Làm sao chống lại Uber?

30/05/2015 07:59

Làm sao chống lại Uber?


Taxi truyền thống đang chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ từ mô hình kinh doanh mới mang tên Uber. Những Mai Linh, Vinasun… nên đấu thế nào với Uber?


“Kẻ phá bĩnh” Uber

Với tư cách là bên thứ ba, Uber kết nối chủ ô tô với người cần di chuyển qua phần mềm. Điểm nổi bật của Uber, ngoài mức tính phí cước vận chuyển khá thấp so với taxi truyền thống, hành khách còn được cung cấp thông tin về xe ô tô sắp đón mình. Nắm rõ thông tin xe giúp khách hàng yên tâm về độ an toàn. Mức cước phí Uber gợi ý cũng làm khách hàng hài lòng.

Sự tiện và lợi này tất nhiên khiến taxi truyền thống lo lắng, nhất là ở mức cước phí. Hiện nay, Uber vận hành hai mô hình gồm UberBlack và UberX và đều có cước phí thấp hơn taxi truyền thống rất nhiều. Chẳng hạn, cước phí UberBlack là 10.000 đồng/km và UberX là 8.500 đồng/km (tính tại TP.HCM). Mức phí này rẻ hơn cước trung bình 16.500 đồng/km của Vinasun (Công ty Ánh Dương), hãng taxi hàng đầu hiện nay, khoảng gần phân nửa.

Sự lo lắng lên đến đỉnh điểm khi các hãng taxi lớn đồng loạt kiến nghị không cho phép Uber hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay thì Uber vẫn sống khỏe. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, rất khó để can thiệp vấn đề giá của Uber Việt Nam. Trước đó, Uber cho rằng mức giá gợi ý của họ rất gần với cước phí ở một số nước lân cận Việt Nam. Chẳng hạn như  ở Thái Lan là 4.500 đồng/km, Philippines là 5.600 đồng/km, Indonesia là 7.200 đồng/km, Singapore là 10.000 đồng/km...

Và trong khi các hãng taxi còn đang bận phản đối, Uber vẫn đều đều làm móp méo “nồi cơm” của họ.

Về thị phần, khi Uber xuất hiện và kinh doanh thuận lợi, ắt hẳn thị phần các hãng taxi truyền thống bị cắt bớt. Hãy nhìn sự tăng trưởng của Uber mà xem. Năm 2014, doanh thu của Uber được các chuyên gia kinh tế dự đoán trên Business Insider ở khoảng 1,5 -2 tỉ USD. Đây là phần doanh thu Uber thu về cho riêng mình trên tỉ lệ 2-8 so với tài xế. Năm 2015, con số doanh thu được kì vọng thấp nhất ở mức 2 tỉ USD, tính luôn cả thị trường Việt Nam. Như vậy, các hãng taxi hàng đầu như Vinasun hay Mai Linh sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Không chỉ vậy, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của các hãng taxi cũng bị tác động thấy rõ. Trong Đại hội Cổ đông Vinasun hồi tháng 4.2015, chủ tịch Đặng Phước Thành nói họ đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ 3% và lợi nhuận giảm 15%. Nếu so với mức tăng trưởng 20% doanh thu và 40% lợi nhuận của năm 2014 (so với năm 2013), thì mục tiêu năm 2015 cho thấy Vinasun ý thức rất rõ khó khăn sắp tới.

Lãnh đạo Vinasun lý giải, năm 2015 sẽ khó khăn do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, khấu hao doanh thu sẽ tăng khoảng 1% khi công ty tăng số xe mới, chi phí cho nhân viên tăng 15%. Ngoài ra, việc đầu tư thêm công nghệ mới cũng tiêu tốn một khoản tương đối.

Tuy nhiên, các lí do trên có vẻ khó thuyết phục cổ đông khi nhìn vào chiến lược tăng số lượng xe của Vinasun. Những năm Vinasun tăng mạnh số xe mới tương ứng doanh thu cũng tăng theo đáng kể. Như năm 2010 và 2014, số xe Vinasun đều tăng trên 1.200 chiếc. Doanh thu theo đó cũng tăng tương ứng 54% và 20%. Trong năm 2015 này, Vinasun có kế hoạch tăng 1.100 chiếc nhưng doanh thu chỉ dự báo tăng 3%. Là do Vinasun ý thức rõ khó khăn hay muốn tạo bất ngờ cho cổ đông?

Bởi vậy, có thể nói, tác động tiêu cực mà Uber mang đến cho các hãng taxi khác là có thực. Nhưng những “tay chơi” trên sân nhà cũng đang gấp rút đối phó.

 

Taxi “vùng vẫy”

Ngoài những phản ứng nhắm tới kêu gọi cơ quan chức năng thực hiện chế tài với Uber, các hãng taxi cũng nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp cải thiện tình hình gay cấn trước mắt.

Gần đây nhất là hãng taxi Mai Linh đã cho ra phần mềm Mai Linh Taxi-Vietek. Phần mềm này được ứng dụng trên điện thoại thông minh và giúp khách hàng gọi taxi nhanh chóng và thuận tiện. Ông Hồ Huy, Chủ tịch Mai Linh cho hay, việc cho ra ứng dụng này giúp công ty điều hành và quản lý tài xế tốt nhất. Đồng thời, giúp khách hàng và tài xế rút ngắn thời gian trong các khâu gọi xe, thanh toán…

Hiện tại, Vinasun đã cho ra mắt ứng dụng Vinasun App, giúp người tiêu dùng có thể gọi taxi với cước phí dự kiến rẻ hơn. VNS dự kiến sẽ triển khai ứng dụng này tại các thành phố ngoài TP HCM (Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang,…) vào cuối tháng 5/2015, trước khi triển khai đồng bộ ở TP HCM vào tháng 9/2015. Đây có thể ví như một đòn đối đầu trực diện với Uber và ít nhất cho thấy sự năng động của một vị vua trên ngai taxi truyền thống. Bên cạnh đó, Vinasun cũng sẽ đầu tư thêm 1.100 xe mới để tăng độ nhận diện tại TP.HCM.

Vinasun có vẻ quyết tâm củng cố “ngôi vương” trong lĩnh vực taxi khi đầu tư đồng bộ nhiều giải pháp và chịu hao tốn chi phí. Ứng dụng Vinasun app tiêu tốn khoảng 50 tỉ đồng đầu tư thiết bị, cũng như từ 1,5 – 2 tỉ đồng chi phí vận hành mỗi tháng (18 – 24 tỉ mỗi năm). Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến Vinasun buộc giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2015.

 

Cách gì chống lại Uber?  

Đặc điểm chung của các phần mềm trên là có thể chạy trên nhiều loại điện thoại, từ cơ bản đến thông minh. Như vậy, đối tượng khách hàng mà các hãng taxi nhắm đến sẽ rộng hơn khách hạng sang chỉ sử dụng thẻ tín dụng như Uber.

Định hướng của các hãng taxi là vậy. Nhưng nếu xét kĩ về hiệu quả, có thể chưa là giải pháp hay để đối đầu với Uber. Theo ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, những phần mềm mới chưa tạo được tính đột phá về hiệu quả.

Hãy nhìn lại cách mà Uber, cũng như các ứng dụng Grab Taxi hay Easy Taxi hoạt động. Dựa trên tính kết nối tiện lợi và nhanh chóng qua phần mềm, các ứng dụng này giúp tối đa hóa hiệu quả phân bổ xe taxi. Phần mềm của các hãng taxi cũng có thể đạt mục tiêu tương tự. “Nhưng có cần thiết không khi các xe taxi truyền thống đang tràn ngập trên đường?”, ông Dự đặt vấn đề.

Nếu nhìn ở góc độ muốn nâng cao hiệu suất sử dụng xe để giảm chi phí, thì hiệu quả cũng chưa hẳn thuyết phục. Vì Vinasun đang tốn khoản chi phí không nhỏ cho việc duy trì phần mềm này mỗi năm.

Lợi thế của những đối thủ như Uber nằm ở vấn đề chi phí thấp và chất lượng xe hầu như đều tốt. Bởi vậy, theo ông Dự, các hãng taxi nên dành nhiều sự quan tâm để cải thiện 2 vấn đề mấu chốt này.

Với giải pháp tăng số lượng xe mới của Vinasun, có thể đạt hiệu quả tăng sự hiện diện, nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh về chất lượng với các xe tư nhân tham gia Uber. Tuy nhiên, nếu Vinasun tăng số lượng đi kèm đầu tư nâng cao chất lượng xe thì lại khác. Đầu tư một số lượng xe sang dành cho một nhóm khách hàng nhất định cũng không phải ý kiến tồi.

Ngoài ra, để cạnh tranh với Uber, các hãng taxi truyền thống có thể làm giống như Uber. Đó là hợp tác với các tài xế muốn làm thời vụ và chia cho họ hoa hồng cao hơn Uber. Hiện tại, Uber đang thu về 20% và chia cho tài xế phần còn lại. Đến kì đóng thuế, tài xế phải mất thêm 5% doanh thu nữa và chỉ còn 75%. Nếu các hãng taxi truyền thống có thể làm tốt hơn thế tức là họ sẽ thắng. Kế hoạch này có thể tận dụng được ngay phần mềm mà họ mới cho ra đời, như Vinasun app hay Mai Linh Vietek.

Ngoài chất lượng, giá cước cao dường như vẫn là vấn đề khó giải quyết nhất với taxi truyền thống, khi đối đầu với Uber. Vì thế, kiện cáo có thể là một đối sách hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì các hãng vận tải truyền thống phải tính đến chuyện thích nghi và chung sống cùng các ứng dụng kiểu này. Theo đó, giảm chi phí đầu vào, tối ưu hóa hiệu suất sử dụng xe, nâng cao chất lượng dịch vụ… là những thách thức gốc rễ mà các hãng taxi truyền thống cần hoàn thiện, trước khi nghĩ đến chuyện lấn át Uber. Bởi dịch vụ nào có lợi cho người tiêu dùng nhất, sẽ thắng.

 

Yến Nhi

Theo Nhượng Quyền Việt Nam