Ngành công nghiệp lobby: Tiền có vai trò gì?
19/04/2014 09:33
Những người có lợi thế tài chính dễ dàng tiếp xúc với các đại biểu quốc hội. Chính sách có xu hướng ưu ái các doanh nghiệp lớn để họ có thể tài trợ cho nhiều hoạt động vận động hành lang sau này.
Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước là mối quan hệ như thế nào? Làm cách nào để phát triển mối quan hệ này sao cho cả hai bên cùng có lợi? Đó chính là chủ đề của báo cáo đặc biệt được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist thực hiện mà chúng tôi xin lược dịch và mong muốn giới thiệu tới bạn đọc.
Thực tế cho thấy vận động hành lang thường được giới hạn ở các công ty lớn và quản lý cao cấp. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự phân biệt đối xử với các công ty nhỏ nhưng tiềm năng hay không? Rào cản chính đến từ đến hệ thống qui định phức tạp. Khi các cử tri ngày càng bất bình về sự suy giảm mức sống rõ rệt, nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu vận động hành lang chỉ đem lại lợi ích cho người giàu.
Tiền có vai trò gì?
Lee Drutman (đến từ tổ chức vận động hành lang Sunlight Foundation) đã chỉ ra rằng “không ai có lợi thế hơn trong một giao dịch trao đổi ngang hàng. Tuy nhiên, tiền bạc có vai trò là chất xúc tác hay đảm bảo cho các giao dịch”. Những người có lợi thế tài chính sẽ dễ dàng tiếp xúc với các đại biểu quốc hội. Do đó, các chính sách có xu hướng ưu ái các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh để họ có thể tài trợ cho nhiều hoạt động vận động hành lang sau này.
Năm 2012, 5 nhà tài trợ chính cho chiến dịch bầu cử tổng thống của Mitt Romney đều là các công ty dịch vụ tài chính. Trong khi đó, Microsoft và Google đóng vai trò 2 trong số 5 nhà vận động chính trong chiến dịch tranh cử của ông Barack Obama.
Hơn 100 năm trước, vấn đề luẩn quẩn này đã từng làm đau đầu tổng thống Woodrow Wilson. Ông cho rằng: “Đó là vấn đề đáng lo ngại trong một quốc gia khi phần lớn người dân không có các hoạt động hành lang cũng như không có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách. Trái lại, một số nhóm người tỏ ra khôn ngoan hơn, tìm cách ngụy tạo ý kiến để đạt được lợi nhuận cá nhân và gạt bỏ lợi ích của cộng đồng".
Các luật lệ ở Mỹ ngày càng thắt chặt sau ảnh hưởng của scandal chính trị Abramoff năm 2006 – khi một nhà vận động hành lang bị bắt vì âm mưu hối lộ các quan chức chính phủ. Ngày nay, các qui định yêu cầu các nhà vận động phải minh bạch thông tin liên quan đến khách hàng và các khoản tiền được chi trả.
Tuy vậy, một số qui định vẫn còn nhiều bất cập chưa hợp lý. Ví dụ, các nhà vận động phải tiết lộ đảng phái chính trị nào họ có liên lạc (trong quốc hội) nhưng lại không yêu cầu nêu tên cụ thể chính trị gia nào. Vì vậy, mặc dù không còn liên lạc với các cá nhân chính trị đó họ vẫn có thể lợi dụng danh tiếng để làm lợi cho chiến dịch của mình. Trong cuốn sách “So Damn Much Money” (tạm dịch: Quá nhiều tiền cũng phiền toái) của Robert Kaiser đã tiết lộ rằng Gerald Cassidy – một nhà vận động xuất sắc, trong suốt sự nghiệp của mình, ông cùng với vợ đã đóng góp hơn 1,3 triệu USD trong các chiến dịch tranh cử.
Có khách quan?
Mặc dù còn nhiều lo ngại, các hoạt động vận động hành lang sẽ vẫn tồn tại và phát triển. Bà Podesta chỉ ra rằng: “Washington chứng kiến nhiều người thắng và kẻ thua mỗi ngày; tình thế vẫn biến chuyển không ngừng lúc lên lúc xuống. Các khách hàng cũng có xu hướng xa mặt cách lòng. Các tranh cãi liên quan đến vấn đề của chính phủ luôn thường trực; có nhiều người ủng hộ và cũng không ít người phản đối. Tuy vậy, quyết định cuối cùng nằm trong tay các nhà cầm quyền.”
Bà nhận định không có nghị sĩ nào muốn đi ngược lại mong muốn của các cử tri ủng hộ mình. Ngài Galbraith lại đổ lỗi cho danh tiếng không tốt của các ngành công nghiệp liên quan làm ảnh hưởng đến các chính trị gia; đó không phải lỗi của các nhà vận động hành lang.
Vấn đề ở đây là chúng ta không thể nhìn nhận mọi sự không minh bạch đều là tham nhũng. Liệu công chúng có thể khẳng định các quyết định của chính phủ được đưa ra khách quan hay bị ảnh hưởng dưới dự ủng hộ từ các nhà vận động hành lang? Trong khi đó, các doanh nghiệp cảm thấy vận động hành lang là điều cần thiết nếu họ không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
Đúng như Drutman đã viết, nếu so sánh chính trị như một thị trường chúng ta sẽ thấy hình ảnh của chợ Byzantine; trong đó không ai biết mặt hàng nào được giao dịch, người bán người mua xuất hiện bất chợt. Giá cả không được tiết lộ và luôn thay đổi. Nếu bạn muốn tham gia, hãy sẵn sàng để trả giá.
Thảo Phương (Theo CafeF/Trí thức trẻ/Economist)