Năm 2013, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu bán lẻ danh tiếng thế giới như Tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản Aeon, hệ thống trung tâm thương mại lớn thứ 3 tại Hàn Quốc - Lotte Mart, Tập đoàn E-mart thuộc sở hữu của Shinsegae, Hàn Quốc; Seven Eleven của CP Thái Lan, hay như tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan Central Group cũng triển khai siêu thị Robinson,…
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam như Big C, Metro tiếp tục khai trương các siêu thị tại nhiều tỉnh thành trong nước… Đặc biệt, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) và Auchan (Pháp) cũng lên tiếng sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở nước ta.
Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài và sức mua sụt giảm do khủng hoảng kinh tế nhưng trong năm 2013, trên thị trường cũng đã xuất hiện những thương hiệu bán lẻ nội địa mới như: OceanMart, Hiway, Eximart.
Kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ chiếm 15% trong tổng hệ thống bán lẻ cả nước, trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này xấp xỉ 50%. Trong tương lai gần phân khúc này đang tăng lên khi thu nhập của giới trung lưu đang tăng dần. Các doanh nghiệp nước ngoài đã nhắm đến phân khúc thị trường này. Theo số liệu của Công ty khảo sát, đánh giá thị trường Niesel, tại thành phố Hồ Chí Minh có trên 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó 60% do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, có sự khác biệt so với các cửa hàng tiện lợi trong nước, đó là hầu hết mở cửa 24 giờ mỗi ngày và xuyên suốt cả tuần.
Những phân tích trên đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn cũng như các cơ hội rộng mở cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ càng gay gắt, sẽ là sự thử thách, sàng lọc loại bỏ các doanh nghiệp có tư duy “ăn xổi” và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ quá trình cạnh tranh này. Để có thể trụ vững, phát triển, bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công cho thấy cần phải có sự nghiên cứu xu hướng tiêu dùng trong nước và trên thế giới nhằm định hướng phát triển cho ngành bán lẻ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Các loại hình bán lẻ
Để cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về ngành bán lẻ, chúng ta sẽ lần lượt điểm lại những hình thức bán hàng đang tồn tại phổ biến. Cũng cần phải nói thêm rằng tất cả các doanh nghiệp đều có xuất phát điểm rất đơn giản nhưng nhờ nỗ lực tự thân và uy tín tạo dựng được mà họ phát triển đến những quy mô khác. Nếu bạn quyết tâm thì ở giai đoạn này, mọi thứ đều có thể.
• Bán lẻ qua cửa hàng: bao gồm các cửa hiệu độc lập, các trung tâm thương mại, các cửa hàng giá rẻ/giảm giá, các cửa hàng tạp hoá, các cửa hàng chuyên dụng, các siêu thị truyền thống,... Những nhà bán lẻ qua cửa hàng luôn có địa điểm cố định để thu hút được một lượng khách lớn vào tham quan, mua sắm. Họ thường bày bán nhiều loại hàng hoá và sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để quảng cáo. Đặc thù của họ là phục vụ nhu cầu của cá nhân và gia đình. Tuy nhiên cũng vẫn có những nơi chuyên bán hàng cho các tổ chức, doanh nghiệp như các cửa hàng văn phòng phẩm, các cửa hàng máy tính và phần mềm, các cửa hàng vật liệu xây dựng, các cửa hàng vật tư điện nước.
• Bán lẻ chuyên biệt: Trong khi các nhà bán lẻ lớn như Wal-Mart hay Target có xu hướng bán những thứ mà người tiêu dùng ‘cần’ thì các đơn vị bán lẻ chuyên biệt lại nhắm đến những thứ mà người tiêu dùng ‘muốn’. Họ chú trọng hơn tới những tiện ích, những trải nghiệm mua sắm, những nhu cầu cụ thể của khách hàng. Tuy chịu sự cạnh tranh gay gắt của các cửa hàng bán lẻ lớn và các gian hàng thương mại điện tử, các cửa hàng bán lẻ chuyên biệt vẫn tỏ ra sung sức và dẻo dai đến bất ngờ nhờ tạo cho khách hàng cảm giác ấm cúng, gần gũi hơn và cung cấp chủng loại hàng hoá phong phú, chuyên dụng hơn.
Nhiều cửa hàng chuyên biệt chỉ có một chủ kiêm nhân viên bán hàng. So với các doanh nghiệp sản xuất thì các cửa hàng chuyên biệt không đòi hỏi phải trang bị và vận hành quá tốn kém. Loại cửa hàng này nếu bị thất bại thì cũng chủ yếu là do thiếu vốn, đặt sai địa điểm và thiếu hiểu biết về thị trường.
• Bán lẻ không qua cửa hàng: Khi tìm kiếm cơ hội trong ngành bán lẻ, chắc chắn bạn không thể bỏ qua khu vực trị giá 123 tỷ USD này. Cách bán hàng ở đây chủ yếu là qua ti vi, qua mạng, qua catalog điện tử/giấy, qua bưu điện, qua máy bán hàng hay quầy lưu động. Ngoại trừ máy bán hàng, tất cả các loại hình bán lẻ này đều không có địa điểm hay cửa hàng cố định để bày bán hàng.
Bán lẻ không qua cửa hàng có nhiều ưu điểm, một trong số đó là không phải nhập hàng, trữ hàng với số lượng lớn vì đã có người khác làm giúp bạn việc này.
• Bán lẻ qua bưu chính: Người mua có thể đặt hàng qua điện thoại hoặc trang web và sản phẩm sẽ được giao qua đường bưu điện. Hình thức này khá phổ biến với những người sống xa khu vực mua sắm, những người già cả và những người không muốn mua hàng trực tiếp. Doanh nghiệp bán hàng sẽ thiết kế và in catalog/tờ rơi rồi đồng thời gửi đến vài ngàn khách hàng để họ lựa chọn và đăng ký mua sản phẩm.
Bán lẻ qua bưu chính thường được các doanh nghiệp áp dụng cho những hàng hóa thông thường, hàng hóa chuyên biệt, hàng hóa mới lạ, hàng đặt mua dài hạn (CD, DVD, sách báo) … Nó không đòi hỏi doanh nghiệp phải có văn phòng, cửa hàng hay nhà kho nhưng nhất thiết phải nắm được địa chỉ khách hàng để gửi catalo và có hệ thống nhận đặt hàng và giao hàng.
• Internet. Mạng internet đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành bán lẻ đồng thời kết nối doanh nghiệp, thị trường với cá nhân người tiêu dùng. Ken Cassar, một chuyên gia phân tích cao cấp tại Jupiter Communications (Mỹ) khẳng định “Những nhà bán lẻ nào không hiểu được tầm ảnh hưởng của internet thường sẽ ít đầu tư phát triển các kênh bán qua mạng và vậy là họ đã bó lỡ một cơ hội quan trọng để tăng doanh thu bán hàng".
Dù bạn muốn tham gia loại hình bán lẻ nào thì Internet là thứ bạn không thể bỏ qua. Tuy nhiên, cũng đừng để internet làm bạn nản lòng vì mỗi kiểu bán lẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng và bạn có quyền chọn hình thức phù hợp với mình nhất.
• Máy bán hàng tự động: Loại hình bán lẻ này có mặt ở Mỹ gần một thế kỷ nay và tỏ ra khá hiệu quả. Cũng giống như các hình thức bán hàng khác, chìa khóa thành công cho doanh nghiệp bán hàng qua máy là chọn đúng thời điểm, vị trí và chủng loại sản phẩm. Loại hình kinh doanh này hấp dẫn ở chỗ doanh nghiệp không tốn phí đầu tư và vận hành mà lại nhanh chóng thu được thu tiền mặt.
Bán lẻ có phù hợp với bạn không?
Liệu bán lẻ có phải là cơ hội cho bạn không? Để trả lời câu hỏi này, bạn phải cân nhắc một số yếu tố, quan trọng nhất là tố chất con người, động lực, điểm mạnh, điểm yếu cũng như vốn và kinh nghiệm.
Việc chọn ngành nghề phù hợp bao giờ cũng phải căn cứ vào năng lực bản thân và nhu cầu thị trường. Vì thế, bạn hãy tự đánh giá xem mình có những kỹ năng gì và loại sản phẩm/dịch vụ mà bạn có thể cung cấp. Chẳng hạn, nếu bạn có con mắt thẩm mỹ, thiết kế quảng cáo và bán/trưng bày sản phẩm có thể là công việc phù hợp với bạn. Còn nếu bạn thích lắp đặt, sửa chữa cơ khí thì bạn có thể mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, xe máy, sửa chữa, dạy nghề,… Bằng cách kết hợp giữa năng lực bản thân và nhu cầu thị trường, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công với dự án kinh doanh mới của mình.
Tố chất
Nhiều người chuyển từ vị trí từ làm thuê lên làm sếp rất thành công nhưng cũng không ít người thất bại. Vậy bạn có tố chất để làm chủ doanh nghiệp không? Liệu bạn hợp với nghề phục vụ khách hàng trực tiếp hay bán buôn, phân phối, sản xuất hơn? Muốn biết mình có thể tham gia ngành bán lẻ không, bạn hãy trả lời những câu hỏi dưới đây một cách thật lòng. Hãy nhờ vợ/chồng, bạn thân hay đối tác tiềm năng kiểm tra giúp xem các câu trả lời đã chính xác chưa.
1. Bạn có cùng lúc làm được nhiều việc không? Thường thì khi đi làm thuê, bạn chỉ phải thực hiện một hoặc cùng lắm hai việc một lúc, còn những công việc khác đã có người khác lo. Nhưng nếu bạn ra làm riêng, bạn sẽ phải một mình làm mọi thứ, từ tiếp xúc với khách hàng, quản lý nhân viên đến gặp gỡ nhà cung ứng, làm việc với chủ nhà,… Bạn không thể nói ‘Đấy không phải là việc của tôi” vì việc gì cũng là của bạn hết.
2. Bạn có dễ dàng chấp nhận rủi ro không? Có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra ngoài dự kiến khi bạn mới ra ngoài làm ăn, chẳng hạn như chọn sai vị trí, thời điểm, cung ứng không đúng loại hàng hóa/dịch vụ mà khách hàng cần, tính giá không hợp lý,… Bạn có phải là người có thể nhanh chóng thích nghi hay chỉ muốn mọi thứ phải theo ý mình? Bạn có nhìn nhận rủi ro như là thách thức/cơ hội không?
3. Bạn có sống thiếu lương tháng được không? Là chủ doanh nghiệp mới, bạn đừng kỳ vọng sẽ có thu nhập đều đặn, thường xuyên như đi làm thuê. Thường thì chi tiêu cho doanh nghiệp mới sẽ hay bị vượt quá dự trù và luôn có những khoản mới phát sinh hay thay đổi dù bạn có kế hoạch tỉ mỉ đến đâu. Vì thế, nếu bạn không chịu nổi nếu đến ngày mà chưa có lương thì bạn nên cân nhắc lại việc mở công ty/cửa hàng của mình. Lý do là khi bạn có công ty riêng, nhiều khả năng tiền bạn kiếm được sẽ được quay vòng để nhập thêm hàng và thanh toán các chi phí hoạt động khác.
4. Bạn có thấy thoải mái khi làm riêng/làm một mình không? Hay bạn chỉ thích làm việc ở nơi nhiều người và muốn có ai đó hỗ trợ, tư vấn? Nếu bạn mở công ty, bạn phải là người chỉ huy, bạn phải biết làm cái gì, làm vào lúc nào và chịu toàn bộ trách nhiệm với việc mình làm. Mọi tội lỗi sẽ đổ lên đầu bạn và đôi khi bạn phải hoàn toàn chịu trận một mình.
5. Bạn có đề cao quyền bình đẳng và trân trọng sự khác biệt không? Phân biệt đối xử trong tuyển dụng và điều hành doanh nghiệp không chỉ vi phạm luật pháp mà còn không đem lại điều gì tốt đẹp khi bạn sống trong một xã hội đa tôn giáo, đa sắc tộc. Khi bán hàng, chắc chắn bạn sẽ phải tiếp xúc với với nhiều đối tượng khách hàng, nhiều đối tác, nhiều kiểu nhân viên,… Là nhà bán lẻ, bạn phải biết hòa nhập, có suy nghĩ thoáng và sẵn sàng chiều lòng người khác. Vậy bạn có phải là người biết chế ngự mâu thuẫn, đặt mình vào địa vị người khác và phục vụ ý thích của họ chứ không phải của mình không?