Đóng cửa làm thương hiệu: Chiêu kinh doanh độc, lạ, mới
27/08/2014 09:54
Mở tiệm cà phê, nhà hàng để kinh doanh, nhưng lại luôn luôn đóng cửa. Đó là những kiểu sáng tạo “độc, lạ, chẳng giống ai” của những nhà kinh doanh ở đất Sài Thành.
Trên thực tế, người ta thường nghĩ, phàm đã kinh doanh phải trống dong cờ mở nếu không cũng phải trang trí đèn led dây quấn sáng trưng, màu sắc lập lòe, bảng biển rõ nét. Dàn trận quy mô, hoành tráng vậy, nhưng không phải cứ kinh doanh nhà hàng hay quán cà phê đều sống khỏe! Trái hẳn với quan niệm kinh điển về kinh doanh, ngay giữa đô thị Sài Gòn có những quán cà phê, nhà hàng lại gây được ấn tượng khó phai cho khách hàng bằng sự khác biệt, ít ra là vẻ lạnh lùng đến khó hiểu nếu chỉ đứng ở bên ngoài.
Vừa làm, vừa chơi
Một cô bạn vừa “trúng mánh”, rủ người viết đi uống cà phê. Cô này nài nỉ: “Đi đi, đến chỗ này hay lắm, độc đáo, đảm bảo không đụng hàng”. Ngay từ cái nhìn ban đầu đã cho thấy lời quảng cáo của cô bạn quả không sai! Quán cà phê “chẳng giống ai” mà cũng chẳng ai nghĩ đó là quán! Nằm trên một con phố vắng của Q.1, cửa đóng im ỉm, ai biết thì đến, tự mở cửa, tự đẩy xe bước vào. Cách kinh doanh, tiếp thị ở đây cho khách cảm giác như ta chẳng phải vô quán mà là…về nhà, thảnh thơi, thư thái ngồi uống trà, pha cà phê.
Quán cũng bày bàn ghế không phải là quán, cứ như bộ sofa xông xênh ở nhà hoặc chỏng chơ vài chiếc ghế, cái bàn ở góc bếp, hiên nhà… Một nét lạ nữa của quán là khách tự chọn món yêu thích của mình, tự pha nước uống, tự phục vụ dù luôn có một nhân viên ở đó. Kể cũng lạ, nhưng càng lạ hơn vì có nhiều khách thích kiểu bán hàng độc đáo này. Nếu người Hà Nội có thể quen với việc xếp hàng ở phở Bát Đàn, tự bưng bê, tự phục vụ thì ở cái quán cà phê “không tên” này, người Sài Gòn cũng tìm thấy cái thú tự vào quán, tự pha chế thức uống theo cách của mình và tự phục vụ chính mình!
Quán cũng không quảng cáo rầm rộ, ai biết thì đến. Khách quen truyền miệng, người nọ rủ người kia. Thế là cứ đều đều có khách! Hỏi ra là quán của Chương Đặng, một nhà thiết kế thời trang có tên tuổi với giới trẻ Sài Gòn.
Không chỉ có quán cà phê của Chương Đặng khoái “đóng cửa”, trước Chương đã có anh em nhà Tuấn – Tú với nhà hàng món Bắc – Tuấn & Tú’s – tiên phong cho phong cách “đóng cửa” này. Những khách quen của Tuấn & Tú’s vẫn nhớ rất rõ cái nhà hàng trong con hẻm Trần Cao Vân luôn luôn đóng cửa… chờ khách. Khách khi tới phải bấm chuông để nhân viên ra mở cửa đón vào. Nay, quán Tuấn & Tú’s ở Trần Cao Vân đã không còn vì chủ quán chuyển sang địa điểm mới, rộng rãi hơn trên đường Pasteur, nhưng anh em nhà Tuấn Tú vẫn tiếp tục giữ phong cách của mình: đóng cửa, bấm chuông để được vào quán.
Dù thiết kế của quán Tuấn & Tú’s mới không giống như quán cũ, nhưng “cánh cửa giả” và chuông cửa vẫn là một “định dạng thương hiệu” của quán. Chị Giang Thị Ngọc Tú – chủ quán kể lại, khi mới mở chị chọn cách “đóng cửa” khiến quán trở nên khác biệt. Đồng thời nó cũng tạo cho khách cảm giác như họ không phải đi đến một quán ăn mà như đang về nhà dùng cơm.
Quả nhiên, những ai lần đầu đến Tuấn & Tú’s đều thắc mắc: “Sao lạ vậy”? Rồi sau đó họ lại tiếp tục được phục vụ những món cơm Bắc đặc trưng: miến ngan, bồ câu quay, canh sấu, đậu hũ mắm tôm… để rồi nếu “bén cơm” của quán thì khách hàng còn nhiều lần ghé lại. Và thi thoảng, khi người Sài Gòn có bạn bè, khách thân tình cũng muốn dẫn đến Tuấn & Tú’s như một cách giới thiệu những kiểu kinh doanh độc đáo ở Sài Gòn.
Với ngôi nhà cà phê của Chương Đặng, anh không ngại ngùng chia sẻ, nhà cũng là quán mà quán cũng là nhà. Ban đầu anh thuê ngôi nhà để ở, sau anh khai thác biến ngôi nhà của mình “thi vị hơn”: có cà phê, nước chanh, bánh quế, ca cao… cho bạn bè đến chơi. Vì vậy quán cũng thoải mái như chính là nhà.
Làm vui, ăn thiệt
Chắc hẳn sẽ có không ít chuyên gia marketing chẳng mặn mà gì với kiểu làm thương hiệu như Chương Đặng, Tuấn & Tú’s. Tuy nhiên, điều thú vị là những quán như vậy lại có khá nhiều khách quen, trung thành.
Chị Giang Thị Ngọc Tú cho biết, làm quán ăn rất cực, nhưng quán của chị thường có rất nhiều khách quen. Họ đã chịu rồi thì đến hoài. Chính vì thế, dù chị Tú còn có nhà hàng Mâm Son hay Cốm Xanh, nhưng bao giờ chị cũng ghé lại quán Tuấn & Tú’s để trò chuyện hoặc thăm chừng khách hàng. Tuấn & Tú’s đã dời địa điểm hơn 2 tháng, nhưng vẫn có nhiều khách quen tìm đến, điều mà nhiều chủ quán khác vẫn rất hồi hộp mỗi khi phải chuyển địa điểm.
Còn với Chương Đặng, từ chỗ “làm cho vui” anh đã biến ngôi nhà của mình thành những điểm hẹn hò cà phê, làm việc, thậm chí là chụp hình cưới, quay phim ngẫu hứng của bạn trẻ. Chương kể: anh không ngờ cái quán không tên của anh “bỗng dưng nổi tiếng” chụp hình lạ. “Một ngày đẹp trời, có hai khách đến và… hỏi xin chụp hình. Vì không muốn cho chụp nên mình nói giá thật cao. Ai dè người ta đồng ý”. Vậy là cái duyên “quán lạ, độc” của Chương nổi lên luôn từ đó. Một đồn mười và cùng với sự phát tán của Facebook, cái quán không tên của Chương cứ lai rai có khách đến uống cà phê, thuê chụp hình, quay video. Ban đầu Chương tính phí “location” 2 triệu, sau thấy có vẻ nhiều người đăng ký hơn, Chương tự động giảm giá xuống 1 triệu đồng, rồi 500.000 đồng…
Kiểu “tiếp thị ngược đời” như vậy lại hóa ra hiệu quả. “Mỗi tháng Chương có khoảng 20 khách đến đăng ký chụp hình cưới hoặc quay clip. Vậy là em lời tiền nhà. Coi như được ở miễn phí”, Chương vui vẻ chia sẻ. Theo tác giả của “Khác biệt hay là chết”, việc tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu, định hình cá tính cho sản phẩm/dịch vụ là chuyện mà các thương hiệu ngày nay phải luôn luôn ghi nhớ.
Cách làm của Tuấn & Tú’s hay Chương Đặng cũng là sáng tạo ra sự khác biệt cho dịch vụ của mình. Và đương nhiên, những khách hàng nào đã “kết phong cách” này thì sẽ tìm thấy lí do để quay lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ. Còn những ai cảm thấy không thích, sẽ chọn quán khác hợp với “gu” của họ hơn.
Đây cũng là một kiểu kinh doanh lạ, độc đáo của những người sống trên đất Sài Gòn. Điều đáng nói hơn, đó là cả Chương Đặng và Ngọc Tú đều không phải là người bản xứ. Chương là người Lâm Đồng còn Tú lại là người gốc Hà Nội. Họ có chung niềm đam mê: đem cái ngon, lạ, kết hợp với sự độc đáo để chinh phục người Sài Gòn.
Trọng Nghĩa (Theo Doanh Nhân)