Những lưu ý trong chiến lược truyền thông thời số hóa
05/11/2015 02:26
Khi thế giới dịch chuyển sang internet, doanh nghiệp (DN) sẽ phải nỗ lực rất nhiều để học cách thích nghi với môi trường mới.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia trên thế giới có số người sử dụng internet khá cao. Hiện đã có đến 45% dân số sử dụng internet, 141% dân số sử dụng thuê bao di động và 31% sử dụng tài khoản mạng xã hội.
Điều này cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của công nghệ số, nó đã trở thành công cụ giao tiếp và thu thập thông tin hiệu quả cho người tiêu dùng (NTD) Việt Nam.
Số liệu từ comScore Việt Nam trong tháng 7 cho thấy rõ hơn bức tranh về người sử dụng internet hiện nay. Bình quân, người Việt Nam tốn đến 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng bằng máy tính và gần 3 tiếng với người dùng điện thoại. Tính bình quân, một người kết nối mạng 50 lần/tháng, mỗi lần kết nối ít nhất là 25 phút, và tổng thời gian dùng internet của mỗi người là 315 giờ/tháng. Nhưng số người sử dụng internet không dừng lại ở đó mà sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cùng với xu hướng tiêu dùng đang hướng đến công nghệ, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cũng ngày càng phát triển. Cách đây 15 năm, số lượng công ty CNTT trong nước rất khiêm tốn, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 DN sản xuất và phát triển phần cứng, phần mềm và kỹ thuật số. Đã có những DN làm nên tên tuổi không chỉ trong nước mà còn nổi tiếng thế giới, như Viettel, FPT...
Theo các chuyên gia công nghệ, CNTT giúp DN gặt hái thành công. Các công nghệ mang tính tự động hóa đã giúp DN cải tiến dịch vụ mới và sản phẩm mới, phát triển thị trường mới, bán hàng hiệu quả với chi phí thấp...
Nhiều DN sau thời gian "số hóa" thừa nhận nhờ áp dụng thương mại điện tử trong quản lý, các nguồn lực của công ty được sử dụng rất hiệu quả. Có những DN "siêu nhỏ” với nhân sự chỉ 7 người nhưng đã điều hành việc bán hàng trực tuyến hiệu quả gấp đôi so với cách điều hành thông thường.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã có rất nhiều công ty ứng dụng công nghệ và đã thành công. Các thương hiệu Zalora, Lazada, Viettel, Mindshare... đã trở thành những tên tuổi thành công nhờ internet.
Chia sẻ của Lazada Việt Nam cho thấy, NTD trong nước đang có xu hướng gia tăng sử dụng các thiết bị di động để giao dịch mua hàng và giá trị đơn hàng cũng ngày càng lớn hơn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, đơn hàng giao dịch qua thiết bị di động tăng 2,5 lần và doanh thu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng di động hóa từ phía NTD cộng với cơ sở hạ tầng như 3G và wifi ngày càng được cải thiện đang tạo điều kiện cho hoạt động tiếp thị trên nền tảng di động của DN trong nước tăng cao.
Theo chuyên gia Big Data Tập đoàn FPT Đinh Lê Đạt, trong 5 năm tới, nền kinh tế thế giới sẽ phát triển dựa trên nền tảng dữ liệu, và kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Để tồn tại và phát triển trong thời đại bùng nổ dữ liệu, không gì khác hơn là DN phải "số hóa", theo kịp xu hướng này.
Công nghệ đã có, việc ứng dụng cũng đã được triển khai ở hầu hết các DN trong nước và đã tạo ra bầu không khí hoàn toàn mới trong thế giới kinh doanh tại Việt Nam. Vấn đề là DN làm sao để khai thác hết lợi thế mà CNTT mang lại.
Bởi, theo GS. John A Quelch của Trường Đại học Harvard, đã qua lâu rồi cái thời một DN có thể làm tốt ở tất cả các sản phẩm hay ngành nghề kinh doanh. Internet và sự phân công lao động toàn cầu buộc các ngành sản xuất phải chuyên môn hóa cao hơn và các sản phẩm nếu không có những nét nổi trội sẽ bị thị trường đào thải.
Chỉ có một mô hình quản lý kiểu tập đoàn như các chaebol của Hàn Quốc (Samsung, Hyundai...) - nơi các công ty con tương đối độc lập trong việc phát triển sản phẩm, mới có hy vọng thành công.
CNTT đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN. Tuy nhiên, GS. John A Quelch lưu ý DN phải biết tập trung marketing sản phẩm của mình đúng với những ưu thế đặc biệt mà không sản phẩm nào có được. Bên cạnh đó, phải tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của đại đa số NTD, đồng thời phải tập trung vào thế mạnh của DN chứ không nên đi vào lĩnh vực mình không có năng lực.
Cũng theo GS. John A Quelch, không nên bảo thủ với phương pháp kinh doanh của DN mà phải dựa vào tình hình thực tế để tồn tại. Biết được đối tượng hướng đến của mình là ai, chọn cách tiếp cận dựa trên sự hiểu biết đối tượng đó sẽ mang đến thành công cho bất kỳ chiến lược truyền thông nào.
Và "trong thời đại số, quảng cáo không dựa trên nền tảng internet thì cầm chắc thất bại", GS. John A Quelch nhận định.
Theo DNSG