần lớn các ngôi nhà tí hon ở Mỹ đều được làm từ gỗ nên việc sử dụng các vật liệu tái chế được đã khiến cho các ngôi nhà của Montainer có chất lượng rất riêng. “Tôi thích người ta sử dụng một cái gì đó mà khi vứt đi lại có thể dùng vào việc khác,” Crosby cho biết một trong những lí do anh chọn mua nhà của Montainer.

 

Một điều đáng tiếc là, không giống như các công ty khác, nhà do Montainer xây lại không có bánh xe. “Các bánh xe cho phép chủ nhân của chúng có thể di chuyển nhà và dừng lại tại nơi nào mà họ muốn,” Derek Diedricksen, nhà sáng lập của Relaxshack và tác giả của cuốn sách “Microshelters” tỏ vẻ tiếc rẻ.

 

Các ngôi nhà của Montainer được dựng trên một nền đất cố định và phải đáp ứng được những đòi hỏi về thủ tục của địa phương đó. Quy trình xin thủ tục có thể rất mất thời gian và tiền bạc nên Montainer nhận thấy rằng để thành công thì họ cần phải làm việc đó cho khách hàng. Collins cho biết các ngôi nhà của Montainer hầu như đáp ứng được mọi thủ tục ở Mỹ và nếu như không xin được giấy phép thì khách hàng sẽ được hoàn tiền lại.

 

Một vấn đề khác là chuyện tài chính. Các ngân hàng thường không cho khách hàng vay vì những ngôi nhà tí hon như thế không đủ kích thước quy định và thị trường này vẫn còn khá mới mẻ. Vì thế khách hàng của Montainer muốn mua thì phải trả bằng tiền mặt, một điều làm hạn chế rất nhiều đến việc kinh doanh của dạng thị trường này.

 

“Nhiều ngân hàng sẽ không giải ngân cho bất kì nguồn vay nào dưới 100.000 USD vì không có lời. Những ngôi nhà như thế quá nhỏ và ngân hàng phải chịu rủi ro khi cho vay vì khi không thu hồi được nợ thì họ cũng khó phát mãi tài sản đó để thu hồi vốn,” Greg McBride, nhà phân tích tài chính tại trang Bankrate.com, đưa ra lí do.

 

Collins cho biết Montainer đã đàm phán với vài tổ chức tín dụng ở Montana và Washington để cung cấp tài chính cho khách hàng nào có nhu cầu. “Chúng tôi biết sẽ cần phải có thời gian để dạng nhà này được chấp nhận, nhưng khi khách hàng có thể mua và bán lại chúng được thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Nhưng dù sao thì hiện tại vẫn không thiếu những khách hàng sẵn lòng mua chúng bằng tiền mặt,” Collins hồ hởi.

 

Theo Trí Thức Trẻ/NyTimes