Dĩ nhiên, dịch vụ chủ chốt của một salon tóc là cắt và tạo kiểu – từ sấy, là cho đến uốn, nhuộm. Các dịch vụ phổ biến liên quan đến nhuộm là nhuộm highlight, nhuộm lowlight, nhuộm 3D, phủ bóng, khôi phục màu nhuộm, chăm sóc tóc sau khi nhuộm. Còn tạo kiểu thì có tạo sóng, làm xoăn một phần hay xoăn phần đuôi, xoăn xoắn ốc, duỗi tóc. Tết tóc cũng là một dịch vụ ngày càng được nhiều người chọn lựa. Sau cùng là dịch vụ làm tóc cho những dịp đặc biệt như tiệc tùng, cưới hỏi. Chăm sóc chân tay và làm móng tuy thuộc loại hình dịch vụ thẩm mỹ nhưng vẫn xuất hiện ở nhiều salon tóc. Các kiểu chăm sóc chân tay gồm có:
- Cắt tỉa và đánh móng
- Đắp móng lụa
- Đắp móng bột
- Đắp móng khuôn nối
- Nối móng Nail tipping
- Đắp parafin
- Tẩy da chết và matxa tay chân trong quá trình làm móng
Tuỳ theo quy mô và khả năng tài chính (mua thêm trang thiết bị, thuê thêm thợ) mà bạn có thể mở thêm dịch vụ làm móng trong salon của mình ngay từ lúc ban đầu. Một salon không có dịch vụ làm móng thì cũng không sao, nhưng nếu có thì đương nhiên bạn sẽ có lợi thế về không gian và sự tiện lợi hơn những quán chuyên làm móng khác. Tuy nhiên, dù có thêm hay không thêm dịch vụ nào thì tối thiểu salon của bạn phải có cắt, tạo kiểu, làm xoăn, duỗi và nhuộm.
Các loại dịch vụ spa
Như đã đề cập ở trên, các dịch vụ spa đang phát triển đến chóng mặt. Có muôn vàn các loại dịch vụ spa nhưng về cơ bản được chia ra thành chăm sóc da và body, tẩy lông, trang điểm (có thể có thêm dịch vụ làm móng như ở salon nhưng thường thì, giá dịch vụ làm móng ở spa bao giờ cũng sẽ đắt hơn).
Các dịch vụ chăm sóc da và body gồm có:
- Tẩy da chết trên mặt và cơ thể (có thể dùng muối tắm làm sáng da, kem tẩy da chết, kem tẩy enzyme và các loại mặt nạ như bùn hay paraffin…)
- Matxa (toàn thân, mặt, chân, tay)
- Chườm, đắp các dưỡng chất (nhằm làm cơ thể săn chắc, hạn chế tích nước)
- Thuỷ trị liệu (sục bồn, ngâm khoáng nóng, …)
- Nhuộm nâu da/tắm trắng (xịt tay hay dùng máy)
- Tẩy lông, bao gồm
- Triệt lông vĩnh viễn
- Waxing (mặt, chân, cánh tay, bikini, lưng, nách)
- Tạo hình, phun thêu lông mày
- Trang điểm
- Bấm lỗ tai
Khi chọn các dịch vụ cho spa của mình, bạn cần cân nhắc các yếu tố như chi phí thiết bị và khả năng sinh lời. Chẳng hạn bạn có thể muốn có thêm dịch vụ thuỷ trị liệu nhưng loại dịch vụ này đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị rất tốn kém nên trước mắt spa của bạn chỉ tập trung vào dịch vụ matxa, làm mặt không thôi.
Một điểm khác cần lưu ý là dù có thể không làm dịch vụ thuỷ trị liệu, bạn cũng vẫn cần có phòng tắm để sau khi tẩy da chết hay đắp mặt nạ toàn thân, khách hàng của bạn có thể vào đó để tắm tráng. Bạn chỉ không cần phòng tắm khi không có bất kỳ dịch vụ ‘ướt’ nào nhưng như thế sẽ rất khó khi bạn muốn thay đổi, trừ phi bạn cải tạo lại spa của mình hay di dời sang địa điểm khác.
Vì spa cũng giống như một kiểu nghỉ dưỡng nên bạn có thể cung cấp các loại dịch vụ trọn gói – thường một gói sẽ có ít nhất 3 dịch vụ liên hoàn. Chẳng hạn như với thuỷ trị liệu, một gói có thể bao gồm tới 4 loại dịch vụ ‘khô’ và một dịch vụ thuỷ trị liệu. Theo ý kiến của những người trong ngành thì nên có gói nửa buổi (kéo dài khoảng 3 tiếng) và gói một buổi (kéo dài 5 tiếng với 30 phút-1 giờ nghỉ trưa và ăn nhẹ).
Một ngày bình thường ở salon
Thường thì vì nhu cầu của khách hàng (thậm chí của cả nhân viên) mà mỗi ngày ở salon lại có những vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, một số công việc gần như mang tính cố định và rất ít thay đổi. Chẳng hạn như bạn phải nhận và gọi điện thoại nhiều lần trong ngày, xếp lịch cho khách hàng, mua bổ sung đồ nghề, đào tạo nhân viên mới,… Ngoài ra, bạn cũng sẽ phải có lịch chia ca (có thể điều chỉnh khi nhân viên nghỉ phép), theo dõi các khoản thu chi, lên kế hoạch tiếp thị, quảng cáo và tổ chức những dịch vụ đặc biệt trong ngày hoặc trong tuần để thu hút khách. Về mặt nhân sự, bạn sẽ tuyển người, ghé qua các trung tâm/trường dạy nghề để tìm kiếm những nhân tố mới, đánh giá hiệu quả công việc của những nhân viên hiện tại, hướng dẫn, chỉ bảo những nhân viên trẻ, ít kinh nghiệm, hòa giải khi xảy ra mâu thuẫn giữa các nhân viên. Và tất nhiên, nếu bạn có chứng chỉ hành nghề, bạn cũng sẽ tham gia làm các công việc tạo mẫu tóc.
Công việc của người chủ salon có thể kể cả ngày không hết. Chính vì thế, nhiều người phải thuê thêm một người quản lý để phụ trách những công việc mang tính hành chính, dù salon của họ không lớn lắm. Đây là điều đáng làm nếu bạn muốn tập trung vào công việc chuyên môn là tạo mẫu tóc - riêng công việc này đã chiếm khá nhiều thời gian trong một ngày làm việc của bạn. Tất nhiên, bạn vẫn có thể tranh thủ làm những công việc hành chính trong khi chờ thuốc uốn/nhuộm ngấm vào tóc hay lúc vãn khách. Song để dành toàn tâm, toàn ý cho những việc cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và nghiêm túc như ghi chép, cân đối sổ sách thì thật là khó.