Ba bài học đương đầu với khủng hoảng từ một thương hiệu guitar

25/06/2014 04:45

Ba bài học đương đầu với khủng hoảng từ một thương hiệu guitar


Một công ty sản xuất guitar cao cấp đã làm gì khi không bán được hàng vào thời kỳ khủng hoảng?


Thành lập năm 1833, C. F. Martin & Co. là công ty sản xuất nhạc cụ acoustic lâu đời nhất trên thế giới, cũng là nhà sản xuất guitar lớn nhất tại Mỹ.
 
Công ty nổi tiếng vì chất lượng nhạc cụ tuyệt hảo và cả những cải tiến vẫn được lấy làm tiêu chuẩn cho lĩnh vực này. 
 
Những chiếc guitar của Martin thường có giá vài nghìn USD - được làm hoàn toàn thủ công, có thiết kế và tính năng như những chiếc guitar được sản xuất từ những năm 1830. 
 
Công ty không có ý định sản xuất guitar hàng loạt, vì mỗi lát gọt là một công đoạn tỉ mỉ, chỉ cần sai số một chút cũng có thể tạo ra sự khác biệt, ông Boak – một quản lý lâu năm của công ty tiết lộ. 
 
Vì lí do đó, công ty coi nhân viên là những tài sản giá trị nhất, ông cho biết. 
 
Vì vậy, khi đợt suy thoái 2009 bước vào giai đoạn trầm trọng, những chiếc guitar cao cấp không bán được hàng, công ty vẫn không nghĩ đến lựa chọn sa thải nhân viên. 
 
Thay vì vậy, C. F. Martin đã tìm ra một cách khác để giữ công ăn việc làm cho nhân viên qua giai đoạn khốn khó. 
 
Chiến dịch

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên C. F. Martin trải qua giai đoạn trầm lắng của nền kinh tế. 

Trong chặng đường 177 năm, công ty đã vượt qua cuộc Nội chiến, đợt Đại suy thoái, và cả hai Thế chiến. Do đó, Boak cảm thấy ông có thể lật lại lịch sử và lấy cảm hứng từ đó. 

“Khi mọi người nói đây là đợt khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, tôi nghĩ rằng chúng tôi nên nhìn lại thời kỳ đó. Khi ấy, chúng tôi cho ra lò một số mẫu ghitar giá rẻ có tên Style 15”, ông Boak kể lại.

“Trong tình thế hiện tại, việc tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng được tối giản hóa, phục vụ nền kinh tế khó khăn có vẻ là một ý tưởng hay”, ông nói. 
Cả công ty đồng tình với ý kiến này, nhóm bán lẻ tại các quốc gia trên toàn thế giới cũng xác nhận ý tưởng về một sản phẩm ít đắt đỏ hơn trong hiện tại là hợp lý. 

Cuối cùng, mẫu ghitar 1 Series ra đời. 

1 Series được làm từ gỗ đặc để đảm bảo chất lượng âm thanh. Để giảm giá thành sản xuất, công ty chuyển sang dùng một loại sơn dễ đánh bóng hơn. Các chi tiết trang trí bên trong được loại bỏ. Gỗ ở cần ghitar cũng được chuyển sang loại dễ tìm và rẻ hơn. 

Dòng 1 Series được tung ra để cạnh tranh trực tiếp với công ty Taylor đối thủ, nhưng với tag giá thậm chí còn thấp hơn tại 1.199USD, theo tính toán, giá về đến các cửa hàng có khuyến mại sẽ còn dưới 1.000USD.
 
“Mọi người vẫn ngưỡng mộ Martin từ lâu. Nếu họ có điều kiện chọn giữa Martin và các thương hiệu khác, họ sẽ chọn Martin nếu giá cả phù hợp”, Boak giải thích. 
 
 
Kết quả
 
Với 8.000 chiếc guitar 1 Series thử nghiệm phản ứng thị trường, C. F. Martin nhận về 8.000 đơn đặt hàng – toàn bộ lượng guitar dự kiến sản xuất trong năm 2009 được bán hết veo. 
Ngay lập tức, hãng nhận thêm nhiều đơn đặt hàng cho năm 2010, cả những đơn tái đặt hàng từ những cửa hàng bán lẻ đã hết hàng. 
Khỏi cần nói, công ty đã đẩy mạnh sản xuất chiếc guitar 1 Series trong năm 2010.
 
 
Bài học
 
Nhìn về quá khứ để tìm cảm hứng. C. F. Martin không phải là công ty duy nhất phải trải qua đợt Đại khủng hoảng và nhiều thời kỳ khác, công ty đã chọn cách nghiên cứu những chiến lược trong quá khứ và hiện tại, của cả công ty mình và những doanh nghiệp khác. Việc này đã phát huy tác dụng.
Tìm thị trường mới. C. F. Martin cung cấp sản phẩm mới với giá thành thấp hơn, nhưng không hy sinh chất lượng – yếu tố làm nên thương hiệu của công ty. Dòng đàn 1 Series có thể không hào nhoáng như những sản phẩm khác của công ty, nhưng nó vẫn giữ được chất lượng âm thanh tuyệt hảo mà người mua trông chờ từ Martin. Do đó, niềm tin của khách hàng không hề suy chuyển. 
Có khả năng thích nghi. Trong khi các công ty khác đua nhau sản xuất hàng loạt để đưa ra nhiều sản phẩm hơn và tiết kiệm chi phí, C. F. Martin chủ đích giữ lối sản xuất truyền thống và đơn giản, cho rằng chính thợ đàn có thể tự thích nghi. Vượt trên chất lượng và mẫu mã, cách tư duy này giúp cho công ty trở nên mềm dẻo, thích nghi nhanh chóng với điều kiện thị trường và vượt qua khó khăn. 
 
 
Theo BizLive