Dịch vụ trông giữ trẻ

15/09/2014 03:21

Dịch vụ trông giữ trẻ


Thực hiện ý tưởng mở cửa hàng dịch vụ trông giữ trẻ cần quan tâm đến những điểm sau:


Giới thiệu chung >

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các gia đình hiện nay là trông nom con cái trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm. Nhu cầu gửi trẻ tăng cao đã mang lại cho những người yêu trẻ cơ hội kinh doanh tuyệt vời: cung cấp dịch vụ trông trẻ.  

Dịch vụ trông trẻ có nhiều loại, từ trông tại gia cho đến các trường mầm non tư thục quy mô lớn. Mức đầu tư khởi điểm có thể chỉ là vài triệu đồng nếu bạn định đi từ mục đích đơn giản là tạo công ăn việc làm cho mình rồi mới tích luỹ dần cho đến khi trở thành doanh nghiệp lớn với doanh thu vài tỷ mỗi năm.  

Ngoài ra, bạn cũng có nhiều lựa chọn khi xác định cụ thể cách thức cung cấp dịch vụ. Bạn có thể giới hạn tuổi của trẻ được gửi hay điều chỉnh giờ trông cho phù hợp với nhu cầu của phụ huynh. Bạn có thể cung cấp dịch vụ đưa đón trẻ từ nhà đến trường hay tổ chức các chuyến thăm quan thực địa. Hoặc nếu không trông trẻ, bạn có thể chọn cung cấp dịch vụ đưa đón không thôi.

Tất nhiên, vì công việc chính là trông nom, chăm sóc con cho người khác nên đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao độ và sự tận tâm hết mực. Khi những đứa trẻ nằm trong vòng quản lý của bạn, bạn phải bảo đảm sức khoẻ và sự an toàn của chúng. Bạn cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ và có thể là người chúng ghi nhớ suốt đời.

Bạn có tiềm năng không?

Muốn mở dịch vụ trông trẻ, bạn phải có tố chất gì? Lois M., , người có hơn 30 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trông trẻ và hiện đang sở hữu 6 nhà trẻ ở Toledo, Ohio (Mỹ) cho biết: “Bạn phải năng động, có đầu óc kinh doanh, có khả năng lãnh đạo, tính cách dễ chịu, chuyên nghiệp, dám nghĩ dám làm, gương mẫu, có tiềm lực tài chính, có chất lượng nhân viên và chất lượng dịch vụ ổn định”.  

Còn nếu bạn định trông trẻ ở nhà thì theo Brenda B. (Stockton, Illinois, Mỹ), “Bạn phải thực sự yêu trẻ”. Đồng tình với quan điểm này, Janet H. (Exeter, California, Mỹ) cho biết: “Người định mở nhà trẻ phải là người yêu trẻ, dễ gần, chịu được áp lực công việc cao, có khả năng bảo đảm an toàn và có năng lực quản lý”.  

Bạn có thể dễ dàng nhận trông trẻ tại nhà với mức vốn đầu tư ban đầu khiêm tốn và một vài tuần chuẩn bị trước. Còn để kinh doanh một nhà trẻ có quy mô đòi hỏi phải đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc lớn hơn rất nhiều. Vì thế, tuỳ theo khả năng và mục tiêu của mình mà bạn chọn loại hình trông trẻ cho phù hợp. Với nhiều người, việc trông trẻ tại nhà  một mình để có khoản thu nhập vừa đủ (và thậm chí có thời gian chăm sóc con cái của họ) là đã tốt lắm rồi. Một số khác thì ban đầu có thể làm tại nhà nhưng rồi chuyển dần ra mở nhà trẻ riêng. Nhưng cũng có những người mở nhà trẻ ngay từ đầu và bằng lòng với những gì mình có hoặc tiếp tục mở rộng.

Những lưu ý khi mở nhà trẻ

Trước khi mở nhà trẻ, bạn phải xem mình đã tính hết mọi phương án chưa bằng cách đánh dấu vào danh sách các điểm cần lưu ý dưới đây (tuỳ theo nhu cầu mà bạn có thể bổ sung hay lược bớt danh sách này cho phù hợp).

•    Hình thức trông trẻ: Bạn sẽ trông trẻ tại nhà hay thuê địa điểm mở nhà trẻ?

•   Giấy phép: Bạn cần giấy phép gì để hoạt động và xin giấy phép đó ở đâu? Điều kiện, chi phí và thời gian để được cấp phép là gì?

•    Đào tạo và chứng chỉ: Bạn cần tham gia chương trình đào tạo nào/có chứng chỉ gì?

•    Thị trường: Nhu cầu gửi trẻ ở khu vực bạn sống như thế nào?

•    Địa điểm: Địa điểm đẹp nhưng phải phù hợp với túi tiền.

•    Các quy định pháp lý, chính sách: Kiểm tra xem có vấn đề gì liên quan đến pháp lý, quy hoạch không?

•    Vấn đề tài chính: Dự trù chi phí khởi nghiệp và xác định nguồn vốn sẽ huy động từ đâu.

•    Vấn đề về an toàn và sức khỏe: Có kế hoạch ứng phó với những trường hợp khẩn cấp, phòng trừ tai nạn và đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

•    Chương trình: Xây dựng thời gian biểu sinh hoạt phù hợp với trẻ.

•    Thiết bị: Xem có cần trang bị gì cho nhà trẻ không, chi phí là bao nhiêu và có thể tìm được ở đâu?

•    Bảo hiểm: Bạn cần mua bảo hiểm gì để bảo vệ mình và trẻ một cách hiệu quả?

•    Nhân lực: Nếu bạn định thuê người, hãy tính tỷ lệ cô và cháu để có thể hoạch định chính sách nhân sự.

•    Liên kết: nguồn lực chuyên môn và cộng đồng nào đang sẵn có?
 

Thị trường mục tiêu >


Những ứng cử viên hàng đầu cần đến dịch vụ trông trẻ là những ông bố, bà mẹ có con bằng hoặc dưới 6 tuổi. Với những người có con trên 5 tuổi thì sẽ có nhu cầu cao với các chương trình ngoại khóa.

Trong phạm vi rất rộng này là nhóm khách hàng mà bạn sẽ phục vụ. Mục đích của việc nghiên cứu thị trường là để xác định nhóm khách hàng tiềm năng, vị trí/địa điểm của họ và xây dựng chiến lược để tiếp xúc với họ và thuyết phục họ mang con đến gửi chỗ bạn.

Các loại dịch vụ

Trước khi mở cửa đón trẻ, bạn phải xác định rõ những loại dịch vụ bạn sẽ cung cấp và những chính sách cụ thể cho hoạt động của bạn. Nói khơi khơi “tôi sẽ nhận trông trẻ” thì không ổn chút nào. Bạn định nhận bao nhiêu trẻ? Tuổi thế nào? Giờ giấc ra sao? Có cho ăn hay không? Có hoạt động gì không? Giá và quy định về thanh toán thế nào?...

Bước đầu tiên của bạn là hỏi các cơ quan có thẩm quyền ở khu vực đó xem dịch vụ của bạn có cần thủ tục hay có bị hạn chế gì không. Chẳng hạn mỗi nơi có quy định riêng về số trẻ và độ tuổi mà cơ sở được phép nhận. Ngoài ra còn có quy định về tỷ lệ cô/cháu cho từng độ tuổi đối với các nhà trẻ quy mô lớn và nhiều quy định, hạn chế khác tuỳ theo loại cơ sở mà bạn định mở.

Căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng của mình, hãy xác định những dịch vụ mà bạn sẽ cung cấp. Bạn có những lựa chọn sau:

•    Trông trẻ toàn thời gian các ngày thường
•    Trông trẻ sau giờ học
•    Trông trẻ ngoài giờ (buổi sáng sớm, tối muộn, qua đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, tết)
•    Trông trẻ đột xuất hoặc theo yêu cầu vào những ngày thường hay ngoài giờ
•    Trông trẻ bán thời gian
•    Trông trẻ vào những ngày/tối nhất định
•    Trông trẻ theo độ tuổi
•    Đưa đón

Tìm địa điểm

Nếu bạn định thuê địa điểm để mở nhà trẻ, bạn nên chọn chỗ nào gần đối tượng khách hàng mà mình nhắm đến. Một số ông bố, bà mẹ sẽ muốn gửi con ở nhà trẻ nào gần nhà nhưng một số lại thích gần cơ quan để họ có thể có thêm thời gian với con trong lúc đưa/đón con đi học cũng như tranh thủ qua thăm chúng vào buổi trưa hoặc lúc nào đó trong ngày.

Bạn nên cân nhắc chọn những địa điểm sau:

•    Nằm trong hoặc gần khu dân cư/trường học
•    Trong một trung tâm mua sắm nơi mà cha mẹ và trẻ hay đi qua
•    Chung chỗ với những tổ chức cộng đồng khác
•    Khu văn phòng hoặc khu công nghiệp nhẹ có đông nhân công

Nếu bạn định trông trẻ tại nhà, hãy bàn bạc, thống nhất với người thân, hàng xóm trước khi mở cửa. Nhiều đứa trẻ có thể không thích những đứa trẻ khác đến nhà chúng và làm xáo trộn thói quen sinh hoạt. Những đứa lớn hơn sẽ cần được biết chúng phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với điều gì và phải hành xử như thế nào. Còn vợ/chồng bạn phải được đả thông tư tưởng rằng công việc bạn sắp làm đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều thời gian. Nhiều khi, họ hàng, bạn bè của bạn chưa chắc đã hiểu công việc trông trẻ là thế nào và vì bạn ở nhà suốt ngày nên họ có thể nghĩ bạn “ăn không ngồi rồi”.

Với hàng xóm, hãy nói về những ảnh hưởng mà việc bạn mở nhà trẻ sẽ gây ra cho họ như tắc đường khi đón và trả trẻ, ồn ào (tưởng tượng âm thanh của những đứa trẻ khi nô đùa). Cho họ biết là bạn sẽ tìm mọi cách để hạn chế tối đa việc làm phiền họ và rằng họ có thể báo cho bạn ngay khi có vấn đề hay thắc mắc gì.

Một số chỗ trông trẻ tại nhà có phòng riêng để phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng một số khác thì sử dụng toàn bộ không gian của nhà họ. Việc bạn chọn cách nào sẽ phụ thuộc vào ý định của bạn và quy định của cơ quan thẩm quyền nơi đó. Brenda B. có phòng vui chơi riêng cho trẻ, tuy nhiên sinh hoạt của chúng không giới hạn ở phòng đó mà theo lời cô thì hầu hết các phòng khác đều được tận dụng, ngay cả mảnh vườn phía sau cũng được rào chắn để phục vụ trẻ. Còn Sherri A. (Winter Park, Florida, Mỹ) thì lại giới hạn khu vực trông trẻ ở phòng khách.
 

Hoạt động >


Trông trẻ có thể là một thú vui, một sở thích nhưng một khi bạn đã nhận tiền để làm việc đó thì nó trở thành một nghề và bạn phải làm hết bổn phận của mình. Ngay cả khi bạn chỉ muốn trông trẻ vì yêu chúng chứ không phải vì muốn ghi chép giấy tờ sổ sách, đóng thuế hay tuyển người thì bạn vẫn phải làm tốt cả mấy việc đó để có thể duy trì hoạt động.

Lý do nhiều nhà trẻ bị chi nhiều hơn thu là vì những người trông trẻ chỉ tập trung vào chăm sóc và nuôi dưỡng chứ không để ý đến khía cạnh quản lý và tài chính. Vì thế, nếu muốn tồn tại, bạn phải đương đầu với những vấn đề hành chính và quản lý dù quy mô hoạt động của bạn có nhỏ đến đâu.

Xây dựng một hệ thống lưu trữ giấy tờ, sổ sách tài chính ngay từ đầu sẽ là cách để bạn nắm được tình hình làm ăn của mình và có thông tin để làm báo cáo thuế. Bạn có thể sẽ muốn thuê một cố vấn hay một kế toán doanh nghiệp nhỏ để giúp bạn trong giai đoạn đầu; như thế bạn chỉ mất một khoản đầu tư nho nhỏ trong khi tiết kiệm được bao thời gian và công sức.

Hãy xác định là bạn sẽ phải dành một lượng lớn thời gian để làm công việc quản lý, hành chính và tiếp thị. Nếu bạn có nhiều nhân viên, bạn phải đào tạo và giám sát họ. Còn nếu không tiếp thị thì sẽ chẳng ai biết mà tìm đến bạn dù nhu cầu gửi trẻ rất cao. Thêm nữa, bạn sẽ không bao giờ hết những việc hành chính như thanh toán hoá đơn, mua đồ dùng, dự trù ngân sách, đáp ứng các quy định, tu sửa cơ sở vật chất,…

Thậm chí nhiều khả năng bạn sẽ không có thời gian trông trẻ trực tiếp nếu bạn định mở mở một nhà trẻ quy mô.

Như Lois M., mặc dù cô dành khá nhiều thời gian ở các nhà trẻ của mình nhưng thực ra suốt 10 năm qua cô không hề trông trẻ theo đúng nghĩa đen. Cô lý giải: “Tôi biết mình có thể thuê một thư ký làm các công việc văn phòng  để có thêm thời gian đứng lớp. Còn nếu không, tôi phải làm thư ký và thuê người trông trẻ. Nhưng tôi quyết định mình nên là người ở văn phòng trả lời điện thoại và đưa khách đi tham quan vì không ai đổ vào đây nhiều tiền của, công sức như tôi. Một thư ký thuê ngoài vẫn có thể cung cấp thông tin cho khách nhưng họ làm chỉ để cho có chứ không thể tận tâm như người cứ đến ngày là phải lo trả lương nhân viên”. Ban đầu bạn vẫn có thể làm cả hai việc: vừa quản lý, vừa trông trẻ nhưng theo Lois thì “bạn sẽ không muốn làm mãi như thế vì nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của bạn”. Hiện tại, 6 nhà trẻ của Lois có tổng cộng hơn 100 người làm toàn thời gian và khoảng 30 nhân viên dự bị.
 

Ấn định mức giá >


Mức phí mà bạn tính cho dịch vụ của mình sẽ là nền tảng tài chính cho doanh nghiệp cũng như thu nhập của bạn. Nó phải có tính cạnh tranh, vừa phù hợp với túi tiền các bậc phụ huynh vừa không quá thiệt cho bạn. Bạn cần cân nhắc mọi khía cạnh, từ chi phí bỏ ra cho đến lợi nhuận bạn muốn đạt được và khả năng tài chính của khách hàng. Ấn định mức giá, giải trình mức giá đó với khách hàng và thu tiền của họ là phần tất yếu của việc cung cấp dịch vụ trông trẻ.

Nếu nhà trẻ của bạn có chương trình chăm sóc, dạy dỗ được xây dựng một cách công phu chứ không chỉ đơn giản là mỗi dịch vụ trông trẻ, bạn hoàn toàn có thể thu một mức phí nhập học tương đương với ½ tháng học phí mà không có gì là bất hợp lý cả. Phí đó sẽ giúp bạn bù đắp cho thời gian, công sức bỏ ra để làm thủ tục, giấy tờ và đáp ứng nhu cầu trông nom đặc biệt của từng bé mới vào lớp.

Còn việc tính phí gửi trẻ sẽ dựa trên 3 thông số chủ yếu sau:

•    Nhân công và đồ dùng, thiết bị

•    Chi phí quản lý

•    Lợi nhuận

Một yếu tố nữa có thể xa lạ với các ngành khác nhưng lại rất quan trọng với các nhà trẻ là giới hạn số trẻ mà bạn có thể nhận. Ở hầu hết các lĩnh vực, nếu công việc làm ăn tốt, bạn có thể thuê thêm nhân viên để đáp ứng lượng khách lớn hơn. Nhưng với dịch vụ trông trẻ, luật định cũng như thực tiễn nhiều khi không cho phép bạn nhận quá số trẻ nào đấy. Do đó, khi đã đạt ngưỡng, bạn chỉ có thể mở rộng phạm vi khách hàng và tăng thu nhập bằng cách mở thêm địa điểm mới.

Hình thức thanh toán

Bạn có thể nhận thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản. Hãy hỏi ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng gần mình về thủ tục mở tài khoản và nhận tiền chuyển. Với nhiều nhà cung cấp dịch vụ trông trẻ và đưa đón, việc tự động trừ tiền học vào tài khoản của các bậc phụ huynh là cách thanh toán tiện nhất. Theo Yvett B thì để thu được tiền nhanh chóng và đúng hạn như thế thì nếu bạn phải trả một khoản phí nhỏ cũng xứng đáng.
 

Tiếp thị >


Do nhu cầu gửi trẻ ở nhiều nơi rất cao nên việc tiếp thị của bạn tương đối dễ dàng. Trên thực tế, nhiều nhà trẻ mà chúng tôi tìm hiểu, nhất là những nhà trẻ tại gia, hiếm khi hoặc không bao giờ phải tiếp thị vì họ đã hoạt động lâu năm và có tiếng tăm sẵn và nhiều lúc khách phải xếp hàng mới tới lượt. Nhưng doanh nghiệp mới thì kiểu gì cũng phải có kế hoạch tiếp thị và bạn không phải là ngoại lệ.

Để tiếp thị hiệu quả, các tài liệu giới thiệu thông tin của bạn phải chuyên nghiệp và rõ ràng. Hãy cân nhắc việc thuê một thiết kế đồ hoạ hay một người có kinh nghiệm viết lách để giúp bạn. Nếu họ có con, thì thay vì trả công cho họ, bạn có thể dành cho họ những ưu đãi về học phí.

Khi xây dựng kế hoạch tiếp thị, hãy lưu ý những vấn đề sau:

•    Những ai là khách hàng tiềm năng của bạn?

•    Lượng khách hàng tiềm năng đó là bao nhiêu?

•    Họ ở đâu?

•    Họ đang dùng cách gì để gửi trẻ?

•    Bạn có thứ mà họ cần không?

•    Bạn thuyết phục họ mang con đến gửi cho mình bằng cách nào?

•    Bạn cung cấp những dịch vụ cụ thể nào?

•    So với đối thủ thì bạn thế nào?

•    Bạn muốn xây dựng hình ảnh như thế nào?

Kế hoạch tiếp thị của bạn phải nhằm mục tiêu làm cho khách hàng tiềm năng biết đến sự hiện diện của bạn và chất lượng dịch vụ mà ban cung cấp. Để làm thế, bạn có thể sử dụng nhiều cách, từ tiếp thị truyền miệng cho đến những công cụ tinh vi hơn.

 

Lời khuyên

Hãy hỏi khách hàng mới xem họ biết bạn qua kênh thông tin nào và khả năng khai thác họ cho mục đích kinh doanh (họ có thể giới thiệu thêm cho bạn bao nhiêu khách khác nữa). Qua đây, bạn sẽ biết những hình thức tiếp thị nào của mình có hiệu quả và những hình thức nào không để điều chỉnh cho phù hợp.

 

 

(Dịch từ Entrepreneur)