Cách viết CV khiến cho các nhà tuyển dụng đều muốn đọc

25/08/2014 12:55

Cách viết CV khiến cho các nhà tuyển dụng đều muốn đọc


Tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú mỗi khi update CV của mình...


Nhưng rồi tôi gặp Jorli Pena, một người thực sự vui lòng khi được giúp người khác tìm ra mục tiêu công việc và xây dựng một bản CV có thể khiến họ đạt được các mục tiêu đó.

Pena điều hành Sweet Resumes, một công ty tư vấn chuyên cung cấp các bản sơ yếu lý lịch và tư vấn nghề nghiệp, giúp tiến trình công việc của khách hàng trở nên khả quan hơn. Pena bắt đầu bằng việc giúp bạn bè và người thân sửa các bộ CV của mình trong thời gian rảnh rỗi. 

Rồi cô nhận ra sở thích nho nhỏ này rất có tiềm năng kinh doanh sau khi sếp mới của một người bạn nói rằng bà chưa từng thấy bản CV nào hay đến vậy.

Pena đã bỏ công việc marketing của mình để gây dựng công ty riêng sau đó. Dưới đây là những lời khuyên của cô trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, tìm ra công việc yêu thích và viết một bản CV khiến mọi người thực sự muốn đọc.

 

PV: Những sai lầm thường thấy nhất trên các bản sơ yếu lý lịch là gì?

Jorli: Trước nhất là sự luộm thuộm, cẩu thả. Cách dòng lung tung, không biết sử dụng dấu câu, đại loại như vậy. Nếu bạn bảo tôi bạn là người “coi trọng chi tiết” mà đến cả việc bỏ chút thời gian sắp xếp lại CV của mình cũng không làm được, thì tôi chẳng tin bạn đâu.

Lỗi thứ 2 là sử dụng các từ ngữ hoa mỹ và viết tắt quá nhiều. Để tạo ấn tượng, nhiều người lại bỏ qua bước viết một cách dễ hiểu. Để tránh tình trạng này, hãy nhờ một người bạn không cùng lĩnh vực đọc lại bản CV, nếu họ không hiểu bạn viết gì, thì bạn nên viết lại một cách đơn giản hơn.

Cuối cùng, hầu hết các sơ yếu lý lịch tôi từng đọc không mang lại kết quả nào. Đây là một nguyên tắc vàng: nếu những gì bạn viết chẳng khác gì một bản mô tả công việc, thì nó quá tẻ nhạt. 

Bạn cần có vài gạch đầu dòng để miêu tả đặc thù công việc, nhưng nếu bạn muốn nổi bật, hãy nêu vài thành tựu cụ thể. Nó có thể là về số lượng (vd: vượt năng suất chỉ tiêu hằng năm tới 75%) hoặc chất lượng (vd: tiến hành hệ thống phân loại mới khiến năng suất tăng và giảm thời gian chờ đợi của khách hàng).

 

PV: Phần quan trọng nhất của một bản sơ yếu lý lịch là gì?

Jorli: Đó là phần “tóm tắt công việc” hay những người ở Sweet Resume chúng tôi gọi là “khẳng định thương hiệu cá nhân”. Đây là một đoạn văn ngắn tầm 2-3 câu nhưng cực kì quan trọng, được viết ở phần trên của CV, nó mang cái nhìn tổng quát về kinh nghiệm và khả năng của bạn.

Khi một người đọc CV của bạn, họ đang cố gắng thu thập thông tin về bạn một cách nhanh chóng. Thay vì bắt họ phải tự tóm tắt, một vài dòng ngắn gọn súc tích sẽ chiếm nhiều cảm tình của người đọc hơn. Đây là cơ hội để bạn trở nên nổi trội hơn những người khác đang muốn xin vào cùng vị trí. 

Và mặc dù thực sự không ai rảnh để đọc từng câu từng chữ trong CV của bạn, đây lại là phần họ chú tâm nhất.

Nên lưu ý là, mặc dù ngắn, nhưng nó cũng cần phải cô đọng và gây chú ý.  Đừng mô tả một cách sáo mòn. Chúng tôi thường phải dành khoảng 90’ phỏng vấn từng khách hàng trước khi viết để có thể nắm bắt được các kỹ năng đặc biệt của họ. Không chỉ họ giỏi những gì, chúng tôi còn muốn cho thấy điều gì lại khiến họ giỏi như thế.

 

PV: Có gì khác biệt khi bạn đưa ra lời khuyên cho một người đang có việc làm với một người đang thất nghiệp?

Jorli: Tôi thấy những lời khuyên của tôi không có khác biệt gì lớn giữa người có việc làm và không. Trình tự thời gian của họ có thể khác nhau, một người đang thất nghiệp thì thường khá là vội để tìm được công việc mới, nhưng tiến trình thì như nhau: bạn cần phải hiểu rõ bản thân mình, công việc mình đang tìm kiếm và sau đó là viết một bản CV thật “hoành tráng”.

Với những người đang thất nghiệp, để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, chúng tôi sẽ dành thời gian giúp họ tự tin hơn. Tôi nhận thấy càng thất nghiệp lâu, mọi người càng thấy lo lắng rằng mình bị hổng kỹ năng hơn, nhưng trong thực tế thứ bị “hổng” chính là sự tự tin.

 

PV: Bạn có lời khuyên gì cho những người đang tìm việc muốn định hình thương hiệu cá nhân của mình?

Jorli: Trước hết, bạn nên biết là rất khó để đánh giá khách quan về bản thân mình. Có một điều thú vị tôi để ý thấy nhiều khách hàng thường bỏ qua những tài năng đặc biệt của họ vì họ cho rằng những điều ấy thật tầm thường.

Đây là một bài tập nhỏ bất cứ ai cũng có thể làm để hiểu rõ hơn về thương hiệu cá nhân của mình: Gửi email cho nhiều người bạn, những đồng nghiệp cũ và hiện thời, thậm chí cả người thân. Hãy nói rằng bạn đang cố xây dựng thương hiệu cá nhân và mong họ có thể bỏ ra ít phút để nêu lên 3 tính từ miêu tả về bạn. Nhiều câu trả lời có thể bạn đã biết, nhưng sẽ có những câu làm bạn phải bất ngờ đấy.

 

PV: Lời khuyên của bạn gửi tới những người sẽ nhận bất kì công việc nào thay vì công việc mơ ước?

Jorli: Thực ra tôi đã tiếp xúc với nhiều khách hàng không chắc công việc mơ ước của họ là gì, nhưng họ biết mình không cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại. Việc đầu tiên là lên một danh sách những công việc lý tưởng, và bạn nhất thiết phải viết nó ra. 

Không rõ vị trí chính xác bạn muốn làm hay thậm chí là ngành nghề nào? Không sao, hãy bắt đầu với những gì bạn biết, ví dụ như “Một ông/bà sếp không tồi”, hay “Một công việc lý thú” v.v…

Đừng bao giờ nhận một công việc chỉ vì tiền lương. Tiền cũng tốt, và nó chắc chắn là yếu tố quan trọng khi ta nói về công việc. Nhưng nó chỉ là 1 yếu tố, chứ không phải tất cả. Đa số chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày cho công việc hơn bất cứ điều gì khác. Nếu những ngày tháng đi làm đang bòn rút sức lực của bạn thì chẳng có số tiền nào có thể bù đắp được.

Hãy làm điều mình thích, và được trả công xứng đáng. Tôi nghĩ điều đó không quá khó khăn cho bất kì ai.

 

 

Anh Thu

Theo Infonet/Jacky Carter