Kinh doanh nhà nghỉ / khách sạn bình dân

15/09/2014 03:53

Kinh doanh nhà nghỉ / khách sạn bình dân


Thực hiện ý tưởng kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn bình dân cần quan tâm đến những điểm sau:


Giới thiệu chung >

 

Một căn phòng lãng mạn cho hai người trong một ngôi nhà cổ kính với những món đồ cổ lên nước sáng bóng, những bộ đồ gốm sứ tinh khiết và những vật dụng nạm bạc lấp lánh. Một ngọn lửa reo tí tách trong lò sưởi, mùi thơm nồng nàn quyến rũ của cà phê và bánh mỳ nướng bơ từ nhà bếp lan toả trong không khí. Đó là hình dung của hầu hết mọi người khi họ nghĩ đến một B&B và thực tế cũng đúng như thế.

Tuy nhiên B&B không chỉ có một loại mà hết sức đa dạng, từ những khách sạn thuộc thế kỷ trước, những biệt thự cổ, những ngôi nhà nhỏ tách biệt bằng gỗ, những nhà nghỉ được cải tạo từ những kiến trúc lịch sử cho đến những khách sạn hiện đại, những khu nghỉ dưỡng bên bờ biển, trên sông/hồ, trong những trang trại,…

Sự kết hợp của hai thế giới

Vậy B&B là gì? Nói một cách nôm na thì B&B là sự kết hợp giữa khái niệm khách sạn và một tư gia. Một B&B thường chỉ có 4-10 phòng so với 50-100 phòng của một khách sạn tiêu biểu. Chủ của B&B sẽ ở tại B&B luôn và cư xử với người ở trọ thân tình như người nhà chứ không phải như khách qua đường. Tuy nhiên, B&B có những cách chăm chút khách trọ mà những khách sạn hạng sang mới có như hoa quả, bánh trái, sô cô la trong phòng, giỏ đồ tắm cho bồn Jacuzzi,…

Và như đã nói ở trên, B&B thường có bữa sáng kèm trong tiền phòng do chính người của B&B nấu và được phục vụ ở phòng ăn chung hay tại phòng của khách. Đồ uống có thể là trà đá hoặc nước chanh vào mùa hè, cà phê/ca cao và bánh bích quy vào mùa đông.

Chính sự kết hợp hoàn hảo giữa khái niệm khách sạn và tư gia mà B&B ngày càng trở nên phổ biến.

Tỷ lệ lợi nhuận

Dù bạn muốn mở B&B để thoát khỏi vòng quay luẩn quẩn của cuộc sống, để có thêm thu nhập, để tranh thủ ngôi nhà rộng rãi của mình, hay để thoả khát khao được làm ông chủ/bà chủ thì có một điều bạn luôn muốn biết, đó là tỷ lệ lợi nhuận/thua lỗ khi làm B&B và mức thu nhập có thể kỳ vọng đạt được.

Có nhiều thứ ảnh hưởng đến doanh thu dự kiến của bạn, như số phòng, địa điểm, thâm niên hoạt động, cách bạn quảng bá cho B&B, mức độ chăm chỉ của bạn.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng B&B không phải là một ngành có thu nhập cao. Nancy Sandstrom, trước là một giảng viên về kinh doanh B&B còn nay là một chủ nhà trọ có 6 năm thâm niên, khẳng định: “Đây không phải là công việc bạn có thể kiếm được nhiều tiền. Bạn có thể có lãi và phần nào thoả mãn chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, muốn thực sự có lời thì bạn phải buôn bán cơ. Còn đây chỉ là một lựa chọn thiên về sở thích, thói quen”.

Bạn sẽ có thu nhập cao khi số phòng cho thuê nhiều. Nhưng tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Nếu bạn có nhiều phòng, bạn sẽ phải đầu tư nhiều hơn và phải làm việc vất vả hơn.

Một yếu tố quan trọng nữa là tỷ lệ phòng cho thuê/tổng số phòng. Sẽ chẳng có chủ phòng trọ nào dám mơ mình luôn kín phòng trừ khi liên tục có hội thảo hay sự kiện gì đó lớn diễn ra ở khu vực của họ.  

Song, làm B&B cũng không phải là công việc quá tệ. Không phải tất cả B&B đều trống phòng khi trái vụ. Có nhiều thứ bạn có thể làm để thu hút khách chứ không chỉ là tắm biển hay ngắm tuyết rơi. Chẳng hạn như một B&B bên bờ biển có thể tổ chức lễ giáng sinh cho khách vào mùa đông còn những B&B nghỉ dưỡng mùa đông thì có thể đưa ra chương trình dã ngoại khi hè đến để thu hút khách.

 

Chi phí khởi nghiệp >


Không cần biết lợi nhuận tiềm năng của bạn là bao nhiêu, việc trước tiên bạn phải làm là bỏ tiền đầu tư cho đến khi B&B của bạn đi vào hoạt động và có khách. Bạn sẽ cần phải mua chăn ga gối, đệm, khăn tắm mới, phải sắm thêm những vật dụng nhà bếp, bố trí thêm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, xây thêm bể bơi,…

Nói chung là tuỳ theo diện tích và độ cao cấp của B&B mà chi phí đầu tư của bạn sẽ nhiều hay ít. Nếu có ít phòng, bạn sẽ đỡ phải đầu tư nhiều chăn ga gối đệm. Tương tự, nếu tư gia của bạn đã to đẹp thì bạn sẽ không phải đầu tư nhiều tiền như khi mua một toà nhà cả trăm năm tuổi đã đổ nát.

Vì những lý do trên mà việc tính toán chính xác chi phí phải bỏ ra để biến điền sản thành nhà nghỉ là điều không thể. Tuy nhiên, ta vẫn có thể có con số ước chừng cho việc tu bổ và cải tạo. Thông thường, nó sẽ nằm trong khoảng 35.000 - 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) cho một phòng diện tích lớn và sang trọng, khoảng 20.000 - 40.000 USD (khoảng 500 - 800 triệu đồng) cho những nhà nghỉ nhỏ, giá rẻ.

Những khách hàng điển hình

Có nhiều thứ bạn phải nghĩ đến khi muốn biến giấc mơ mở một B&B thành hiện thực. Trước hết, bạn sẽ phải xây dựng một bản kế hoạch hoàn chỉnh dựa trên những ý tưởng của mình, trong đó phải liệt kê những đối tượng khách hàng bạn sẽ hướng đến và cách thức để lôi kéo họ.

Hãy điểm những đối tượng khách hàng điển hình dưới đây và xem bạn có thể thu hút được ai trong số đó. Nếu bạn thu hút được hai hay nhiều hơn thì quá tốt rồi. Còn nếu không, bạn sẽ phải nghĩ ra cách có được ít nhất là một nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu.

•  Du khách: Họ là những người tận dụng những ngày nghỉ của mình để xả hơi. Cách giải trí, thư giãn của họ là tham quan các công viên, bảo tàng, lang thang trên bãi biển, lướt sóng, bơi thuyền, ngắm cảnh và đương nhiên có cả mua sắm. Nếu bạn ở gần bất kỳ điểm tham quan, nghỉ dưỡng đông khách nào thì bạn đã có thị trường lý tưởng của mình. Tuy nhiên, thị trường này có tính mùa vụ rất cao và phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm.

•  Khách du lịch công vụ: Dù là nhân viên kinh doanh hay lãnh đạo các công ty thì nhóm này cũng là đối tượng rất tiềm năng. Số khách công vụ lựa chọn những B&B ấm cúng thay vì những khách sạn thiếu cá tính ngày càng tăng. Nếu bạn ở thành phố thì khách du lịch công vụ sẽ là mảng thị trường tuyệt vời cho bạn. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải ở những trung tâm đông đúc thì mới thu hút được đối tượng khách này. Nhiều khu vực ngoại ô có 1 - 2 doanh nghiệp “khủng” đóng đô cũng có thể có nhiều người đến công tác. Một điểm cộng cho đối tượng khách công vụ này là có quanh năm chứ không mang tính mùa vụ như khách du lịch.

•  Khách gia đình/cặp đôi: Ai cũng thích có những kỳ nghỉ lãng mạn bên người bạn đời của mình và B&B là đại diện cho những gì lãng mạn nhất. Đây là mảng thị trường khá là béo bở.

•  Trường đại học, cao đẳng: Nếu khu vực của bạn có trường đại học/cao đẳng thì khỏi lo về khách trọ, ít nhất là vào một số thời điểm trong năm như thi cử, tốt nghiệp, hội thao,… Đó là chưa kể những sinh viên mới bỡ ngỡ vào trường phải có người tìm giúp chỗ ăn ở, những dịp cuối tuần phụ huynh lên thăm con, những hội thảo mang tính học thuật tổ chức trong trường có nhiều khách từ xa đến tham dự,… Và vì nhiều trường ở những nơi vắng vẻ, xa trung tâm nên nhiều khả năng bạn sẽ ít bị cạnh tranh. Chỉ có điều cần lưu ý là lượng khách lưu trú sẽ mang tính thời vụ rất cao trừ khi bạn có thể bổ sung thêm những nhóm đối tượng khác.  

•  Khách địa phương: Bạn có thể nghĩ rằng những người sống trong cùng khu vực sẽ không cần đến B&B của bạn. Nhưng trên thực tế là những người ấy sẽ có lúc phải tổ chức cưới hỏi, họp mặt gia đình hay những sự kiện mà phải mời khách từ xa đến mà không có chỗ cho họ nghỉ lại. Lúc đó, họ sẽ tìm đến bạn nếu biết bạn có loại phòng phù hợp với nhu cầu của họ.


B&B của bạn có nằm ngoài quy hoạch không?

Ngoài giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp, bạn sẽ cần phải có giấy phép riêng cho lĩnh vực nhà nghỉ của mình. Mức phí thường không đáng kể và thủ tục giấy tờ cũng đơn giản trừ phi B&B của bạn nằm ngoài quy hoạch của thành phố hay không đúng với chủ trương/quy định hiện hành. Một số nơi thì cho rằng B&B chỉ là những nhà trọ bình dân thuộc loại hình kinh doanh hộ gia đình nên không cần phải quản lý quá gắt gao trong khi một số khác lại liệt nó vào hoạt động thương mại có quy mô. Nhìn chung, những ai không hiểu rõ khái niệm B&B sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định.

Ngoài quy hoạch, một số địa phương sẽ có những quy định riêng khác. Một số nơi giới hạn thời gian lưu trú của khách - phổ biến là trong vòng 7 hoặc 14 ngày - để phân biệt khách vãng lai với những trường hợp cư trú lâu dài. Một số thì hạn chế số phòng cho thuê, một số khác thì không cho phép khách nấu nướng trong phòng,…  

Nếu B&B của bạn nằm ở khu vực thương mại sầm uất, việc xin giấy phép có thể sẽ rất dễ dàng. Còn nếu nằm trong khu vực không được quy hoạch để xây nhà nghỉ/khách sạn, bạn sẽ phải xin giấy phép cho hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải giải trình với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động kinh doanh của mình và tại sao nó lại không ảnh hưởng đến cảnh quan chung cũng như đời sống của người dân địa phương. Nếu nằm trong quy hoạch và đã có nhiều B&B đang hoạt động ở địa phương, nhiều khả năng bạn sẽ không gặp trở ngại nào. Còn nếu là người đầu tiên mở B&B, có thể bạn sẽ cần phải nói thêm là B&B của mình sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn như thế nào.

Song song với quy hoạch là những vấn đề về biển hiệu và bãi đỗ xe. Hầu hết các địa phương đều sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải dành một phần diện tích tương ứng với số phòng để làm chỗ để xe cho khách và nhân viên. Tùy nơi mà bạn có thể “né” quy định này bằng cách nói rằng khách của mình có thể gửi xe ở những điểm trông xe gần đó hoặc chỉ đỗ xe trên vỉa hè ngoài giờ cao điểm.

Về phần biển hiệu, có thể bạn sẽ không được treo biển chính thức nếu bạn ở khu dân cư. Nếu bạn nằm trong khu vực homestay (nhà dân) hoặc không cần đến khách vãng lai thì quy định này sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một B&B đàng hoàng và bắt mắt người qua đường, bạn sẽ rất khó làm mọi người biết đến mình khi không có biển hiệu.

Ngoài ra, quy định về kích cỡ, khoảng cách, vị trí đặt biển hiệu ở một số nơi cũng khá lằng nhằng. Do đó, bạn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi làm biển hiệu cho B&B của mình.
 

Tính giá phòng >


Mức giá phòng mà bạn đưa ra sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố sau:

• Tiện nghi nội thất: Bạn có thể có những tiện nghi xa xỉ như bể sục, lò sưởi, giường king-size, ban công riêng biệt, bể bơi chung,…

•  Địa điểm: Một B&B nằm ở khuất sau những lối nhỏ ít du khách lui tới chắc chắn sẽ không thể có giá cao như một nhà nghỉ cùng loại  ở những điểm tham quan nổi tiếng. Ngay cùng trong một khu vực, nhà nghỉ nào nằm sát bãi biển thường sẽ dễ dàng tính tiền phòng cao hơn những nhà nghỉ cách đó 1 cây số hay chỉ cách có 2 khu nhà. Tương tự, một nhà nghỉ nằm trong lòng khu phố cổ bao giờ cũng đắt hơn nhà nghỉ nằm dọc đường quốc lộ.

• Mức giá chung của khu vực bạn sống: Dù B&B của bạn có tiện nghi thế nào và có nằm ở địa điểm đắt giá đến đâu thì tiền phòng của bạn vẫn phải phù hợp với mức chung của thị trường. Nếu bạn thu quá cao, bạn sẽ mất khách còn nếu quá thấp, bạn sẽ bị lỗ.

Vậy bạn phải bắt đầu từ đâu? Hãy quay lại nghiên cứu khách hàng lúc đầu của bạn và xem những B&B trong khu vực của bạn tính giá phòng bao nhiêu, cả khách sạn hạng sang lẫn nhà nghỉ bình dân. Tiếp theo, hãy đánh giá xem mình đứng ở vị trí nào trong đó. Nếu chỉ là một nhà nghỉ đơn giản thì có thể bạn sẽ đưa giá ngang bằng với những B&B trung cấp. Còn nếu bạn có những tiện nghi cao cấp và không gian sang trọng, bạn có thể tính tiền phòng tương đương như những khách sạn xa xỉ.

Bạn cũng cần lưu ý rằng tiền phòng có thể dao động theo mùa vụ. Đa phần các khách sạn, từ cao cấp nhất cho đến bình dân nhất có mức giá khác nhau cho từng thời điểm, nhất là ở những khu nghỉ mát.

Ngoài ra, tiền phòng có thể lên xuống theo các ngày trong tuần. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn đưa ra chính sách giảm giá vào những ngày giữa tuần vắng khách. Đây là chiến thuật thông minh để lôi kéo khách, nhất là khi khu vực của bạn chỉ đông người đến nghỉ vào những ngày cuối tuần. Chiêu giảm giá phòng cho khách ở dài ngày cũng sẽ khuyến khích nhiều khách đến với bạn để nghỉ ngơi, an dưỡng thay vì du lịch ngắn ngày.
 

Thuê nhân viên >


Khi nào thì bạn phải thuê nhân viên? Điều này sẽ phụ thuộc vào sức “chiến đấu” của bạn, quy mô của nhà nghỉ và số khách lưu trú. Nhưng chính xác là bao giờ? Theo Pat Hardy thuộc Hiệp hội Những Người kinh doanh Khách sạn thì có thể ngay ngày đầu bạn đã phải thuê người vì “dù bạn có ít phòng đến đâu, bạn cũng không nên tự dọn phòng vì nếu bạn làm việc đó, bạn sẽ không có thời gian marketing, giao lưu với khách và nguy cơ làm ăn sa sút, thất bát sẽ hiển hiện".

Theo Hardy, mọi người nên có một chút du di, linh động trong kế hoạch kinh doanh của mình, chẳng hạn có một người có thể tạm thời trông nom công việc khi bạn đi vắng hoặc một người làm công việc dọn dẹp vào cuối tuần. “Bạn không thể ở B&B của mình 24/7. Nếu làm thế, bạn sẽ không thể nào có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức”.  

Khoảng 30-40% chủ các nhà nghỉ hiện nay không sử dụng nhân viên. Tuy nhiên, kiểu “độc diễn” như thế chỉ phù hợp với những mô hình kinh doanh nhỏ còn nếu có từ 5-6 phòng trở nên, chắc chắn bạn phải tuyển thêm người.

Việc đầu tiên mà bạn muốn có người làm giúp là dọn phòng. Tuy nhiên, ngoài nhân viên dọn phòng, có thể bạn sẽ muốn có thêm người làm sổ sách giấy tờ, đầu bếp làm bữa sáng,…

Nếu không muốn phải tuyển nhân viên cho từng hạng mục công việc, bạn có thể kiếm một trợ lý “đa zi năng” như Bruce và Judy Albert ở Seaside, Florida đã làm. "Người mà chúng tôi tuyển thường khá đa tài, biết nhiều việc, từ rửa bát đĩa, nấu ăn sáng, dọn phòng, trả lời điện thoại, nhận đặt phòng của khách cho đến làm vườn, đón và tiễn khách. Tuy nhiên, để kiêm nhiều việc như thế thì phải là người rất đặc biệt chứ không phải ai cũng làm được”.

 


(Dịch từ Entrpreneur)