Nội dung nổi bật:
- Làm việc năng suất: Có nghĩa duy trì tiến độ ổn định với một số đầu việc nhất định, chứ không phải gồng hết "công suất" đẩy tối đa tốc độ với tất tần tật mọi thứ.
- Bí quyết để làm việc năng suất: Tuy vô cùng đơn giản nhưng đang bị 'bỏ quên' đó là "việc nào quan trọng, làm trước".
- Cách xác định: Tự đặt ra ranh giới để xác định đâu là việc quan trọng, và đó chính là những việc có khả năng thúc đẩy hy vọng, ước mơ, sức sáng tạo và công việc của chúng ta đi lên.
Cứ mỗi sáng thức dậy, tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway lại cầm bút lên và thực hiện công việc quan trọng nhất của cuộc đời, đó là viết lách. Ông nói rằng: "Vào thời điểm đó, chúng ta không phải lo bị người khác làm phiền."
Thời gian biểu của Hemingway cũng như hàng trăm nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học khác đã gợi mở cho chúng ta một phương pháp làm việc vô cùng hiệu quả, giúp đẩy mạnh năng suất và rút ngắn tiến độ công việc. Đó là phương pháp gì? Tại sao nó hiệu quả? Do đâu mà ta quên không áp dụng nó thường xuyên?
Việc gì quan trọng, ưu tiên làm trước
Phương pháp ấy đơn giản đến bất ngờ: "Việc gì quan trọng, ưu tiên làm trước". Đúng vậy, nghe rất đơn giản nhưng trên thực tế chẳng mấy ai nhớ ra điều đó. Chỉ cần thực hiện câu "thần chú" vô cùng đơn giản này, bạn sẽ có được những tiến bộ đáng kinh ngạc không khác gì nhà văn Hemingway, người đã tạo ra một khối lượng tác phẩm đồ sộ trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình.
Tại sao phương pháp ấy hữu dụng?
Chúng ta thường cho rằng càng làm được nhiều việc trong một ngày thì tức là càng năng suất và hiệu quả. Đây chỉ là một ngộ nhận! Hiệu quả, năng suất ấy là khi duy trì thực hiện được những công việc quan trọng một cách đều đặn. Dù bạn đang phải làm bao nhiêu thứ đi chăng nữa thì trong đó cũng chỉ có vài việc thực sự quan trọng mà thôi. Làm việc năng suất có nghĩa duy trì tiến độ ổn định với một số đầu việc nhất định, chứ không phải gồng hết "công suất" đẩy tối đa tốc độ với tất tần tật mọi thứ. Đó là lý do tại sao phương pháp này hiệu quả.
Việc quan trọng được ưu tiên trước thì sẽ hoàn thành trước. Áp dụng phương pháp này, ta sẽ chấm dứt được tình trạng hao phí hàng giờ đồng hồ chỉ để giải quyết những việc quan trọng thứ tư, thứ năm, thứ sáu... trong danh sách đầu việc mà bỏ quên luôn việc đang cần ưu tiên.
Tại sao chúng ta "quên mất" phương pháp này?
Các bạn có nhận ra điều này không, rằng chúng ta đang dành quá nhiều thời gian để chạy theo người khác chứ không vì công việc của mình? Có lẽ chăng đây một phần kết quả của tác động của xã hội. Đi học, chúng ta được giao bài tập, lên lịch kiểm tra. Đi làm, chúng ta được cấp trên giao nhiệm vụ, đặt kỳ vọng. Về nhà, chúng ta làm việc nhà, chăm sóc con cái, vợ hoặc chồng...
Sau nhiều thập kỷ, chúng ta hình thành nên thói quen dành thời gian xử lý tác động đến từ môi trường xung quanh, hay nói cách khác, xử lý kỳ vọng, mệnh lệnh, nhu cầu của người khác. Vô hình trung, cứ mỗi sáng thức dậy, ta lại mở hòm thư, kiểm tra tin nhắn điện thoại và ngồi chờ... những mệnh lệnh mới nhất. Bạn hãy tự đặt ra ranh giới để xác định đâu là việc quan trọng, và đó chính lànhững việc có khả năng thúc đẩy hy vọng, ước mơ, sức sáng tạo và công việc của chúng ta đi lên.
Điều ấy không đồng nghĩa với việc ta sẽ làm ngơ trước trách nhiệm của một người cha, người mẹ, người lao động hay người công dân mà chỉ đơn giản, cái ta cần là dành một phần thời gian, một khoảng không gian để giải quyết công việc của bản thân, chứ không phải lúc nào cũng chạy theo yêu cầu của người khác.
Ưu tiên việc quan trọng nhất vào lúc nào trong ngày?
Có ba lý do để nhà văn Ernest Hemingway hay nhiều người thành công khác khởi đầu công việc vào ngay buổi sáng:
Thứ nhất, đây là thời điểm sức mạnh ý chí dâng lên khá cao trong ngày. Bạn có thể dành thật nhiều năng lượng, công sức cho những đầu việc quan trọng.
Thứ hai, công việc chính bắt đầu càng muộn, thì những công việc "râu ria" sẽ lại càng có nguy cơ xuất hiện và chen vào lịch trình một cách ngoài dự liệu, khiến chúng ta lại càng ít có thời gian để xử lý. Ưu tiên giải quyết những việc quan trọng nhất sẽ giúp ta tránh được tình trạng "bực mình" này.
Thứ ba, con người thường có tâm lý khó chịu trước những gì đang dang dở. Công việc chưa hoàn thành khiến cho ta căng thẳng và stress.
Tuy nhiên đối với những người thường xuyên làm việc vào ban đêm, ai cũng sẽ tỏ ra ngao ngán khi nghĩ tới hai từ "buổi sáng", thời điểm "đáng sợ" khi mà những tia nắng chói chang bắt đầu xiên thẳng vào tận giường và đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ êm đềm. Dĩ nhiên, đường đến thành công không chỉ có một. Cho dù bạn thuộc nhóm "cú đêm" hay "con người của bình minh", thì điều cốt lõi để làm việc hiệu quả, năng suất vẫn là dành thời gian giải quyết việc cho riêng mình và ưu tiên cho những đầu việc quan trọng nhất.
Thùy An