Kinh doanh Bar/Club

10/09/2014 07:35

Kinh doanh Bar/Club


Thực hiện ý tưởng mở quán bar/club cần quan tâm đến những điểm sau:


Giới thiệu chung >

bar, club

Bạn bè, tiếng cười đùa, những lời chúc tụng, những giây phút thư giãn - vui vẻ! Đây là những thứ có thể sẽ xuất hiện trong tâm trí của bạn khi bạn nghĩ đến việc sở hữu một quán bar của riêng mình, một nơi đầy ắp tiếng nói cười, ngập tràn những giai điệu du dương và cả những con người biết tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn định mở một quán bar thể thao, bạn có thể mường tượng đến những trận đấu hay trên những chiếc tivi màn hình cỡ lớn và những tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt. Có vẻ như sở hữu một quán bar là ý tưởng kinh doanh hoàn hảo cho nhiều doanh nhân tương lai. Nhưng liệu có phải mọi thứ lúc nào cũng là màu hồng?

Sự thật không phải ai cũng biết

Sở hữu một quán bar/club đồng nghĩa với việc bạn phải làm việc không kể giờ giấc, phải hy sinh thứ 7, chủ nhật cũng như các ngày nghỉ lễ, phải luôn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, và đôi khi gặp phải những vị khách đáng ghét. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm, chịu khó tìm hiểu, học hỏi và nắm rõ việc mình làm, bạn hoàn toàn toàn có thể gặt hái nhiều thành công và lợi nhuận từ quán bar/club của mình.

Bạn phải lường trước điều gì?

Những quán bar thành công có thể sinh lời trong vòng 6 tháng kể từ khi thành lập và có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu trong 3-5 năm. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, những người mới bước vào nghề bar không dễ dàng thành công. Tại sao vậy? Nguyên nhân đầu tiên là họ không đủ tiềm lực tài chính để duy trì công việc kinh doanh. Thứ nữa là họ thiếu những kiến thức nhất định về ngành nghề này.

Từ góc độ cá nhân, bạn hãy tự đánh giá xem mình có phải là tuýp người để sở hữu và điều hành một quán bar hay không. Dĩ nhiên, bạn có thể thuê người điều hành giúp bạn nhưng nếu thế, bạn liệu có chắc rằng người mà bạn thuê có đáng tin cậy hay không. Và dù muốn hay không, thời điểm ban đầu có thể bạn vẫn sẽ phải tham gia rất nhiều vào công việc này cùng với người quản lý đó. Vì thế, nếu bạn là người chỉ thích làm công việc giấy tờ, sổ sách, văn phòng và không muốn phải giao tiếp nhiều với mọi người thì có lẽ công việc này không hợp với bạn. Muốn làm được, bạn phải là người biết chuyện trò xã giao, biết làm thân với khách hàng, dù đôi khi chỉ để nói một câu ‘xin chào’ với họ.

Một điều nữa bạn phải cân nhắc là thời gian bạn sẽ phải hy sinh cho công việc. Nếu bạn là người thích ngủ sớm, dậy sớm, có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi phải làm việc đến 3-4 giờ sáng ở quán bar của mình. Nếu bạn có gia đình, công việc của bạn có thể ảnh hưởng đến cả họ nữa bởi nhiều lúc bạn phải đến quán bar khi họ chưa dậy và về nhà khi mọi người đã đi ngủ. Điều này bạn phải bàn bạc và thống nhất với những người trong gia đình mình. Ngày cả khi bạn có nhân viên và người điều hành riêng thì cũng phải mất 6 tháng để mọi việc đi vào đúng quỹ đạo của nó. Nếu vì thế mà bạn và mọi người trong gia đình bạn bị ảnh hưởng thì có lẽ bạn nên cân nhắc lại xem có nên mở một quán bar hay không.

Nếu tất cả những gì nói ở trên chưa đủ làm bạn thoái chí thì tức là bạn có tố chất để bước vào thế giới sôi động của nghề kinh doanh bar. Hãy đọc tiếp nhé!
 

Các loại hình quán bar >

Quán bar nào dành cho bạn?

Trước khi tìm hiểu ngọn ngành lĩnh vực kinh doanh bar, bạn phải xác định thật rõ mình muốn sở hữu loại quán bar nào. Muốn thế, chúng ta hãy cùng điểm qua một loạt các hình thức kinh doanh bar  - từ quy mô nhỏ cho đến quy mô lớn – và xem loại nào phù hợp với bạn.  

    Quán bar ‘bình dân’: Về định nghĩa, có thể hiểu một quán bar ‘bình dân’ giống như một quán rượu. Nếu sở hữu loại quán này, bạn sẽ có đa số khách hàng là khách quen, quen đến mức bạn có thể nhận tin nhắn cho họ hoặc cho họ thiếu nợ. Chính không khí thân tình, ấm áp là chìa khóa thành công của của những quán bar bình dân. Tùy theo đối tượng khách hàng mà những quán bar này có thể mở cửa rất sớm (6h sáng) và đóng cửa cũng sớm hơn các loại quán bar khác. Tại quán bar bình dân, bạn có thể đặt một số máy chơi video game, bàn bida, bảng phóng phi tiêu…để khách hàng tiêu khiển.

•    Quán bar thể thao: Tùy thuộc vào khả năng tài chính mà người chủ có thể xây dựng một quán bar thể thao dưới hình thức quán rượu/bia, hoặc có thể biến nó thành cả một câu lạc bộ. Có thể ý định của bạn là mở ra loại thứ hai nhưng các nguồn thông tin lại thiên về ủng hộ loại hình thứ nhất. Điều quan trọng là bạn phải nghiên cứu, tìm hiểu cho thật kỹ trước khi quyết định!

Nhìn chung, các quán bar thể thao cũng có phục vụ đồ ăn nhanh kiểu như bánh mỳ kẹp, hamburger, pizza, và các món khai vị. Vì phục vụ đối tượng là những người thích xem thể thao nên các quán bar này sẽ phải có tivi màn hình rộng bố trí đúng tầm nhìn của khách, hoặc treo trước tất cả các chỗ ngồi và nếu cần thiết, mỗi ti vi sẽ chiếu một kênh khác nhau. Công nghệ âm thanh, hình ảnh cũng có vai trò đặc biệt quan trọng tại những quán bar này và đôi khi chúng ngốn khá nhiều tiền của những chủ quán nào muốn theo kịp thời đại – từ vệ tinh cho đến ti vi màn hình khủng. Cũng như những quán bar bình dân, chi phí và doanh thu của những quán bar thể thao chênh lệch nhau rất lớn tùy theo vị trí, quy mô và thiết kế.  

•    Quán bia: Nhiều nghiên cứu cho thấy tuy con người người uống bia rượu ít đi nhưng vị giác của họ lại trở nên tinh tế hơn. Chính vì thế, các quán bia ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí có những quán bia có cả hầm ủ bia riêng và chỉ phục vụ loại bia mà họ làm ra. Còn những quán thông thường, bia sẽ được nhập từ nhiều nguồn để khách có nhiều sự lựa chọn. Việc xin giấy phép cho một quán bia hay một nhà ủ bia cũng dễ dàng hơn là cho một quán bar với đủ mọi đồ uống có cồn.

Hầu hết các quán bia chỉ bán bia từ vòi (bia tươi) và có không nhiều các loại bia chai, bia lon. Nếu bạn định mở một quán bia có hầm ủ, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được chất lượng và số lượng sản phẩm. Chi phí để mở quán bia như thế tương đối cao, vì còn phải đầu tư các thiết bị ủ. Quán bia có hầm ủ sẽ là mô hình rất thành công nếu làm ra được loại bia ngon, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Các quán bia thông thường sẽ đòi hỏi vốn đầu tư thấp hơn và chi phí xin cấp phép cũng không tốn kém bằng. Khả năng sinh lời của quán cũng phụ thuộc vào vị trí địa lý và xu hướng ăn nhậu của người dân nơi đó.

•    Quán bar đặc biệt: Là quán chuyên kinh doanh một loại rượu – từ rượu vang cho đến các loại martini - hoặc đi theo một chủ để - kiểu quán bar xì gà (phục vụ khách hút xì gà) đang ngày càng trở nên phổ biến. Chuyên một loại rượu nhưng không có nghĩa là đồ uống trong quán không phong phú. Riêng martini cũng có vô số loại, từ martini truyền thống cho đến martini pha trộn với vodka và gin, martini táo chua … Còn với vang thì khỏi nói, độ đa dạng của loại rượu này thì đến martini cũng phải kính nể. Với nhiều người, vang không chỉ là điểm nhấn cho những bữa tiệc mà còn là thứ đồ uống yêu thích hàng ngày. Đặc biệt, vang được phái đẹp lựa chọn nhiều hơn bất kỳ loại đồ uống có cồn nào. Những quán bar chuyên về vang là nơi thực khách có thể nếm đủ mọi loại rượu vang và tìm hiểu về hương vị của từng loại.

Các quán bar đặc biệt thường có quy mô nhỏ và khá là ấm cúng. Chúng thường nằm ở những khu dân cư cao cấp, sành điệu và bạn có thể dễ dàng hình dung chi phí để mở những quán bar như thế chủ yếu phụ thuộc vào vị trí và loại đồ uống bạn cung cấp.

•    Câu lạc bộ/hộp đêm: Giống như quán bar bình dân, các câu lạc bộ/hộp đêm cũng có nhiều quy mô, kích cỡ. Bạn có thể mở một quán cocktail nhỏ với một chiếc piano hay máy hát tự động ở góc phòng. Một câu lạc bộ cỡ trung thường sẽ giống như một quán bar vào ban ngày và ban đêm sẽ có thêm ban nhạc biểu diễn. Nếu nhiều tiền hơn nữa, bạn có thể mở một cả một vũ trường với những vị khách tay chơi và cả những nhân vật nổi tiếng thường xuyên ghé thăm.  

Dù bạn chọn loại câu lạc bộ hay hộp đêm nào, hãy chuẩn bị tinh thần để dành nhiều thời gian và tiền bạc để chăm sóc, quảng bá cho quán mình. Kinh doanh câu lạc bộ/hộp đêm có thể trở thành nghề hái ra tiền nếu bạn biết cách quản lý cho tốt. Những câu lạc bộ/hộp đêm ăn nên làm ra thường nằm ở những thành phố lớn với dân số trên 500.000 người. Nếu bạn ở vùng ven đô hay một thị trấn nhỏ, bạn sẽ khó mà có nhiều khách để mở một vũ trường lớn. Vì thế, điều quan trọng mà bạn phải làm là tìm hiểu cho thật kỹ.
 

Chi phí >

Tính toán chi phí

chi phí

Như đã nói ở trên, mở một quán bar/hộp đêm có thể sẽ rất tốn kém. Chi phí mở một quán bar phụ thuộc nhiều vào quy mô, vị trí, thị trường mục tiêu, loại hình và thiết kế quán. Vì thế, ở đây chúng tôi không đưa ra con số cụ thể nào về chi phí bạn phải bỏ ra để mở một quán bar.

Thông thường, để mở một quán bar, bạn cần tính toán chi phí với các hạng mục sau đây:

•    Tiền thuê địa điểm (bao gồm tiền đặt cọc và tiền trả trước mỗi tháng)
•    Tiền cải tạo (lắp đặt điều hòa/máy sưởi, đi lại đường điện, đường ống nước, sơn, vẽ tường, đóng tủ, quầy, làm biển hiệu, nâng cấp sàn, lắp thiết bị báo cháy)
•    Thiết bị/dụng cụ
•    Giấy phép/giấy chứng nhận
•    Vật tư đầu vào
•    Tiền điện thoại/các khoản tiền dịch vụ trả trước (gas chẳng hạn)
•    Tiền lương nhân viên
•    Chi phí khai trương, tiếp thị
•    Chi phí cho các dịch vụ pháp lý
•    Chi phí kế toán
•    Chi phí bảo hiểm
•    Các chi phí khác (chiếm khoảng 10%)

 

Lập kế hoạch >

Lập kế hoạch

Nếu nói quán bar hoạt động theo kiểu ‘tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ’ thì cũng đúng bởi quán cứ phải mở cửa thì mới đắt khách. Sẽ phải có người thường xuyên túc trực khi quán mở cửa và người trông nom khi hết giờ để đề phòng kẻ trộm đột nhập.

Nhiều người ví điều hành một quán bar giống như nuôi dưỡng một đứa trẻ. Có một quán bar hoạt động trơn tru và có lời cũng không khác gì có một đứa trẻ luôn ngoan ngoãn, nhanh nhẹn và khoẻ mạnh. Nhưng cũng đừng lo nếu bạn gặp phải những sóng gió trong việc kinh doanh bởi đó là những bài học kinh nghiệm tuyệt vời nhất. Cũng giống như việc dạy dỗ trẻ, để thành công bạn phải biết quan tâm và nghiêm khắc chứ đừng cứng nhắc trách móc hay đổ lỗi.

Con đường đến với thành công

Cơ sở để vận hành quán bar là hệ thống quản lý đồ ăn và đồ uống. Hệ thống đó sẽ cho bạn biết khách hàng gọi bao nhiêu từ bồi bàn/người phục vụ, và người phục vụ/bồi bàn đó lấy ra bao nhiêu từ kho của bạn. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn nắm được loại đồ uống/đồ ăn nào quán bán chạy nhất. Hệ thống quản lý này như thế nào sẽ phụ thuộc vào loại hình và quy mô quán bar mà bạn đang sở hữu.

Ở hầu hết các quán bar, người phục vụ/bồi bàn là những người trực tiếp thu tiền của khách. Thu ngân hay nhân viên giao hàng cũng có thể làm nhiệm vụ thanh toán. Lý do bạn nên có một hệ thống sổ sách, kế toán là để nắm được doanh số bán hàng và mức độ hiệu quả công việc của nhân viên. Ngoài ra, bạn cũng phải để ý những kẽ hở trong hệ thống kiểm kê, tính toán của mình nếu không bạn sẽ rất dễ bị thất thoát vào tay phục vụ, bồi bàn và các nhân viên khác. Không ai nghĩ người làm cho mình là kẻ trộm. Ngay cả những người lấy cắp khi có cơ hội cũng không cho mình là kẻ trộm cắp và vì thế họ không tỏ ra bất kỳ dấu hiệu gì của một kẻ tắt mắt cho bạn thấy.

Nếu bạn áp dụng chế độ ‘tiền trao, cháo múc” hay thu tiền tại bàn, theo đó người phục vụ sẽ lấy đồ mang cho khách rồi thu tiền luôn, bạn có thể gặp những trường hợp người phục vụ “quên không ghi lại” món đồ uống đã lấy cũng như một số đồ được “cho không” khách hàng. Đây là “tệ nạn” thường xảy ra với cách thu tiền tại bàn. Nhưng điều này sẽ khó có cơ hội phát sinh nếu bạn kiểm soát được lượng hàng bạn đang có và biết khi nào hàng bị thất thoát quá nhiều; hoặc khi người phục vụ của bạn đồng thời là người tham gia quản lý và có quyền được ăn chia lợi nhuận của quán.

 

Chọn địa điểm >

địa điểm

Địa điểm bạn chọn sẽ tuỳ thuộc vào đối tượng khách hàng mà bạn muốn nhắm đến, nhu cầu của cộng đồng dân cư khu vực đó và diện mạo tương lai của quán. Tiếp đến, bạn cũng cần xác định xem mình nên mua cả địa điểm đó hay chỉ thuê. Điều này sẽ tuỳ thuộc vào túi tiền của bạn. Sau cùng, bạn phải kết hợp được ý tưởng quán bar với địa điểm và tên của bạn một cách thiết thực nhất.

Những chuyên gia trong ngành bar thường có ý kiến trái chiều về địa điểm một quán bar. Nhiều người đặc biệt coi trọng nó trong khi những người khác lại thấy bình thường. Tất cả phụ thuộc vào thế mạnh của người chủ quán và diện mạo mong muốn của quán. Nếu bạn muốn quán bar của mình hút khách lạ qua đường, bạn nhất định phải tìm địa điểm nào gần nơi giao thông đông đúc. Nếu bạn chỉ muốn chi tiền cho nơi nào rẻ hơn và tự tạo ra nét đặc trưng riêng cho quán của mình, lấy đó làm tiêu chí để thu hút khách hàng thì có lẽ địa điểm không phải là mối quan tâm hàng đầu của bạn.

Khi chọn lựa địa điểm, bạn nên cân nhắc cả những yếu tố như nơi đỗ xe, sự thuận tiện, an toàn và thậm chí phải tìm hiểu cả lịch sử của nơi mình định ‘đóng đô’.

Biến quán bar của mình thành tâm điểm

Để biến quán bar của mình thành tâm điểm, bạn phải đặt nó vào đúng vị trí, không chỉ là vị trí địa lý (phố thị hay ven đô) mà còn là vị trí trong lòng khách hàng. Để làm thế, bạn phải tính toán xem liệu quán bar của mình có tiện trên đường khách hàng đi làm về không hay liệu nó có đáng để khách hàng ghé thăm?

Michael O'Harro, thành viên của Hiệp hội Quản lý Bar và Restaurant của Mỹ, cho biết anh đã từng biến nơi đặt quán bar của mình từ một chỗ không ai muốn đến trở thành một nơi sầm uất nhất. “Quán bar của tôi nằm trên một con hẻm rộng khoảng 4,5 m và cách phố chính khoảng 40 m. Không ai muốn chui vào cái hẻm đó vì nó vắng và có cảm giác thiếu an toàn. Vì thế khu nhà trong hẻm bị bỏ không hoàn toàn suốt 50 năm cho đến khi tôi thuê làm quán bar với giá 500 USD/tháng. Trong khi đó, ngay ở đầu hẻm cũng có một quán bar nhưng giá thuê địa điểm lên tới 20.000 USD. Như vậy, tính ra tôi có tới 19.500 USD dư dôi mỗi tháng để quảng bá, tiếp thị cho quán của mình. Vì thế tôi quyết định trang hoàng cho con hẻm thật sang trọng, bắt mắt. Dọc con hẻm, tôi trải một thảm cỏ nhân tạo mua từ một sân bóng, rồi làm biển hiệu, băng rôn và đèn treo rực rỡ.  Và đột nhiên, con hẻm trở thành khu vực ‘hot’ nhất trên phố dù trước kia chẳng ai biết đến nó”.

Có những người tìm được địa điểm đẹp nhưng chưa chắc đã thành công. Giả sử bạn may mắn mở được một quán bar thể thao ngay bên ngoài một nhà thi đấu thể thao và cơ hội hái ra tiền là trong tầm tay, nhất là khi vào mùa thi đấu. Tuy nhiên, do bị thất thoát vào tay nhân viên cộng với dịch vụ kém chất lượng và khả năng quản lý không tốt, bạn sẽ nhanh chóng bị thua lỗ đến mức phải đóng cửa. Rõ ràng địa điểm đóng vai trò tối quan trọng nhưng không phải là tất cả.
 

Đặt tên quán >

đặt tên quán


Khi bàn đến việc đặt tên quán bar, những chuyên gia trong ngành sẽ thường rơi vào hai trường phái. Trường phái thứ nhất cho rằng quán là biểu trưng cho tình yêu, niềm mơ ước và sự cố gắng của họ nên họ sẽ đặt tên nào mà họ thích. Trường phái thứ hai lại nói cách tốt nhất để quảng bá cho quán là đặt tên nó theo một biệt danh nào đó. Rõ ràng, một quán mang tên “Quán rượu của Bill” sẽ không gây chú ý nhiều lắm. Nhưng với cái tên “The Haystack, Romp and 3rd & Vine” (Tạm dịch: Rơm rạ xôn xang & Vang phố 3rd) sẽ lập tức khiến khách hàng liên tưởng đến một quán bar độc đáo, sôi động nằm ở khu phố 3rd.

O'Harro khuyên những người mở quán bar nên đặt tên cho quán theo đúng bản chất. “Việc đầu tiên tôi làm là tìm ra bản chất của quán mình là quán bar thể thao, quán disco, quán mạnh mẽ, đầy sức sống hay nhẹ nhàng, trầm tư,… Rồi tưởng tượng sau này quán sẽ ra sao. Từ đó mới bắt đầu nghĩ ra tên phù hợp với quán nhất”.

Có thể bạn sẽ nghĩ ra nhiều tên, nhưng nếu bạn không thích ít nhất là 3 tên trong số đó thì hãy nghĩ tiếp. Trong lúc suy nghĩ, hãy lưu ý ba điều sau:

1.    Tên đó thể hiện bản chất của quán tới đâu?
2.    Tên đó sẽ thu hút nhóm khách hàng nào?
3.    Tên đó để lại ấn tượng gì?
 
Sau khi nghĩ ra tên, bạn sẽ phải lên kế hoạch thu hút khách hàng đến với quán và giữ chân họ. Bạn phải thực hiện công việc quảng cáo, tiếp thị một cách liên tục và đều đặn, giống như mở cửa đón khách hàng ngày. Với nhiều chủ quán, quảng cáo, tiếp thị là phần việc thú vị nhất của kinh doanh bar. Làm cho khách hàng phải truyền tai nhau về quán và tung ra những đợt khuyến mại đặc biệt là cách quảng cáo, tiếp thị hiệu quả nhất. Với việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, nhiều doanh nhân mà chúng tôi phỏng vấn khẳng định rằng chi phí bỏ ra thì cao nhưng hiệu quả ít được như mong muốn.  

"Cách quảng cáo hiệu quả mà ít tốn kém nhất cho một quán bar là truyền miệng. Nếu bạn không làm được khách hàng rỉ tai cho nhau về quán của mình thì bạn đang trong tình trạng thực sự nguy cấp. Tất nhiên, vẫn còn có nhiều cách không quá tốn kém để quảng cáo cho quán nhưng nếu lúc nào bạn cũng phải móc hầu bao thanh toán thì quả thật là không hay chút nào”.

"Quảng cáo truyền miệng chẳng lấy đi của bạn đồng nào nhưng hiệu quả cực kỳ ghê gớm. Nó đồng nghĩa việc việc quán bar của bạn đang rất ổn, khách hàng không ngớt lời khen ngợi và giới thiệu cho bạn bè của họ, còn nhân viên của bạn cũng không có gì phải kêu ca, phàn nàn. Được như thế thì còn gì bằng!”

Nhưng làm cách nào để khách hàng truyền miệng, rỉ tai nhau về quán của bạn? Hãy thử tham gia vào các sự kiện cộng đồng hay làm từ thiện để gây chú ý. Hãy thử gửi mail quảng cáo và thông tin tuần cho các khách hàng thân quen, xây dựng website, và vận dụng mọi kỹ năng tiếp thị sáng tạo mà bạn nghĩ ra.

Một cách rất hay nữa để quảng cáo cho quán bar của bạn là tổ chức những sự kiện đặc biệt mang tính nội bộ. Nếu bạn đã tạo ra được nét đặc trưng cho quán bar của mình thì tổ chức những sự kiện kiểu này dễ như trở bàn tay. Chẳng hạn như R.C. Colvin, chủ một quán bar bình dân ở Niles, rất thích chơi bida và đó cũng là lý do anh tham gia kinh doanh bar. Anh cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi tổ chức vài giải đấu bida và mọi người từ khắp nơi lũ lượt đổ về. Ngoài ra, chúng tôi cũng có khoảng 2-3 chuyến dạo lòng vòng trên xe cỏ mỗi năm mua vui cho khách hàng và họ tỏ ra rất thích thú”.
 

Tổ chức các sự kiện quảng bá >

tổ chức sự kiện

Khi đã xác định được loại sự kiện mà bạn sẽ tổ chức, bạn phải bắt tay vào triển khai ngay. Với quán bar đã mở được một thời gian, bạn sẽ biết được những đêm nào vắng khách và cần tổ chức thêm gì đó cho xôm tụ. Thông thường, vào thứ sáu, thứ bẩy, các quán bar thường đông hơn ngày thường. Ngày thứ 5 cũng tương đối nhiều khách dù không bằng thứ sáu, thứ bảy. Do đó, còn lại ngày thứ hai hoặc thứ 3 là những ngày bạn cần khuấy động không khí. Hãy chọn một trong hai ngày đó và đều đặn tổ chức khuyến mại cho đến khi có đông khách thì hãy chuyển sang tổ chức khuyến mại vào một ngày khác. Tất nhiên, bạn vẫn phải có những chương trình quảng cáo, khuyến mại riêng vào những ngày lễ tết.  

Dưới đây là một số lưu ý khi bạn tổ chức sự kiện, khuyến mại:

  • Chuẩn bị: Hãy lên kế hoạch chi tiêu. Nếu chương trình khuyến mại của bạn kéo dài hơn 1 ngày, hãy tính toán ngân sách cho cả quãng thời gian đó và đặt ra mục tiêu doanh thu gấp ba lần chi phí bỏ ra hoặc hơn.
  • Lên chương trình: Hãy lên lịch ít nhất là tám tuần trước khi chương trình diễn ra. Tùy thuộc vào quy mô của chương trình mà bạn có thể tiến hành quảng bá ngay từ thời điểm này. Khi giới thiệu chương trình, đừng đề cập đến ngày kết thúc vì nếu chương trình không đạt được kết quả như mong muốn, bạn có thể rút ngắn thời gian tổ chức lại hoặc nếu nó thành công ngoài sức tưởng tượng, bạn có thể kéo dài nó ra.
  • Duy trì không khí sôi động: Khi chương trình khuyến mại diễn ra, đừng làm gì gây mất bầu không khí. Chẳng hạn nếu phải trao giải hay tuyên bố điều gì, hãy giảm bớt volume nhạc chứ đừng tắt đi. Trường hợp bạn buộc phải tắt nhạc, đừng để không khí im lặng quá 10 phút. Nếu không, khách hàng sẽ mất kiên nhẫn và bỏ đi.
  • Tiệc tùng thâu đêm: Bố trí xen kẽ các mục trao giải, giảm giá, thi thố và biểu diễn sao cho chương trình của bạn có thể kéo dài đến hết đêm. Nếu bạn có ý định trao một giải gì đó đáng giá hay một phần kết thúc ấn tượng, hãy đợi đến lúc muộn nhất hãy làm, như thế khách sẽ muốn ở lại lâu hơn.

Quảng bá cho quán bar của bạn có thể là công việc vô cùng thú vị và sáng tạo nhưng nhớ xin phản hồi của khách hàng, nhân viên trong và sau khi thực hiện chương trình. Ngoài ra, hãy kiểm kê chi tiết doanh số bán vì thế nào bạn cũng thu được nhiều thông tin hay mà bạn muốn biết.

 

Theo học làm giàu