Mô hình kinh doanh mới nâng bước người tự kỷ
09/07/2015 08:46
Theo nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi của người tự kỷ, “nếu như có những chương trình việc làm sáng tạo thì nhiều chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể biến những con người này thành những nhân viên cần cù, đáng tin cậy và có năng suất.”
Ngày 2/4/2015 vừa qua đã được chọn làm Ngày thế giới ý thức về chứng tự kỷ. Tuy nhiên, với các bậc cha mẹ có con bị hội chứng này thì mỗi ngày trôi qua đều là Ngày ý thức về chứng tự kỷ, và trong họ luôn đau đáu nỗi lo về những cơ hội vào đời dành cho con mình khi chúng trưởng thành.
Dù thời gian gần đây hội chứng này đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn của cộng đồng nhưng ngay cả những quốc gia tiên tiến như Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để đối mặt với những thách thức đặc biệt đến từ nhóm dân số này. Một trong những thách thức đó là việc làm. Theo một số ước tính, tỉ lệ thất nghiệp của những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ là hơn 90%. Chuyện này cũng không khó giải thích vì nhiều chủ doanh nghiệp vẫn không thấy được “lợi lộc” gì khi thuê những người vốn được xem là có kĩ năng giao tiếp “rất tệ”.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi của người tự kỷ, “nếu như có những chương trình việc làm sáng tạo thì nhiều chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể biến những con người này thành những nhân viên cần cù, đáng tin cậy và có năng suất.”
Chẳng hạn, ở Florida có một doanh nghiệp rửa xe hơi chuyên thuê đội ngũ nhân viên là những người tự kỷ. Ở Texas, hai cựu quản lý trong ngành công nghệ đã thành lập một doanh nghiệp sản xuất trò chơi điện tử, với những chương trình đào tạo nghề nghiệp và việc làm miễn phí dành cho người tự kỷ. Ở Kansas, một thanh niên với sự giúp đỡ của gia đình đã thành lập một doanh nghiệp sản xuất bỏng ngô ăn nên làm ra, gần đây đã thuê thêm nhân viên là những người tự kỷ.
Nhưng có lẽ ví dụ thú vị nhất là tổ chức Extraordinary Ventures (EV) ở Chapel Hill, bang North Carolina. Một trong những người sáng lập của EV vốn xuất thân là giám đốc danh mục đầu tư Gregg Ireland. Ông muốn thử ý tưởng tạo ra một doanh nghiệp xoay quanh những kĩ năng từ người con trai tự kỷ của mình là Vinnie, cũng như những đứa trẻ khác trong cộng đồng nơi ông đang sống. Ông nhận thấy rằng Vinnie có những hạn chế về hành vi cư xử và giao tiếp nhưng lại là một nhân viên rất tuyệt vời và có năng suất cao khi được đặt trong một môi trường quy cũ. Ông cũng nhận thấy điều tương tự ở những thanh niên tự kỷ khác.
Thường thì các công ty tập trung vào việc huấn luyện các nhân viên để họ phù hợp với công việc sẽ đảm nhận. Nhưng đội ngũ EV lại nhìn thấy một xu hướng mới. Họ làm giống như thung lũng Silicon, nơi mà các giám đốc đang nhận ra rằng những con người tài năng có thể làm việc tốt nhất khi môi trường làm việc được điều chỉnh cho phù hợp với họ. Các công ty công nghệ và truyền thông xã hội ở đây là những người tiên phong trong việc thiết kế lại các campus cho phù hợp với đội ngũ nhân viên. Do vậy, EV quyết định... thiết kế lại công việc và chỗ làm cho phù hợp với kĩ năng và nhu cầu của những nhân viên tự kỷ mà họ đang thuê. Với các nguồn “tài nguyên” hạn chế, họ tránh những kiểu kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư lớn hay phải mất nhiều năm để phát triển. Họ cũng tránh những loại công việc có quy định thời gian hoàn thành hay những công việc đòi hỏi sự hiệu quả. Họ muốn những công việc ít áp lực, với đầu ra là các sản phẩm hay dịch vụ được khẳng định bằng chất lượng để họ có thể có “tiếng nói” về giá cả và kiếm được lợi nhuận.
Chỉ trong vòng vài năm, EV đã có một đội ngũ giám đốc và 6 cơ sở cùng với vô số ý tưởng. Bí quyết rất đơn giản: công việc phù hợp với nhân viên - họ có thể bắt đầu từ những chuyện nhỏ và làm cho lớn dần lên, các hoạt động không quá phức tạp hay đắt tiền để khởi nghiệp hay quản lý, có một hướng đi rõ ràng để kiếm được lợi nhuận và do vậy bền vững.
Từ chỗ chỉ có vài nhân viên lúc ban đầu, giờ đây EV đã có 50 người. Các nhân viên này đến với EV hầu như “chẳng có gì”. Với đa số nhân viên, đó là công việc đầu tiên trong đời mà họ được trả lương. Nhưng sau một thời gian ngắn, họ trở nên thoải mái với công việc và tiến bộ rất đáng kể.
Giám đốc điều hành của EV, Van Hatchell chia sẻ: “Nhìn chung, các nhân viên ở đây có năng suất đáng kinh ngạc và rất đáng tin cậy. Công việc đang diễn ra cực tốt, đến nỗi mà các nhóm ở Chicago, Michigan, New York, Massachusetts và Northern California đang tính đến chuyện thành lập các doanh nghiệp riêng theo mô hình của EV.”
Trường hợp của EV cũng là một kinh nghiệp khá thú vị đối với Ireland. Ông cho biết mình đã nhận ra được nhiều điều từ một chuyện mà đa phần mọi người đều không muốn nhúng tay vào vì xem đó là một gánh nặng.
Khi các nhân viên ở EV hoàn thành công việc của mình, họ rất tự hào khi biết rằng giờ đây họ là những người có đóng góp thật sự cho xã hội, mở ra hướng đi cho vô số cá nhân khác đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Còn chúng ta thì hi vọng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới học được bài học trên và tận dụng được nguồn nhân lực khá “độc đáo” này.
Lê Thanh Hải
Theo Trí Thức Trẻ/Forbes