Báo cáo này đã đưa ra những kết luận về cạnh tranh, đổi mới, chuyển giao công nghệ và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dựa trên việc khai thác dữ liệu và số liệu thống kê kể từ năm 2011 đến năm 2012, với quy mô mẫu khoảng 8.000 doanh nghiệp. Điều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ là một công cụ hữu hiệu để hiểu được cách thức doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực công nghệ tương quan với sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Kết quả từ cuộc điều tra chỉ ra rằng các doanh nghiệp đã tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm hơn là chỉ đơn thuần tăng về số lượng. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để giúp đỡ doanh nghiệp đầu tư và khuyếch tán công nghệ, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải nhiều trở ngại trong việc tiếp cận vốn. Do vậy, khuyến nghị chính sách ở đây là tập trung minh bạch hóa, đơn giản hóa các thủ tục tiếp cận vốn và chuyển giao công nghệ, nhất là với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chính sách cần có sự điều chỉnh theo hướng bảo đảm công bằng và hiệu quả, có nghĩa là doanh nghiệp nào đổi mới, ứng dụng công nghệ thành công rồi mới hỗ trợ, thay vì hỗ trợ cho những cam kết nhưng không thực hiện.
Nguồn: ITN |
Một phát hiện có ý nghĩa quan trọng khác của nhóm nghiên cứu, đó là hoạt động chuyển giao công nghệ chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện, chiếm khoảng 70%, chỉ có 28% chuyển giao công nghệ do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này chứng tỏ rằng sự lan tỏa công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước, thay vì chỉ từ doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong chuyển giao công nghệ nói chung. Lý giải về thực tế này, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, một trong những lý do là khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước thấp. Cho nên ngay cả khi doanh nghiệp FDI mang công nghệ vào đây nhưng doanh nghiệp trong nước không có năng lực hấp thụ thì việc chuyển giao công nghệ không xảy ra. Liên quan chính sách, để doanh nghiệp Việt Nam hấp thụ được công nghệ khi các đối tác đem công nghệ vào thì doanh nghiệp phải có năng lực nào đấy cho bản thân doanh nghiệp.
Nhưng khó khăn trở ngại là về tài chính. Các doanh nghiệp trong nước mà ngoài quốc doanh tiếp cận nguồn vốn của nhà nước với tỷ lệ rất thấp, trong khi đó nguồn vốn đó đến doanh nghiệp nhà nước, quy mô lớn nhiều hơn. Trong khi chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp dân doanh cũng không thấy.
Như vậy có thể nói, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp bên ngoài là nguồn cung quan trọng của công nghệ mới, nhưng đó không phải là nguồn cung duy nhất. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tìm cách làm thế nào để các doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác chuyển giao những công nghệ thích hợp.
Ngoài ra, sức ép với các doanh nghiệp ngày càng gia tăng khi nền kinh tế Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Điều đó khiến doanh nghiệp cắt bớt những cam kết trách nhiệm xã hội để tập trung theo đuổi lợi nhuận. Kết quả từ cuộc điều tra năm 2012 và những cuộc điều tra trước đó cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng tuân thủ tốt hơn các trách nhiệm pháp lý do luật pháp quy định, tuy nhiên có rất ít doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn ở mức cao hơn các tiêu chuẩn tối thiểu này.
Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần đóng vai trò chủ động trong việc hình thành những chính sách khuyến khích các hoạt động trách nhiệm xã hội trên mức tuân thủ của doanh nghiệp. Cách thức hiệu quả, công bằng nhất để làm điều đó, có lẽ là cung cấp các hướng dẫn chi tiết, giúp doanh nghiệp tự bảo đảm điều kiện lao động, tiêu chuẩn cao hơn về xã hội và môi trường.
Nhìn chung, dự đoán về tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn vẫn rất khả quan. Nguồn lao động dồi dào và nền chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho khu vực tư nhân phát triển, đóng góp vào tăng trưởng. Mặc dù vậy, một chính sách công nghiệp có mục tiêu cụ thể, rõ ràng sẽ giải quyết được vấn đề tăng trưởng chậm, tăng nhu cầu việc làm ở khu vực chính thức và cải thiện mức lương. Giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận và đầu tư công nghệ phù hợp là chính sách chi phí thấp nhưng có thể đem lại lợi ích to lớn.