Doanh nhân Việt, bạn là ai?

13/10/2015 11:27

Doanh nhân Việt, bạn là ai?

Trong lúc lang thang trên mạng tìm lời đáp cho câu hỏi nói trên, người viết bài này gặp được một định nghĩa khá thú vị về doanh nhân Việt Nam trong đó nhấn mạnh những tố chất về năng lực, văn hóa cùng những đòi hỏi hay quy chuẩn về lý tưởng và đạo đức.


Theo định nghĩa này, không chỉ ở Việt Nam, giới làm ăn trên toàn cầu có hai loại người: doanh nhân thì kiếm tiền một cách chân chính, công khai minh bạch còn trọc phú hay con buôn thì lọc lừa và làm hại ai đó. Những ai khoe khoang sự giàu có của mình khiến người khác chê cười hoặc không biết xài tiền để người khác “coi cho được” thì đó là kém văn hóa và không xứng đáng được xem là doanh nhân(1).

 

Đồng ý hay không với định nghĩa nói trên là quyền của mỗi người nhưng với tôi thì cái kim tứ đồ (KTĐ) về thu nhập trong quyển sách với tựa đề Rich Dad’s Cashflow Quadrant của tác giả tỉ phú người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki sẽ cho bạn cái nhìn rõ rệt và khách quan hơn (sơ đồ đính kèm). KTĐ này chia con người thành bốn phạm trù trong việc kiếm tiền, trong đó ở phía bên trái trên cùng là Employee (tạm dịch là Người làm công ăn lương - viết tắt là E), ở dưới là Self-Employed (Người tự làm cho mình - S); phía bên phải trên cùng là Business Owner (Chủ doanh nghiệp - B) và dưới đó là Investor (Nhà đầu tư - I).

 

Để giải thích KTĐ, xin lấy ví dụ về một đại gia mà tôi đã có dịp gặp gỡ và giao lưu tại Singapore. Lộc (không phải tên thật của anh) có nghề chuyên môn nha khoa và đã từng làm việc cho một bệnh viện ở TPHCM. Qua trao đổi, Lộc cho biết sau khi làm việc gần 5 năm cho một trung tâm y tế chuyên khoa (tức là ở vị trí E trong KTĐ) anh quyết định về nhà mở phòng khám riêng (anh chuyển sang S) và do khách hàng đông anh phải thuê thêm nha sĩ, nha tá, nhân viên tiếp tân... (anh trở thành B). Sau nhiều năm tích lũy, Lộc bắt đầu mua bán chứng khoán, bất động sản, tham gia vào quỹ đầu tư (anh là I). Theo cách hiểu của tôi, vai trò doanh nhân của Lộc được xác định khi anh đứng ở phía bên phải của KTĐ bởi anh đã chấp nhận rủi ro làm chủ doanh nghiệp như bỏ tiền thuê mướn mặt bằng, thuê nhân viên và có thể trắng tay nếu gặp xui xẻo hay sự cố chẳng mong muốn trên thị trường cổ phiếu hay nhà đất.

 

Doanh nghiệp của Lộc có một vài phòng khám nha khoa thường thường bậc trung ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận nhưng mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng vì tạo ra việc làm, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ của nhiều người.

 

Cách kinh doanh của Lộc có công khai minh bạch hay không thì tôi không rõ nhưng Lộc thú thật với tôi là anh rất nhức đầu với chuyện thuế má cũng như việc giao dịch với một số quan chức ở địa phương. Dù sao đi nữa thì Lộc là một doanh nhân thành đạt và tự hào với những gì anh đã có. Là đàn ông với nhau, anh chia sẻ về những chặng hành trình chân ngắn chân dài trong và ngoài nước, những trận tỷ thí trong casino ở Singapore, Macau hay Las Vegas. Trên Facebook của anh thỉnh thoảng xuất hiện xe hơi đời mới và anh không ngần ngại cho biết những chai rượu trên bàn nhậu của anh có khi không dưới giá ngàn đô. Lộc yêu thích hội họa và thật ra anh là người đi buôn tranh. Anh chỉ cho tôi bí quyết kiếm tiền trong thị trường sản phẩm nghệ thuật, nên mua tranh của họa sĩ lớn tuổi vì thường sản phẩm nghệ thuật chỉ có giá sau khi nghệ sĩ qua đời. Những câu chuyện về làm ăn mà anh khoe với tôi mang đậm tính chiến đấu và sống còn, không biết có làm hại ai không nhưng bao giờ cũng có kẻ thắng người thua. Như vậy, “chiếu” theo những tiêu chí và chuẩn mực trong định nghĩa về doanh nhân ở phần đầu của bài viết này, liệu Lộc có xứng đáng với danh hiệu đó không?

 

Nhưng câu chuyện của Lộc có lẽ không thú vị bằng nhiều trường hợp mà báo chí của ta thỉnh thoảng đề cập đến. Những người này làm việc cho cơ quan nhà nước được hưởng lương cố định hàng tháng (E) nhưng lại có thời gian thoải mái làm việc riêng cho mình (S), không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn làm “chủ” nhiều doanh nghiệp do người khác đứng tên (B) với sức mạnh tài chính dồi dào không biết bắt nguồn “từ đâu” mà có thể ra đầu tư (I) trên khắp mọi miền đất nước và kể cả nước ngoài. Một số người được gọi là doanh nhân nhưng chưa biết rủi ro là gì vì doanh nghiệp mà họ đang quản lý hiện ở thế độc quyền với những ưu đãi về thuế, lãi vay ngân hàng và thậm chí khách hàng không cần mời cũng có mặt nhất hô bá ứng.

 

Theo thiển ý của tôi, quan niệm hơi rộng rãi và đề cao giá trị doanh nhân trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam có thể tạo ra sự lẫn lộn và nhập nhằng trong quản lý nhà nước, quan hệ xã hội và ứng xử cá nhân. Doanh nghiệp và lợi ích nhóm là một thực tế sống động trong đời sống kinh tế chính trị xã hội. Tại Singapore, trong một bức thư gửi đại biểu quốc hội (ĐBQH) là đảng viên đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) sau khi thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng là tổng bí thư đảng đã yêu cầu ĐBQH nào đang làm kinh doanh hay nắm giữ những chức vụ quản lý cao cấp hoặc tham gia vào hội đồng quản trị trong công ty không được khai thác vị trí của mình trong quốc hội, mối quan hệ chặt chẽ với các bộ trưởng hay tiếp cận dễ dàng với các bộ ngành để phục vụ cho lợi ích cá nhân hay doanh nghiệp mà mình phục vụ. ĐBQH làm việc cho các doanh nghiệp hay hiệp hội ngành nghề thỉnh thoảng nếu phải phát biểu công khai thay mặt cho doanh nghiệp hay hiệp hội ngành nghề thì phải nói rõ mình phát biểu trên danh nghĩa cá nhân, nghề nghiệp, kinh doanh chứ không được nhân danh là người đại diện cho cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Cuối cùng, không được thay mặt doanh nghiệp hay khách hàng mà mình có lợi ích trong đó để đặt các câu hỏi nghị trường như một cách vận động hành lang với chính phủ.

 

 

Theo TBKTSG