Chế phẩm từ sữa - cuộc đua mới của các doanh nghiệp

07/08/2015 02:01

Chế phẩm từ sữa - cuộc đua mới của các doanh nghiệp

Thị phần các chế phẩm từ sữa như yaourt, phô mai đang mang lại doanh thu khả quan và tốc độ tăng trưởng hai con số cho nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa.


Sữa chua tăng trưởng đều

 

Do tỷ lệ sử dụng sữa chua tại Việt Nam còn rất thấp, nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sữa đều không bỏ qua thị phần này khiến thị trường ngày càng cạnh tranh.

 

Chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 84%, nhưng Vinamilk không ngừng tung ra các loại sữa chua mới, như sữa chua nha đam, sữa chua susu dành cho trẻ em, sữa chua Provy... với quảng cáo dày đặc.

 

Tương tự, sau khi tung ra loại sữa chua đầu tiên mang thương hiệu Love In Farm, Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) liên tục ra mắt nhiều dòng sữa chua bổ sung dưỡng chất và các loại trái cây.

 

Sau IDP, nhiều loại sữa chua của các công ty sữa FrieslandCampina, TH true Milk, Nutifood, Hanoi Milk... ra đời.

 

Ông Mark Boot, Tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, cho biết: "Sữa chua thanh trùng hiện đang là một trong số những sản phẩm bán chạy hàng đầu tại Đức, Nga và các nước châu Âu khác. Tại Việt Nam, chỉ một thời gian ngắn ra mắt dòng sữa chua thanh trùng Cô gái Hà Lan, sản phẩm đã có chiều hướng gia tăng, đóng góp không nhỏ vào doanh thu của Công ty".

 

Dù ra sau, nhưng theo đại diện của TH true Milk, sữa chua TH true Yogurt đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và là thương hiệu đứng thứ 2 trên thị trường sữa chua. Từ lúc ra đời đến nay, tốc độ tăng trưởng của sữa chua TH true Yogurt mỗi năm tăng đều hai con số.

 

Sau khi hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai cung ứng nguồn nguyên liệu sữa, Nutifood bắt đầu sản xuất sữa chua.

 

Dù vẫn trong thời gian sản xuất thăm dò gu người tiêu dùng và thị trường, nhưng theo Nutifood, sản phẩm có mức cầu quá công suất nên khi nguồn cung nguyên liệu sữa dồi dào, Công ty sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất.

 

Mới đây, tại đại hội cổ đông năm 2015, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoi Milk cho biết: "Tổng sản lượng sữa năm 2014 của Hanoimilk là 8,1 triệu lít, gồm 6,1 triệu lít sữa tiệt trùng UHT và 2 triệu lít sữa chua. Mảng sữa chua đã đóng góp 30% doanh thu của Hanoimilk nên trong năm 2015, Hanoimilk sẽ tăng tỷ trọng sữa chua trong cơ cấu doanh thu lên 40%.

 

Theo Tổng giám đốc IDP Trần Bảo Minh: "Sữa chua là mặt hàng mang lại lợi nhuận khá tốt cho IDP. Vì vậy, sữa chua là một trong những nhóm sản phẩm chủ chốt mà chúng tôi định hướng phát triển. Doanh số sữa chua đang được nâng từ 25% lên gần 50%. Trong 5 năm tới, IDP sẽ mở rộng nhà máy sản xuất, đầu tư thêm máy móc ở Củ Chi, Ba Vì để nâng công suất và sản lượng".

 

Mở rộng sản xuất phô mai, váng sữa

 

Dù chưa sử dụng phổ biến ở Việt Nam, nhưng gần đây, nhu cầu sử dụng đã tăng hơn những năm trước nên một số công ty chế biến sữa trong nước bắt đầu sản suất phô mai.

 

Theo đại diện Hiệp hội Xuất khẩu các sản phẩm bơ sữa Hoa Kỳ (USDEC) tại Việt Nam, tiêu thụ phô mai tăng trưởng ở mức hai con số trong vài năm gần đây, vì vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ sữa, đặc biệt là phô mai sang Việt Nam.

 

Cách đây 4 năm, khi mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam, ông Antoine Fievet, Chủ tịch Tập đoàn Bel cho hay, sở dĩ Bel chọn Việt Nam để mở nhà máy sản xuất vì phô mai Con bò cười tiêu thụ tốt.

 

Chẳng hạn trong quý III/2012, sản lượng hàng bán ra của Công ty Bel Việt Nam tăng khoảng 70% so với quý trước đó và năm 2013 tăng 35% so với năm 2012. Hiện tại, công suất nhà máy sản suất phô mai của Bel đã đạt 15.000 tấn/năm, lượng tiêu thụ đã tăng gấp ba lần so với năm 2014.

 

Đó là lý do Bel đầu tư thêm 17 triệu USD để xây nhà máy mới tại Bình Dương vào đầu tháng 7/2015. Ông Chafiq Hammadi, Giám đốc Điều hành Bel Việt Nam khẳng định: "Thị trường phô mai ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng nên chúng tôi quyết định đầu tư nhà máy với diện tích sàn rộng gấp 5 lần, tổng công suất sẽ nâng cao gấp 9 lần".

 

Với nhà máy mới này, Bel không chỉ cung cấp phô mai cho thị trường Việt Nam mà sẽ trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm này cho khu vực Đông Nam Á, trước mắt xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Philippines, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Lào, tiếp sau đó là Indonesia và Myanmar.

 

Là đơn vị phân phối khá lâu năm nhãn hiệu phô mai President tại thị trường Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan cho biết, mỗi năm Công ty phân phối trên dưới 600 tấn phô với doanh thu khá ổn định. Hai năm gần đây, số lượng tiêu thụ phô mai càng tăng.

 

Ở trong nước, Vinamilk là doanh nghiệp hiếm hoi trong khối nội "lấn sân" vào lĩnh vực phô mai.

 

Theo đại diện của công ty này, phô mai của Vinamilk đang tăng trưởng tốt do hợp khẩu vị người tiêu dùng, nhất là trẻ em và đóng góp doanh thu khả quan cho Công ty. Vì vậy, Vinamilk tiếp tục đầu tư, cải tiến sản phẩm để gia tăng thị phần.

 

Ở nhóm váng sữa (chế phẩm từ sữa tươi), IDP đã đầu tư 53 tỷ đồng cho đàn bò ở Ba Vì để có nguyên liệu sản xuất sản phẩm này.

 

Theo ông Vũ Khánh Toàn, Giám đốc Marketing Công ty Delys, Công ty đã rất thành công khi phân phối váng sữa Monte (sản phẩm của Hãng Zott) tại Việt Nam. Vì vậy, Công ty tiếp tục mở rộng phân phối sản phẩm này bên cạnh các loại sữa chua tại Việt Nam.

 

(Theo DNSG)