Khi thương hiệu muốn bỏ tên ra khỏi logo
08/08/2014 04:43
Những thương hiệu lớn đều bắt đầu từ những mẫu logo đơn giản và chúng dần được hoàn thiện theo năm tháng để trở thành những biểu tượng có giá trị hàng tỷ đôla như hiện nay.
Như chúng ta thấy Nike chỉ còn là dấy phẩy, Apple chỉ còn là quả táo cắn dở, Starbucks chỉ còn là nàng tiên cá, Lacoste chỉ còn là hình ảnh chú cá sấu hay Mercedes từ năm 1926 đã bỏ tên thương hiệu đi mà chỉ để lại hình ảnh là 3 ngôi sao nằm trong vòng tròn khép kín.
Rồi Pepsi, Audi, Unilever, Shell, BP, Mcdonald, Playboy, ... rất nhiều thương hiệu lớn đã bỏ tên đi và chỉ giữ lại phần biểu tượng.
Vậy điều gì đã khiến những thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới này, sau một thời gian dài tốn không biết bao nhiêu tiền của, trí tuệ và cả sự đam mê nữa cốt chỉ để cho cả thế giới biết và đọc được đúng tên, nhận diện được đúng thương hiệu của mình, và rồi lại bỏ đi cái tên gắn bó trong biểu tượng đó. Phải chăng, phần chữ này không còn cần thiết, chúng quá thừa cho một thương hiệu quá lớn chăng?
Năm 2011 Starbucks đã chính thức bỏ tên Starbucks Coffee ra khỏi logo của mình sau 40 năm sử dụng.
Khi Starbucks thôi không dùng tên Starbucks Coffee trong logo nữa mà chỉ còn lại là nàng tiên cá màu xanh lá cây thôi thì Starbucks đã trở nên linh hoạt hơn rất nhiều. Starbuck lý giải rằng không muốn đơn thuẩn là chỉ kinh doanh Cà phê nữa họ muốn mở rộng sang những lĩnh vực mới bên ngoài cà phê.
Việc định vị thương hiệu Starbucks trong giai đoạn mới cũng đồng nghĩa với việc thay đổi trên mẫu biểu tượng của Starbucks. Việc Starbucks bỏ tên của mình ra khỏi logo cũng không còn là yếu tố quá quan trọng nữa, thực tế đã chứng minh rằng, giữ lại nàng tiên cá cùng màu xanh lá cây vốn dĩ đã quá quen thuộc với người tiêu dùng rồi và thậm chí có khi còn quan trọng hơn cả cái tên Starbuck Coffee trong việc duy trì độ nhận biết.
Nếu bạn đã đọc "Dốc hết trái tim" của Howard Schultz, Chủ tịch và CEO của Starbucks chắc các bạn cũng sẽ cùng một câu hỏi rằng liệu 03 nhà sáng lập Zev Siegl, Jerry Baldwin và Gordon Bowker sẽ thất vọng thế nào khi Starbucks chằng còn bán cà phê như ước mơ của họ nữa. Tuy nhiên thế giới đổi thay, thì buộc người ta phải thay đổi. Starbucks cũng không nằm ngoài những quy luật đó.
Dấu phẩy trị giá 10,7 tỷ USD của Nike.
Thiết kế bởi Carolyn Davidson năm 1971, khi đó Phill Knight ông chủ của Nike chỉ trả cho Davidson vỏn vẹn có 35 USD. Đến 1985 thì Nike cũng bỏ luôn tên trong logo đi mà chỉ còn lại là dấu phẩy.
Có lẽ không nói nhiều về độ phủ của một trong những thương hiệu lớn nhất hành tinh này, bất kỳ một lễ hội thể thao lớn của thế giới hay của một quốc gia nào mà Nike lại chịu đứng ngoài nhìn cả, từ các kỳ tổ chức World Cup hay Olympic cho đến các giải nhà nghề như Tenis, Đua xe, bóng rổ, Golf... của các quốc gia và khu vực Nike đều ít nhiều tham gia tài trợ.
Và chỉ riêng tiền chi cho quảng cáo kỳ WorldCup 2014 vừa rồi ở Brazil, Nike đã chi ra 876 triệu USD để tài trợ. Có lẽ sức mạnh quảng cáo đã khiến cho "dấu phẩy" này trở thành "dấu phẩy" phổ biến nhất thế giới.
Và cũng xin chúc mừng cho Carolyn Davidson, ông được Phill Knight ghi công ơn bằng một phong bì bên trong có chứa những tờ cổ phiếu của Nike với bên ngoài là hình ảnh logo Nike được mạ vàng đầy trang trọng, không nói cũng biết rằng Carolyn Davidson đã hạnh phúc nhường nào khi vẽ một tác phẩm để đời như vậy.
Chưa đầy một năm sử dụng, Steve Jobs cho thiết kế lại logo Apple với những đường nét đơn giản hơn rất nhiều.
Apple một cái tên quá quen thuộc với người dân Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, khởi nghiệp từ năm 1976 biểu tượng Apple với phiên bản đầu tiên được vẽ bằng bút mực bởi Ron Wayne, người đồng sáng lập Apple cùng với Steve Jobs. Hình ảnh logo miêu tả cảnh Issac Newton đang ngồi dựa mình vào gốc cây táo cùng dòng chữ Apple Computer.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau thì Steve Jobs cũng không sử dụng logo với hình ảnh Newton ngồi dựa cây nữa, nó quá phức tạp cho một biểu tượng công ty và Jobs đã thay hình ảnh này bằng hình ảnh quả táo khuyết với 7 màu sắc khác nhau.
Đến năm 1998 thì quả táo cũng không còn 7 màu nữa mà chỉ một màu đơn sắc duy nhất, giải thích về điều này, Steve Jobs cho rằng nhiều màu như vậy khi sản xuất sẽ gặp khó khăn về tài chính cũng như gây bất lợi cho chính những sản phẩm của mình, "ghép một tấm logo bảy sắc cầu vồng lớn lên chiếc iMac Bondi Blue sẽ khiến nó trở nên ngốc nghếch, trẻ con và lạc lõng" Jobs nói.
Và ông quyết định đơn sắc hóa chúng để phù hợp in logo trên mọi sản phẩm của mình, với đúng phương trâm đơn giản hóa tất cả để trở thành khác biệt.
Và ngày nay, quả táo cắn dở được gắn với sự tinh tế, đẳng cấp cùng với khối tài sản thương hiệu đứng thứ 2 thế giới với giá trị lên tới 147,88 tỷ USD chỉ sau Google với 158,84 tỷ USD.
Những thương hiệu Việt Nam có sử dụng biểu tượng làm thương hiệu.
Tại Việt Nam tôi chưa thấy thương hiệu nào đủ mạnh đến mức có thể bỏ tên ra khỏi logo. Một vài thương hiệu có thể kể tên như tập đoàn Vingroup với hình búp non hình chữ V màu vàng, Vinaphone với hình 3 giọt nước màu xanh, Sabeco với hỉnh con rồng uốn theo chữ S màu vàng, Vissan với 3 bông mai vàng trên nền đỏ, ngân hàng VIB với 3 hình chữ V chụm vào nhau, VietBank với hình đồng xu màu xanh đỏ, Techcombank với hai hình vuông lồng ghép màu đỏ, ... những thương hiệu này, tương lai cũng sẽ trở thành những hình vẽ có giá trị nhất định khi thương hiệu đủ lớn mạnh trong tâm thức mỗi người tiêu dùng Việt Nam.
Những thương hiệu lớn cũng đều bắt đầu từ những thứ rất đơn giản, những mẫu logo đơn giản và dần chúng được hoàn thiện theo năm tháng để trở thành những biểu tượng có giá trị hàng tỷ đô la như hiện nay.
Tuy nhiên, đó là những năm về trước khi mà thị trường chưa có sự cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, khi mà các thương hiệu chưa thực sự là những đế chế như hiện nay, khi mà hàng hóa cứ sản xuất ra bao nhiêu thì thị trường tiêu thụ hết từng đó, bởi khi đó hàng hóa là khan hiếm.
Và cũng vì thế những thương hiệu sinh sau, đẻ muộn càng phải nhanh chóng theo kịp xu hướng chung của thế giới, đó là sự thay đổi từng ngày, thế giới mà các thương hiệu lớn vẫn không ngừng hoàn thiện hình ảnh của họ trong mỗi trái tim khối óc người tiêu dùng thông thái.
Mai Quang Quỳnh (Theo Brandsvietnam)