Kinh doanh quần áo là công việc không bao giờ buồn chán. Nếu ai đó nghĩ là làm nghề này thì sẽ có thời gian xem ti vi, đọc sách báo thì chắc họ chỉ đoán mò. Còn chúng tôi xin khẳng định rằng bạn sẽ phải ăn, ngủ, sinh hoạt ở cửa hàng, nhất là thời gian đầu.
Robert L., chủ một cửa hàng ở Meridian (Mississippi, Mỹ) khẳng định: "Không có ngày nào giống ngày nào cả”. Thậm chí anh còn không nhớ nổi có lúc nào mình được rảnh rang không nữa. “Mỗi ngày bạn lại có cả đống công việc mới phải làm, nào là quản lý nhân viên, nhận hàng, trưng bày…Phút trước bạn vừa nói chuyện điện thoại với khách hàng thì phút sau bạn đã phải liên hệ với cơ quan quảng cáo. Rồi có lúc bạn phải chúi mũi vào sổ sách để xem tại sao tháng trước mình chi nhiều thế”.
Quy chế hoạt động/bán hàng
Đây sẽ là thứ giúp bạn giữ thăng bằng trong công việc. Khi một cửa hàng đi vào hoạt động, sẽ có vô số vấn đề nảy sinh và chắc chắn bạn sẽ muốn có sẵn một cơ chế để làm căn cứ giải quyết kịp thời những vấn đề đó, tránh những trục trặc, chậm trễ đáng tiếc khiến bạn có thể mất đi nhân viên/khách hàng quan trọng nào đó. Vì thế, hãy ngồi xuống và thảo ra quy chế hoạt động/bán hàng của cửa hàng mình và gửi đến toàn bộ nhân viên. Những quy chế nào liên quan đến khách hàng, chẳng hạn như thanh toán tiền mặt hay thẻ tín dụng, bạn có thể thông tin rộng rãi để khách hàng biết.
Sẽ có rất nhiều thứ cần đến quy chế khi bạn bước vào ngành kinh doanh thời trang, trong đó có những vấn đề liên quan đến thời gian mở cửa, giá cả, hàng ký gửi, mua sản phẩm ngoài ý muốn, cho nợ, đặt cọc, đồ trả lại, những đơn hàng đặc biệt, hư hại, trẻ em trong cửa hàng, loại thẻ tín dụng được áp dụng, gói quà,...
Chúng tôi để thời gian mở cửa ở ngay đầu tiên để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó vì thời gian mở cửa sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thành công của bạn. Không như các trung tâm mua sắm, các cửa hàng thời trang thường mở cửa tối thiểu là 6 ngày/tuần, từ thứ 2 đến thứ 7 và từ 10 giờ sáng tới 6 - 7 giờ tối, có chỗ mở tới 9 giờ tối hoặc muộn hơn vào một số ngày trong tuần, nhất là thứ 5 và thứ 6. Linh động giờ giấc để có thể phục vụ khách hàng vào buổi trưa hoặc tối muộn cũng là điều nên làm khi bạn tham gia vào ngành này.
Chọn địa điểm
Khi chọn địa điểm để mở cửa hàng, bạn sẽ phải cân nhắc một số yếu tố như: địa điểm đó có đông dân cư không, kinh tế có tốt không và có đối tượng khách hàng phù hợp với sản phẩm của bạn không.
Với hầu hết các cửa hàng đi thuê địa điểm, tiền thuê thường căn cứ trên diện tích và trả theo tháng. Một số chủ nhà tính giá thuê tối thiểu cộng với phần trăm doanh thu bán hàng hàng tháng của người thuê - cao hơn mức đã ấn định trước.
Ngoài tiền thuê nhà và phần trăm doanh thu, nhiều người đi thuê cửa hàng ở một trung tâm mua sắm còn phải trả thêm một loại phí gọi là phí phụ trội. Phí này được tính theo diện tích hoặc theo phần trăm doanh thu và được sử dụng vào quảng cáo cho khu mua sắm cũng như duy tu các cơ sở vật chất xung quanh cửa hàng như chỗ để xe, vỉa hè, đường đi, khu vực nghỉ chân, sân hiên, phòng vệ sinh.
Vì thế, trước khi quyết định chọn địa điểm thuê, hãy thực hiện những bước sau:
1. Xem trước vài địa điểm rồi mới chọn
2. Tìm hiểu xem địa điểm có rơi vào diện quy hoạch hay phải tuân thủ quy định nào không
3. Tính toán nhu cầu để xe
4. Cân nhắc xem địa điểm có xứng với tiền thuê không
5. Tìm ra điểm hấp dẫn của địa điểm thuê
6. Xác định xem nếu thuê địa điểm đó thì có khả năng phát triển không
7. Tính xem cửa hàng bạn sẽ cần bao nhiêu diện tích
Thuê nhân viên
Số nhân viên mà bạn phải thuê sẽ dao động theo giờ mở cửa và lượng khách hàng nhưng nguyên tắc phổ biến là một cửa hàng khoảng 100 m2 sẽ cần 1 nhân viên toàn thời gian và một nhân viên bán thời gian.
Khi bạn tuyển nhân viên bán hàng, tiêu chí hàng đầu phải là khả năng bán hàng và tính cách. Thoả mãn hai tiêu chí này thì bạn mới có thể hy vọng đào tạo được nhân viên của mình và chắc chắn rằng họ biết chiều khách, biết tư vấn khách mua hàng và biết xử lý mọi tình huống. Bạn cũng sẽ muốn nhân viên của mình nghiêm túc, thật thà để có thể tin tưởng giao cho họ trọng trách thu tiền và ghi sổ sách.
Robert L., một doanh nhân trong lĩnh vực thời trang khẳng định: "Kiểu gì thì bạn cũng phải có tiêu chí tuyển người cụ thể bởi dịch vụ khách hàng rất quan trọng, nó giúp tạo sự khác biệt giữa bạn và các siêu thị".