Cửa hàng tiện lợi: Có tiện để phát triển?
28/08/2015 02:49
Hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam ra đời và hoạt động một thời gian ngắn rồi chết yểu hoặc phải sang tên, đổi chủ, đến giờ vẫn chỉ “sống lay lắt” qua ngày mà chưa thấy có dấu hiệu đột phá nào.
Công bằng mà nói, cũng có một số ít cửa hàng tiện lợi hoạt động tương đối nhộn nhịp ở một vài nơi như khu trung tâm quận 1, khu “Tây ba lô”, khu Phú Mỹ Hưng hay một vài địa điểm gần trường học thuộc khu trung tâm, nơi có ít tiệm tạp hóa nhỏ lẻ.
Tuy vậy, con số ấy còn khá khiêm tốn và theo dự báo của người viết bài này, sẽ còn rất lâu, những cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam mới có “đất” sống thực sự và để đạt được mức độ phát triển rộng khắp như ở các nước khác, thời gian chờ sẽ có thể còn lâu hơn nữa. Vì sao như vậy?
Có nhiều lý do để giải thích cho nhận định trên.
Sự tiện lợi đã có thừa
Lý do đầu tiên là sự thuận tiện, vốn là ưu thế của những cửa hàng tiện lợi, lại đang có sẵn và có thừa ở Việt Nam. Với sự có mặt của hàng chục ngàn các cửa hàng tạp hóa, bánh kẹo, thức ăn, đồ uống đủ các chủng loại, không chỉ ở mặt tiền các đường phố lớn, mà còn ở khắp các “hang cùng ngõ hẻm” vì vậy các ưu thế “gần”, “nhanh”, “tiện đường”, “sản phẩm phong phú”... của các cửa hàng tiện lợi gần như không còn phát huy tác dụng nữa. Cần bất cứ thứ gì, chỉ cần bước ra đường, trong phạm vi bán kính vài trăm mét là đã có đủ các loại hàng hóa, vừa đa dạng, lại vừa có giá rẻ (rẻ hơn giá trong các cửa hàng tiện lợi được trang bị hiện đại).
Chưa kể, nếu quen biết, chỉ cần nhấc điện thoại lên, “sự tiện lợi” đã được mang đến tận nhà. Vậy thì người tiêu dùng Việt Nam đâu cần phải thêm sự tiện lợi nào nữa để rồi phải chịu mức giá cao hơn?
Văn hóa xe máy
Ít có đất nước nào trên thế giới có số lượng xe máy tính trên đầu người cao như ở Việt Nam. Cũng ít có thành phố nào có mật độ xe máy dày đặc như những thành phố lớn của Việt Nam. Xe gắn máy đã trở thành phương tiện đi lại gần như không thể thiếu đối với người Việt, kể cả những người đã có ô tô. Và việc sử dụng xe gắn máy mỗi khi ra đường gần như đã là một nhu cầu bắt buộc, thậm chí, một “nét văn hóa” của người Việt. Bước ra khỏi nhà là “vọt” lên xe máy, dù cự li chỉ vài trăm mét hay vài cây số. Càng đi gần nhà (trừ khi quá gần), người ta càng dùng xe máy, thay vì ô tô hay các phương tiện khác. Chỉ cần mua gì cách nhà vài trăm mét là đã “vèo” xe máy cho nhanh đến nơi thay vì đi bộ.
Và khi đã ngồi trên xe máy rồi thì cái “sự tiện lợi” của những cửa hàng tiện lợi (do gần nhà) không còn ý nghĩa gì nữa đối với người đi mua hàng. Họ hoàn toàn có thể “siết tay ga” thêm một tí là có thể “vèo” ngay đến chợ, siêu thị, hay khu tạp hóa nào đó xa hơn, với hàng hóa đa dạng hơn và giá rẻ hơn. Không muốn đi bộ, thậm chí, ghét đi bộ, gần như là thói quen của người Việt, đặc biệt là trong hoàn cảnh thời tiết nóng nực và đường sá bụi bặm. Chưa kể, người Việt thích ngồi ngay trên xe máy để gọi hàng (mang ra tận nơi) và trả tiền (cho tiện) hơn là dựng xe máy bên ngoài rồi bước vào một cửa hàng tiện lợi để tự lấy hàng một cách không lấy gì làm... tiện lợi. Về khoản này thì các cửa hàng tiện lợi bỗng dưng trở thành... bất tiện hơn các cửa hiệu nhỏ lẻ khác.
Nhà phố thấp tầng
Ở các đô thị lớn của nước ngoài, người dân thường sống tập trung trong những khu chung cư cao tầng. Với một khu nhà cao tầng (ba, bốn chục tầng) thì trong vòng bán kính vài ba trăm mét, đã có hàng chục “block” nhà với hàng chục ngàn căn hộ, và con số cư dân trong đó cũng rất đông. Trong bán kính vài ba trăm mét này, việc người dân sống trong các căn hộ này tìm đến các cửa hàng tiện lợi để mua những thứ lặt vặt là điều hết sức phổ biến. Chưa kể, ở nơi thời tiết mát mẻ, người dân thích thả bộ để dạo chơi, mua sắm, ăn uống nhẹ hơn là đi bằng các phương tiện khác, khi đó, các cửa hàng tiện lợi đúng là đem lại sự tiện lợi thật sự cho khách hàng của mình.
Còn ở Việt Nam, các khu chung cư cao tầng tập trung nhiều cư dân lại chưa có nhiều. Đa số người Việt sống trong các căn nhà phố thấp (vài ba tầng), hoặc nhà trệt. Với tập quán sống nhà phố này, trong bán kính vài trăm mét (thuận tiện cho việc đi bộ), số hộ gia đình hiện diện không nhiều, và vì thế cũng không có mấy dân cư. Một cửa hàng tiện lợi mọc lên sẽ không có nhiều khách đến mua, chưa kể chung quanh còn có rất nhiều những tiệm tạp hóa khác sẽ là đối thủ cạnh tranh.
Nếu cửa hàng tiện lợi (thường có quy mô nhỏ) tìm cách “chen” vào các khu chung cư cao tầng thì ở đó, nó lại đối đầu với các “ông lớn” khác là các siêu thị, trung tâm thương mại đã được “cài” sẵn từ khi lập và phê duyệt dự án. Không ít chuỗi cửa hàng tiện lợi đang “sống khỏe” nhờ các khu cao tầng ở nước ngoài, khi đem tiêu chí “bán kính vài trăm mét” vào Việt Nam đã thất bại hoàn toàn vì số lượng cư dân trong phạm vi bán kính như thế không tạo đủ “sở hụi”.
Văn hóa “đi chợ”
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi dù là trong nước hay nước ngoài khi muốn kinh doanh ở Việt Nam cần phải thấu hiểu văn hóa mua sắm của người Việt. Ở nước ngoài, chuyện các ông Tây thả bộ từ các căn hộ trên cao xuống mua hàng ở các cửa hàng tiện lợi gần nhà là rất phổ biến, và là điều hết sức bình thường. Ở Việt Nam, chuyện này hơi hiếm! Các ông chẳng mấy khi đi chợ (đi mua sắm nói chung), mà chủ yếu là các bà. Mà các bà thì lại thích lang thang ở chợ để “tám” với các bà bán hàng, hoặc vào siêu thị rộng rãi để tha hồ ngắm nghía, chọn lựa. Chẳng mấy khi các bà có “tác phong công nghiệp” là tạt vào một cửa hàng tiện lợi, chọn vài món lặt vặt... Đó cũng là chỗ “chết” của các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam khi không thấu hiểu những thói quen này.
Còn rất nhiều lý do khác mà trong nhiều năm tới, các kiểu cửa hàng tiện lợi (có quy mô nhỏ) sẽ khó có thể phát triển rộng khắp Việt Nam. Những đại gia (nước ngoài hay trong nước) muốn phát triển loại hình này ở Việt Nam buộc phải “trường” vốn và phải chấp nhận “trường kỳ kháng chiến”. Họ phải có “chiến lược mặt bằng” đúng đắn và phải “bám” vào các khu cao tầng, phố đi bộ, khu phố “Tây”, hoặc ở gần các trường học thuộc khu trung tâm, nơi chưa có sự hiện diện của các siêu thị và những cửa hiệu tạp hóa, thực phẩm sạch sẽ khác. Họ cũng buộc phải chấp nhận cuộc chơi lâu dài, phải chấp nhận “gian khổ” và phải “trường kỳ mai phục” chờ đến khi những yếu tố “chết người” nêu trên thay đổi. Lâu hay mau còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội, vào quá trình hội nhập... nhưng người viết bài này tin rằng sự khởi sắc chỉ có thể đến sau nhiều năm nữa!
(Theo TBKTSG)