Khi quảng cáo đẽo gọt cả niềm tin

18/06/2014 10:21

Khi quảng cáo đẽo gọt cả niềm tin


Những câu chuyện phía sau quảng cáo liệu có tốt đẹp như cách các nhà làm quảng cáo và nhãn hàng đang kể chuyện?


Mỗi ngày, có vô số trò quảng cáo được người ta nghĩ ra và tung ra. Dường như, quảng cáo xuất hiện quanh chúng ta như là không khí, không chỗ nào là không có quảng cáo.

Có một chiến dịch quảng cáo của Coca Cola lâu rồi nhưng mà chắc hẳn trong tâm trí chúng ta ai cũng nhớ, đó là "ghép các bộ phận xe đạp".
Trò chơi được tao ra rất đơn giản, với mỗi chai Coca Cola được cạy nắp ra, dưới lớp lót cao su màu trắng sẽ in hình một bộ phận xe đạp, sưu tầm và ghép đầy đủ được các bộ phận thì sẽ trúng giải thưởng là chiếc xe đạp.

Đó là chiếc xe đạp địa hình màu đỏ, rất đẹp, ngày qua ngày lũ trẻ được ngắm qua tivi trong những xuất quảng cáo giữa lúc chúng xem hoạt hình, xem ca nhạc... Lũ trẻ con đứa nào cũng muốn sở hữu món quà đẹp đẽ ấy, vô số chai Coca Cola được bật ra, chúng háo hức cạy miếng lót nắp. Coca Cola trở thành đồ uống thịnh hành bậc nhất của trẻ con thời đó, thay cho mọi loại nước giải khát và các thứ quà vặt khác.

Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu kiên trì, sẽ dễ dàng tìm được hầu hết các bộ phận của chiếc xe, duy chỉ thiếu một chi tiết thôi, một chi tiết cuối cùng, đó là chiếc yên xe. Những chiếc yên xe được in rất it, rất ít, tạo ra hiệu ứng "gần chạm đích", vô cùng hiệu quả!

Sau chiến dịch đình đám "yên xe đạp" của Coca Cola, vô số những kiểu quảng cáo tương tự được các nhãn hàng học tập nhái theo như: ghép que kem trúng ipad, bóc nhãn chai dầu ăn trúng ô tô, cào tem bột giặt trúng vàng, cắt nhãn snack trúng chuyến du lịch đi nước ngoài... Nhưng rồi, mọi thứ sao chép kéo dài ra trong thời gian dài vô tình trở nên thiếu hiệu quả. Phần vì do đã quá nhàm, lối quảng cáo cũ rích, người ta càng ít tin vào những thứ giải thưởng có gái tiền tỷ đến từ những gói bim bim..

Ngoài ra, đó là những nhãn hàng và những nhà quảng cáo được phép phóng đại lên đôi chút, để tạo dấu ấn cho sản phẩm của mình, nói trắng trợn ra đó là lừa bịp, ở một mức độ mà người ta tạm chấp nhận là "thổi phồng".

Nhưng đến một lúc nào đấy, nhân một cái cớ nào đấy, xã hội rối ren hơn, người ta quyết định quảng cáo lừa bịp hơn, vô lương tâm hơn. Đỉnh cao của lối tư duy này, là vụ việc bán vòng chống sởi cho trẻ em trong lúc dịch sởi đang bùng phát, gây ra nhiều cái chết thương tâm cho trẻ nhỏ.

Với quảng cáo được xách tay từ Nhật, đeo vòng này vào sẽ bảo vệ trẻ khỏi vi rút xâm nhập, do nguồn hàng khan hiếm, chỉ bán một số lượng nhất định.

Với lời quảng cáo đánh trúng tâm lý đó, rất nhiều bà mẹ mua cho con đeo, mua tặng bạn bè, rất nhiều chiếc vòng chống sởi được bán ra, thu lời cả trăm triệu chỉ trong mấy ngày. Vụ việc sau này được khui ra, tất cả ngã ngửa khi đại diện Bộ Y tế khắng định, vòng chống sởi chưa được kiếm nghiệm là hiệu quả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Tệ hơn nữa, có người nhẫn tâm núp dưới chiêu bài "từ thiện", đội giá lên gần gấp đôi.

Quảng cáo được gắn liền với kinh doanh như cá nước nên không tránh được các rủi ro về đạo đức, nhưng mà, còn gì nữa nhỉ?

Chép miệng nhìn điện thoại "Lại là quảng cáo" - một cái nữa, đó là những tin nhắn. "Một người thân gửi tặng đến cho bạn một bài hát, hãy nhắn XXX gửi đến 8*** để nghe." "Bạn vừa trúng thưởng được một chiếc điện thoại Iphone, hãy soạn tin XXX và gửi đến 8*** để nhận giải" "Xin chúc mừng! Bạn đã trúng một chiếc Tivi LCD, hãy tận hưởng mùa World Cup 2014 với món quà của bạn, Soạn tin XXX gửi 8***"

Những trò lừa bịp, móc túi của người nhắn tin đến rất nhanh mà không ai có thể kêu lên được. Những loại tin nhắn này vẫn lập lờ tồn tại, và kiếm tiền.

Niềm tin lẫn nhau trong xã hội vốn đã ít ỏi lắm rồi, họ lại "vô tình" gởi đi những tin nhắn, những tờ rơi, để niềm tin ấy cứ dần bị đẽo gọt đi, hoặc nghĩ đơn giản hơn: quấy nhiễu và gây phiền phức quá!

Quảng cáo thì vẫn là quảng cáo, chả ai đi quảng cáo cái xấu cả, nhưng mà sau cái điều tốt đẹp mà người xấu làm quảng cáo vẽ lên, người bị nó thao túng chỉ có thể trách mình quá ngờ nghệch.

 

Theo Báo Đất Việt