9 thương hiệu nổi tiếng trong cơn bão thoái trào
01/08/2015 02:40
Theo trang MSN, những thương hiệu bán lẻ nổi tiếng dưới đây đã có giai đoạn hưng thịnh song hiện tại lại lạc lối trên con đường trở lại thời hoàng kim.
1. J. Crew
Những điểm yếu trong các thiết kế áo len và các sản phẩm đan móc của J.Crew đã làm giảm doanh số bán hàng trong quý gần nhất của thương hiệu bán lẻ này.
Tại J. Crew, mỗi chiếc váy thường có giá tới 100 USD hoặc thậm chí là cao hơn. Công ty này đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều nhãn hàng thời trang “ăn liền” với sản phẩm có giá thấp hơn rất nhiều. Không những thế, J. Crew còn phải cạnh tranh với nhiều cửa hàng chuyên bán các sản phẩm đặc biệt khác với các chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Mới đây, thương hiệu này đã rục rịch có những nước đi nhằm xoay chuyển tình thế, bắt đầu từ việc đánh bóng nhãn hiệu đầu tàu của mình, Madewell.
"Chúng tôi đang tạo ra những thay đổi có ý nghĩa và mang tính chiến lược trong toàn nội bộ tổ chức, nhằm củng cố vị thế của công ty và hướng đến sự tăng trưởng trong tương lai", CEO Mickey Drexler phát biểu.
2. Adidas
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn giữa Nike và Under Armour, Adidas đã mất “sải chân” tại thị trường Mỹ. Năm ngoái, doanh số tại Bắc Mỹ, khu vực đầu não duy nhất của nhãn hàng chuyên sản xuất đồ thể thao này sụt giảm mạnh. Đây là tiêu điểm được đem là thảo luận trong Ngày hội các Nhà đầu tư của Adidas diễn ra vào tháng 3 vừa qua.
Tại đó, Adidas cam kết sẽ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào thị trường Mỹ và từ bỏ vai trò là nhà cung cấp đồng phục độc quyền cho NBA. Hợp đồng độc quyền với Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ giúp Adidas có thể "bán đồng phục thể thao nhưng lại không giúp bán được các sản phẩm giày dép", CEO Herbert Hainer cho biết.
Tuy nhiên, áp lực về doanh số bán hàng đã giảm xuống khi khu vực Bắc Mỹ công bố mức tăng trưởng 7% trong quý đầu tiên.
3. Gap
Những khách hàng muốn mua sản phẩm tốt hơn từ Gap có thể sẽ phải chờ đến tận năm tới. Sau hơn một năm ngập trong tình trạng doanh số hàng tháng sụt giảm, tháng trước, CEO Art Peck đã phát biểu trước các nhà đầu tư rằng ông sẽ đặt cược lớn vào các sản phẩm hấp dẫn hơn được tung ra trong mùa xuân này.
Peck hy vọng có thể nhìn thấy ảnh hưởng của giám đốc thiết kế mới Wendi Goldman, người từng có thời gian làm việc tại Saks Fifth Avenue, Banana Republic và C. Wonder. Tuy nhiên, thương hiệu này bị chỉ trích vì sản phẩm không có đủ màu sắc và kích cỡ vừa vặn.
"Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp cho thách thức về mặt hàng dành cho nữ doanh nhân trong vài mùa tới", Peck nói. "Tôi tin rằng chúng tôi có những chẩn đoán chính xác và tôi có thể khẳng định rằng nhóm nghiên cứu đang hoàn toàn kiểm soát các vấn đề liên quan đến việc này".
4. American Apparel
Kế nhiệm nhà sáng lập Dov Charney, người đã từng gây ra nhiều tranh cãi trong giới, bà Schneider – CEO đương thời của American Apparel – đang nỗ lực biến công ty trở thành một thương hiệu trị giá tới 1 tỷ USD. Bà loại bỏ những mặt hàng bán chậm, đồng thời tung ra những sản phẩm mang phong cách mới và quan trọng nhất là đưa công ty thoát khỏi những tai tiếng về việc sử dụng quảng cáo khiêu dâm.
Năm ngoái, doanh số của công ty được ghi nhận ở mức 609 triệu USD, giảm so với mức 634 triệu USD năm 2013.
5. Coach
Coach đang “sửa sang” lại mọi thứ, từ diện mạo các cửa hàng cho đến sản phẩm nhằm khôi phục lại phong cách "cool" cho thương hiệu của mình. Đến nay, đây vẫn được xem là một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn. Doanh thu quý gần nhất của hãng tại Bắc Mỹ giảm tới 24%.
6. Abercrombie & Fitch
Khi Abercrombie dần loại bỏ những sản phẩm cũ để theo đuổi một xu hướng thời thượng hơn, các nhà phân tích đã có cảnh báo. Giới chuyên gia cho rằng nhãn hàng này vô hình trung sẽ tự làm cho mình trở nên xa lạ đối với khách hàng hiện tại, đồng thời lại không thể thu hút thêm khách hàng mới. Ngoài việc “tân trang” lại các sản phẩm của mình, Abercrombie & Fitch cũng đang dần từ bỏ việc sử dụng những hình ảnh khiêu dâm.
Bất chấp những điều này, doanh số bán hàng của nhãn hiệu đầu tàu của Abercrombie & Fitch vẫn không khá khẩm hơn so với quý đầu tiên mà ngược lại còn giảm 9%.
7. Aéropostale
Hãng thời trang bán lẻ đồng hành cùng tuổi teen Aéropostale dường như đang cố gắng tạo nên một dấu ấn mới bằng việc thoát ra khỏi cái bóng của các sản phẩm áo phông và áo khoác mũ. Một trong những cách Aéropostale sử dụng để hiện thực hóa tham vọng này là mở rộng những nhãn hiệu mới nổi của công ty, bao gồm một hệ thống độc quyền cho ngôi sao của kênh YouTube, Bethany Mota.
Mặc dù là một điểm sáng trong danh mục đầu tư, nhưng tổng doanh thu của công ty vẫn tiếp tục sụt giảm trong quý đầu tiên, với doanh số của cùng một cửa hàng giảm 11%. Tuy nhiên, con số này được coi là khá hơn so với mực giảm 13% cùng kỳ năm trước.
8. Vera Bradley
Vera Bradley muốn được biết đến nhiều hơn thay vì chỉ nổi tiếng với sản phẩm túi chần. Bởi thế, nhằm làm mới thương hiệu, công ty đã cho mở rộng sản phẩm bằng cách sử dụng các loại vải và chất liệu khác nhau, trong đó bao gồm cả da.
Tuần trước, CEO Robert Wallstrom phát biểu trước các nhà đầu tư rằng mặc dù công ty đã có những bước tiến nhất định khi tung ra sản phẩm mới, tuy nhiên khách hàng vẫn đang phản ứng rất chậm với những thay đổi này. Kết quả là doanh số bán hàng của công ty giảm tới 17% trong quý gần đây nhất.
"Điều này quả thực rất phũ phàng, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng những tiến bộ mà chúng tôi đã làm chưa được phản ánh hoàn toàn qua tình hình tài chính hiện giờ”, ông Wallstrom nói với các nhà đầu tư.
9. Guess
Doanh số của các cửa hàng bán lẻ tại Bắc Mỹ của Guess ở mức âm trong suốt 18 tháng vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tình hình đang bắt đầu ổn định lại. Trong năm nay, công ty này sẽ cho đóng cửa 60 điểm bán hàng hoạt động yếu kém.
Trong quý gần nhất, Guess cho biết ngạch kinh doanh trang phục dành cho nữ doanh nhân của hãng đã bắt đầu cải thiện, đặc biệt là các mặt hàng như váy, quần jean và áo dệt. Trong khi đó, doanh số bán trang phục dành cho nam tăng trưởng ở mức thấp hơn.
(Theo Zing)